Sự kiện nổi bật ngày 27.9

Sự kiện qua ảnh - Ngày đăng : 22:00, 27/09/2021

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Tọa đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế - xã hội là sự kiện nổi bật ngày 27.9.

TRONG NƯỚC


Ngày 27.9, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Tọa đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế - xã hội. Tham dự Tọa đàm có: Chủ nhiệm các cơ quan của Quốc hội, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, 1 số Ủy ban của Quốc hội, 1 số đại biểu Quốc hội, đại diện các Ban Đảng, 1 số bộ, ngành, cơ quan Trung ương. Đại diện một số tổ chức quốc tế tại Việt Nam có: quyền Trưởng Đại diện Thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Giám đốc quốc gia Ngân hàng phát triển châu Á tại Việt Nam, Trưởng đại diện Văn phòng Quỹ tiền tệ quốc tế tại Việt Nam, đại diện Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương, một số chuyên gia kinh tế, đại diện các doanh nghiệp, cán bộ các tổ chức quốc tế, các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương. Trong ảnh: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận buổi Tọa đàm. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN.


Ngày 27.9, tại Hà Nội, Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức Phiên họp lần thứ hai theo hình thức trực tuyến. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu chỉ đạo. Phiên họp thứ hai của Ủy ban Xã hội của Quốc hội được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Theo kế hoạch, phiên họp sẽ diễn ra trong hai ngày 27.9 và ngày 1.10. Đây là phiên họp đặc biệt quan trọng của Ủy ban khi sẽ xem xét, chuẩn bị nội dung phục vụ Phiên họp thứ 4 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV đối với các nội dung thuộc lĩnh vực phụ trách của Ủy ban. Ngoài ra, Ủy ban cũng thảo luận, thống nhất về “hành lang pháp lý” cho hoạt động của Ủy ban, đó là quy chế hoạt động của Ủy ban; thông qua danh sách các Tiểu ban, đánh giá hoạt động của Ủy ban trong năm 2021 và định hướng cho hoạt động của Ủy ban trong năm 2022, trong đó có hoạt động giám sát. Trong ảnh: Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu chỉ đạo phiên họp. Ảnh: Nguyễn Điệp – TTXVN.


Ngày 27.9, tại Hà Nội, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Việt Nam Đỗ Văn Chiến đã tiếp nhận ủng hộ số tiền 3 tỷ đồng từ Công đoàn Ngân hàng Chính sách xã hội ủng hộ phòng, chống COVID-19. Trong ảnh: Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Việt Nam Đỗ Văn Chiến tiếp nhận ủng hộ số tiền 3 tỷ đồng từ Công đoàn Ngân hàng Chính sách xã hội. Ảnh: Minh Đức – TTXVN.


Ngày 27.9, Ngày 27.9, Ban Dân vận Tỉnh ủy Tuyên Quang tổ chức Hội nghị biểu dương người dân tộc thiểu số tiêu biểu trong công tác dân vận, giai đoạn 2016-2021. Lãnh đạo Ban Dân vận Trung ương, lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang, đại diện các sở, ban, ngành cùng 92 đại biểu là người dân tộc thiểu số tiêu biểu trong việc thực hiện công tác dân vận tham dự hội nghị. Trong ảnh: Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm tặng Bằng khen cho những cá nhân người dân tộc thiểu số tiêu biểu trong thực hiện công tác dân vận. Ảnh: Quang Cường – TTXVN.


Bộ Giao thông vận tải vừa trình Chính phủ Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 100/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt. Dự thảo này đề xuất tăng nặng nhiều mức phạt liên quan đến người điều khiển xe máy, nhất là không có giấy phép lái xe, bảo hiểm trách nhiệm dân sự... Đáng chú ý trong dự thảo, người đi xe máy không biển số, biển không rõ chữ số, che biển, dán thêm làm thay đổi chữ hoặc màu sắc của chữ số, đề xuất phạt từ 1 - 2 triệu đồng, mức phạt này tăng gấp 10 lần hiện nay. Đối với người điều khiển mô tô, xe máy không có giấy phép lái xe hoặc giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp, bị tẩy xóa hoặc không hợp lệ hiện bị phạt 800.000 - 1,2 triệu đồng. Dự kiến mức phạt này tăng lên 1 - 2 triệu đồng. Trong ảnh: Đội Cảnh sát giao thông số 7 kiểm tra và xử lý các trường hợp không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông tại Hà Nội. Ảnh: TTXVN.


Sáng 27.9, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội mở phiên xét xử phúc thẩm Vụ án "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học Ethanol Phú Thọ do có kháng cáo của các bị cáo và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Hội đồng xét xử trong vụ án gồm 3 người, do Thẩm phán Võ Hồng Sơn làm chủ tọa phiên tòa; đại diện Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội có hai kiểm sát viên cao cấp là bà Phạm Thị Minh Yến và ông Phạm Quốc Huy. Trong vụ án này, sau phiên tòa xét xử sơ thẩm, bị cáo Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN) không làm đơn kháng cáo. Bị cáo Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam - PVC) đã rút đơn kháng cáo trước phiên phúc thẩm. Trong ảnh: Quang cảnh phiên tòa. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN.


Ngày 27.9, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị cho biết, đơn vị đã phối hợp với các lực lượng chức năng gồm: Đoàn 2, Cục Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ đội Biên phòng; Hải quan tỉnh Quảng Trị phối hợp kiểm tra 7 xe container của Công ty TNHH xuất nhập khẩu An Trần (địa chỉ tại số 37 Trần Đại Nghĩa, Phường 5, TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) khi làm thủ tục thông quan từ Lào vào Việt Nam tại Cửa khẩu Quốc tế La Lay. Qua đó, phát hiện trên xe chở tổng cộng 450 m3 gỗ các loại và gần 11.000 kg đá phấn quý với tổng trị giá ước tính ban đầu trên 29 tỷ đồng. Trong đó, đơn vị này khai báo gian lận vượt 84 m3 gỗ so với tờ khai nhập khẩu hàng hoá; hơn 77 m3 gỗ quý hiếm gồm gỗ cẩm lai, gỗ trắc, trị giá hơn 8 tỷ đồng; gần 11.000 kg đá phấn không có tờ khai nhập khẩu hàng hóa, trị giá ước tính ban đầu gần 6 tỷ đồng. Trong ảnh: Đá phấn không có tờ khai nhập khẩu hàng hóa bị phát hiện trong các xe container. Ảnh: TTXVN.

TRONG TỈNH


Ngày 27.9, Đoàn kiểm tra công tác cải cách hành chính năm 2021 của UBND tỉnh bắt đầu kiểm tra tại huyện Tứ Kỳ. Theo kế hoạch, UBND tỉnh thành lập 2 đoàn kiểm tra, do 2 đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh là trưởng đoàn. Các đoàn chia thành 2 tổ công tác, sẽ kiểm tra trực tiếp tại một số xã, phường, thị trấn của 6 UBND cấp huyện và 8 sở, ban, ngành. Nét mới trong công tác kiểm tra cải cách hành chính năm nay là bổ sung nội dung kiểm tra việc xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số thay nội dung hiện đại hóa nền hành chính. Trong ảnh: Đoàn kiểm tra công tác cải cách hành chính năm 2021 của UBND tỉnh kiểm tra tại xã Bình Lãng (Tứ Kỳ). Ảnh: Thu Minh


Chiều 27.9, Tòa án Nhân dân tỉnh Hải Dương xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Đào Anh Tuấn (42 tuổi, ở số nhà 63, đường Lý Quốc Bảo, phường Nhị Châu, TP Hải Dương) 24 tháng tù về tội tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài. Cuối tháng 3.2021, Tuấn được Đào Duy Tùng (sinh năm 1989, ở số 42, đường Hàm Nghi, phường Hải Tân, TP Hải Dương) có quan hệ họ hàng liên lạc nhờ đưa sang Lào tìm việc làm. Đối tượng Tùng sau khi sang Lào đã nhập cảnh trái phép về nước vào ngày 22.4.2021, sau đó làm lây lan dịch bệnh Covid-19 cho nhiều người. Trong ảnh: Đối tượng Tuấn tại phiên xét xử. Ảnh: Danh Trung

QUỐC TẾ


Đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) đã giành chiến thắng tại cuộc bầu cử Quốc hội liên bang khoá 20 sau khi tất cả số phiếu đã được kiểm. Lần đầu tiên sau nhiều năm, SPD đã trở lại là chính đảng mạnh nhất ở Đức. Thông tin từ trang web của Cơ quan Bầu cử liên bang cho thấy SPD đã nhận được 25,7% số phiếu ủng hộ. Sau 16 năm cầm quyền của nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel, đảng Liên minh Dân chủ/Xã hội cơ đốc giáo (CDU/CSU) về thứ hai khi nhận được 24,1% số phiếu, con số thấp kỷ lục. Đảng Xanh được 14,8%, kết quả cao nhất trong lịch sử của đảng này và trở thành chính đảng mạnh thứ 3 ở Đức. Trong khi đó, đảng Dân chủ Tự do (FDP) được 11,5%, đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) được 10,3% và đảng Cánh tả 4,9%. Trong ảnh: Phó Thủ tướng Đức kiêm ứng viên tranh cử Thủ tướng của đảng Dân chủ Xã hội (SPD) Olaf Scholz (phải, hàng trước) sau khi kết quả bầu cử sơ bộ được công bố trên truyền hình, tại Berlin. Ảnh: AFP/TTXVN.


Ngày 27.9, Đối thoại Quốc phòng tích hợp (KIDD) giữa Hàn Quốc và Mỹ lần thứ 20 đã chính thức khai mạc tại thủ đô Seoul, với sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Kim Man-ki và Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách vấn đề Đông Á Siddharth Mohandas. Thông cáo báo chí của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, trong hai ngày làm việc 27-28.9, các quan chức hai nước sẽ thảo luận về "vấn đề an ninh lớn đang chờ xử lý" như đánh giá tình hình an ninh trên Bán đảo Triều Tiên và điều phối chính sách về vấn đề Triều Tiên. Các quan chức quốc phòng Hàn-Mỹ cũng sẽ tập trung thảo luận về vấn đề chuyển giao quyền chỉ huy thời chiến (OPCON), dựa trên điều kiện thực tế của quân đội Hàn Quốc cũng như các cách thức để tăng cường hợp tác quốc phòng giữa hai nước. Trong ảnh: Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Kim Man-ki (phải) và Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách vấn đề Đông Á Siddharth Mohandas chụp ảnh chung trước Đối thoại Quốc phòng tích hợp lần thứ 20 tại Seoul (Hàn Quốc). Ảnh: YONHAP/TTXVN.


Ngày 27.9, giới chức Hy Lạp thông báo nhiều tòa nhà và công trình xây dựng bị hư hỏng nặng sau trận động đất mạnh làm rung chuyển đảo Crete ở miền Nam nước này. Theo Viện nghiên cứu địa động lực Athens (AGI), trận động đất có độ lớn 5,8 đã làm rung chuyển nhiều tòa nhà, khiến nhiều người dân trong khu vực phải tháo chạy ra ngoài để đảm bảo an toàn. Hiện chưa có báo cáo về thương vong, tuy nhiên có ít nhất 2 người được cho là bị mắc kẹt trong các tòa nhà bị hư hỏng do động đất. Hãng AP (Mỹ) đưa tin giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đã phát đi cảnh báo sóng thần sau trận động đất mạnh tại quốc gia láng giềng. Trong ảnh: Người dân đổ ra đường phố do lo ngại dư chấn sau động đất ở Heraklion, đảo Crete, Hy Lạp. Ảnh: REUTERS/TTXVN.