5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII. Bài 3: “Bảo bối” giúp Đảng trong sạch, đội ngũ vững mạnh

Xây dựng Đảng - Ngày đăng : 10:08, 04/10/2021

Kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương (NQTƯ) 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã góp phần quan trọng tạo bước chuyển biến toàn diện đối với công tác hệ trọng bậc nhất của Đảng.

>>>Bài 1: "Chiếc gương" chiếu khuyết tật
>>>Bài 2: Không còn “trên nóng, dưới lạnh”

Đó có thể ví như “bảo bối” để giữ vững và phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng, củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức và đội ngũ cán bộ, đảng viên cũng như niềm tin vững bền của nhân dân với Đảng.

Không có vùng cấm, không có ngoại lệ

Nghị quyết Trung ương (NQTƯ) 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng chỉ rõ tồn tại: “Việc thực hiện kỷ cương, kỷ luật của Đảng chưa nghiêm, còn có biểu hiện “nhẹ trên, nặng dưới". Công tác quản lý cán bộ, đảng viên còn thiếu chặt chẽ. Nguyên tắc tập trung dân chủ ở nhiều nơi bị buông lỏng; nguyên tắc tự phê bình và phê bình thực hiện không nghiêm... Sự phối hợp giữa công tác kiểm tra, giám sát của Đảng với công tác thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử chưa chặt chẽ, xử lý chưa đủ nghiêm minh”. Trên cơ sở nhận diện rõ, tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, thực tiễn triển khai thực hiện nghị quyết 5 năm qua đã minh chứng sự quyết tâm, quyết liệt của Đảng ta trong việc chấn chỉnh đội ngũ và làm cho tổ chức đảng thêm trong sạch vững mạnh.

“Bảo bối” giúp Đảng trong sạch, đội ngũ vững mạnh
Lãnh đạo thành phố Cần Thơ thăm mô hình sản xuất lúa sạch tại huyện Vĩnh Thạnh (ảnh chụp trước tháng 4.2021)

Có thể khẳng định, chưa bao giờ có số lượng lớn cán bộ bị xử lý kỷ luật như nhiệm kỳ qua. Hàng loạt cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước như bí thư, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố, thứ trưởng, bộ trưởng, tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang, đến Ủy viên Bộ Chính trị vi phạm nghiêm trọng kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước đã bị xử lý nghiêm minh. Đây là bước đột phá trong công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng. Cụ thể, trong nhiệm kỳ Đại hội XII, Đảng thi hành kỷ luật hơn 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 27 Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; 4 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; hơn 30 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang (trong đó có 18 cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý hình sự). Có cả những người trước kia được phong danh hiệu anh hùng, nhưng khi vi phạm vẫn bị Đảng ta xử lý nghiêm khắc, đúng như lời răn dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước. Đồng chí ta nhiều người đã làm được nhưng vẫn còn những người hủ hóa. Đảng có trách nhiệm gột rửa cho các đồng chí đó”.

Không chỉ có cán bộ cấp cao đương chức, mà cả những cán bộ lãnh đạo cấp cao đã nghỉ hưu cũng bị truy tố trách nhiệm, xử lý nghiêm khắc khi vi phạm kỷ luật, nguyên tắc Đảng trong thời gian công tác. Chính bởi cách làm nghiêm minh này đã loại bỏ được “tư duy nhiệm kỳ” của một bộ phận cán bộ-một trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị mà nghị quyết chỉ ra: Vướng vào "tư duy nhiệm kỳ", chỉ tập trung giải quyết những vấn đề ngắn hạn trước mắt, có lợi cho mình; tranh thủ bổ nhiệm người thân, người quen, người nhà dù không đủ tiêu chuẩn, điều kiện giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc bố trí, sắp xếp vào vị trí có nhiều lợi ích.

Trong xử lý cán bộ vi phạm, Đảng ta nhất quán và quyết liệt thực hiện phương châm không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào; càng trên cao, càng giữ trọng trách thì càng phải xử lý nghiêm để nêu gương. Kết quả đó đã góp phần dập tan dư luận, cũng như khắc phục tồn tại “nhẹ trên, nặng dưới” trong xử lý cán bộ vi phạm mà NQTƯ 4, khóa XII chỉ rõ. Sự hoài nghi về “một bộ phận không nhỏ” được làm sáng tỏ, là cơ sở vững chắc để toàn Đảng, toàn dân tiếp tục quét sạch chủ nghĩa cá nhân, làm trong sạch đội ngũ, vững mạnh tổ chức.

Tại Phiên họp thứ 20 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (tháng 8.2021), các đại biểu bày tỏ sự đồng thuận rất cao, khẳng định: Công tác xây dựng Đảng và phòng chống tham nhũng trong thời gian qua tiếp tục được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả quan trọng. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về xây dựng Đảng, quản lý kinh tế-xã hội và phòng, chống tham nhũng, phòng chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” được đẩy mạnh, góp phần tạo cơ sở chính trị-pháp lý đồng bộ, khả thi để phòng, chống tiêu cực một cách đồng bộ, hiệu quả.

Đánh giá đó là hết sức đúng đắn, sát thực tiễn và hợp lòng dân. Theo kết quả điều tra dư luận xã hội do Viện Dư luận xã hội (Ban Tuyên giáo Trung ương) thực hiện tháng 8.2020, có 93% người dân bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực; khiến cho mọi sự xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch đều trở nên trơ trẽn, nực cười. Qua kết quả khảo sát của Báo Quân đội nhân dân tại 16 đảng bộ cấp huyện thuộc đảng bộ 5 tỉnh, thành phố (Cần Thơ, Đồng Tháp, Đà Nẵng, Điện Biên, Quảng Ngãi), cũng cho thấy, niềm tin của nhân dân dành cho tổ chức Đảng và đội ngũ cán bộ cơ sở được tăng cường theo hướng tích cực sau 5 năm thực hiện NQTƯ 4, khóa XII. Đó là một thành công lớn, một dấu ấn quan trọng, khẳng định uy tín lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng trong điều kiện mới.

Phá điểm yếu ở “khâu then chốt”

NQTƯ 4, khóa XII đã khẳng định hiệu lực, hiệu quả từ việc hàng loạt cán bộ, đảng viên vi phạm bị xử lý nghiêm minh. Nhưng cần khẳng định rằng, Đảng ta không lấy kỷ luật cán bộ là mục tiêu hàng đầu, mà thông qua đó để răn đe, giáo dục, cảnh tỉnh, cảnh báo, ngăn ngừa sai phạm. Việc kết hợp giữa “xây” và “chống” trên tinh thần lấy “xây” là nhiệm vụ cơ bản, lấy “chống” là nhiệm vụ thường xuyên thông qua kết hợp chặt chẽ giữa thực hiện NQTƯ 4, khóa XII với Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong 5 năm qua tạo ra những thay đổi tích cực trong toàn hệ thống chính trị. Việc xây dựng cam kết, kế hoạch rèn luyện, tu dưỡng theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với trách nhiệm nêu gương được triển khai đồng bộ, sâu rộng, ngày càng trở thành việc làm chủ động, thường xuyên của mỗi cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng.

Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở đảng, Ban Tổ chức Trung ương tâm đắc: Điểm mới là trong tự phê bình và phê bình gắn với NQTƯ 4, khóa XII, chúng ta không làm từ trên xuống, không làm từ dưới lên, cũng không làm từ giữa ra mà tiến hành đồng thời ở các cấp, nghĩa là các cấp cùng tiến hành nhưng ở cấp nào cũng lựa chọn những trọng tâm, trọng điểm. Khi các cấp ủy chọn được trọng tâm, trọng điểm thì nhất thiết phải có gợi ý kiểm điểm sâu và cấp ủy phải chỉ đạo theo dõi sát sao. Ví dụ, Bộ Chính trị gợi ý kiểm điểm cho một số ban thường vụ tỉnh ủy. Tất cả những nơi được Bộ Chính trị gợi ý đều phân công một đồng chí ủy viên Bộ Chính trị về dự chỉ đạo, theo dõi và có các cơ quan Đảng chỉ đạo, giám sát. Ở các địa phương, tất cả vấn đề lớn, vấn đề nổi cộm, vấn đề được báo chí, dư luận công luận bức xúc, lên án đều được đưa vào chương trình kiểm điểm gắn với việc thực hiện NQTƯ 4, khóa XII. Các tỉnh ủy, thành ủy có quy định rõ, hằng tháng chi bộ sinh hoạt thì các đảng viên phải đối chiếu với 27 biểu hiện để tự phê bình và phê bình. Đến nay, 27 biểu hiện được hầu hết cán bộ, đảng viên nắm chắc để tự soi chiếu vào mình, từ đó phòng tránh, ngăn ngừa, đấu tranh.

Nhận định về sự chuyển biến tích cực của đội ngũ cán bộ, đảng viên, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương từng nhiều lần tâm huyết: Việc thực hiện NQTƯ 4, khóa XII không chỉ giúp tầm soát, thanh lọc đội ngũ, mà còn là dấu ấn rõ nét, tạo bước đột phá về nâng cao chất lượng cán bộ, đảng viên, thực hành đạo đức công vụ, từng bước xóa bỏ tình trạng nhũng nhiễu, hành dân, tham nhũng vặt... Về tổng thể, đội ngũ cán bộ đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Cùng với phòng, chống các biểu hiện suy thoái, Đảng ta đặc biệt chú trọng công tác bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ. Thực tiễn cho thấy, nhiều nhiệm kỳ, Đảng nhận thức rất rõ vai trò của cán bộ và công tác cán bộ, nhưng vấn đề cán bộ luôn phức tạp, nhạy cảm, dễ xảy ra tiêu cực và khó phát hiện, xử lý. Công tác cán bộ vẫn là khâu yếu và luôn là một trong những vấn đề bức xúc nhất mà dư luận xã hội quan tâm. Tại nhiều hội nghị, diễn đàn, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Phải coi cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng; công tác cán bộ là khâu "then chốt" của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là công việc thường xuyên của Đảng.

Từ những hạn chế, yếu kém trong công tác cán bộ đã được NQTƯ 4, khóa XII nêu ra, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tập trung rất cao để lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện việc rà soát, bổ sung, sửa đổi, ban hành hệ thống quy định, quy chuẩn, nguyên tắc, cách thức chấn chỉnh và đổi mới toàn diện về công tác cán bộ, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm số một, là nhiệm vụ thường xuyên của toàn Đảng và cả hệ thống chính trị. Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành gần 130 văn bản quan trọng để lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó có nhiều nghị quyết, quy định, quy chế, quy trình, hướng dẫn... về công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ. Để cụ thể hóa chủ trương, nghị quyết của Trung ương, các cấp ủy cấp tỉnh ban hành hơn 6.200 văn bản các loại, trong đó có nhiều văn bản về công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ. Việc ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết của Trung ương và cấp ủy các cấp đã từng bước hoàn thiện thể chế về công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ để thực hiện, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao trong thời kỳ phát triển mới của đất nước.

Nhìn lại kết quả lựa chọn cán bộ từ đại hội đảng các cấp vừa qua cho thấy, trong công tác cán bộ, nhân sự, Đảng ta áp dụng rất nhiều điểm mới quan trọng so với các nhiệm kỳ trước, trong đó có quy định tiêu chuẩn nhân sự tham gia cấp ủy, quy trình công tác nhân sự và đặc biệt là thực hiện giảm 5% số lượng cấp ủy viên cấp tỉnh, cấp huyện. Qua thực hiện cho thấy cấp tỉnh giảm 6,2%, cấp huyện giảm 11,6%, cấp cơ sở giảm 12,5% và qua đó góp phần giảm chi ngân sách hàng trăm tỷ đồng/năm. Điểm đáng chú ý, dù giảm số lượng cấp ủy nhưng chất lượng, hiệu quả lãnh đạo lại tăng lên nhiều. Bởi chúng ta mở rộng dân chủ, tăng cường trách nhiệm của các cá nhân, tập thể trong lựa chọn giới thiệu người tham gia cấp ủy, có sự thẩm định, giám sát của nhiều bên.

Rút kinh nghiệm từ những hạn chế, yếu kém trong công tác cán bộ, việc chuẩn bị, giới thiệu nhân sự tham gia vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII được tiến hành chặt chẽ hơn. Qua nhiều lần quy hoạch, bổ sung, điều chỉnh, Trung ương đã bỏ phiếu kín giới thiệu và đưa vào quy hoạch cán bộ cấp chiến lược. Việc quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026 được tiến hành từng bước thận trọng theo quy trình chặt chẽ, dân chủ. Đây là kết quả của cả quá trình đổi mới công tác cán bộ một cách bài bản, đúng hướng trên tinh thần bám sát cương lĩnh, nghị quyết, Điều lệ Đảng. Kiên quyết không để lọt vào cấp ủy các cấp những người bản lĩnh chính trị không vững vàng, phẩm chất năng lực kém, thiếu gương mẫu, mất đoàn kết nội bộ, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh, có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, chạy chức chạy quyền, tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm.

Theo báo Quân đội nhân dân

------------------------------------------------------
Bài 4: Vướng mắc, hạn chế - Nhận diện và khắc phục