Biển Đông khả năng xuất hiện liên tiếp 2 cơn bão

Môi trường - Ngày đăng : 17:16, 06/10/2021

Ngoài áp thấp nhiệt đới đang hoạt động trên Biển Đông hiện nay, dự báo khoảng ngày 12-13.10, trên Biển Đông tiếp tục có khả năng xuất hiện thêm một cơn bão.

Biển Đông khả năng xuất hiện liên tiếp 2 cơn bão - Ảnh 1.

Vị trí và hướng di chuyển áp thấp nhiệt đới chiều 6.10 - Ảnh: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia

Thông tin này được ông Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn cho biết trong báo cáo đặc biệt về một số nhận định sớm tình hình thiên tai 10 ngày tới và xu thế diễn biến 3 tháng cuối năm.

Theo ông Thái, chiều 5.10, một áp thấp nhiệt đới đã hình thành trên vùng biển phía nam Biển Đông, ngay trên dải hội tụ nhiệt đới có xu hướng hoạt động mạnh lên trong những ngày tới.

"Dự báo áp thấp nhiệt đới này có khả năng mạnh lên thành bão số 7, hướng về phía quần đảo Hoàng Sa, sau đó sẽ có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Trung Trung Bộ, Bắc Trung Bộ từ ngày 8.10 đến khoảng ngày 12.10", ông Thái nhận định.

Ông Thái cho biết dự báo khoảng ngày 10-11.10, một đợt không khí lạnh mạnh có khả năng ảnh hưởng đến nước ta và tương tác với cơn áp thấp nhiệt đới/bão nên trong những ngày tới diễn biến của áp thấp nhiệt đới/bão được dự báo còn có diễn biến rất phức tạp, khả năng gây mưa lớn ở các tỉnh Trung Trung Bộ, Bắc Trung Bộ (mưa lớn do bão kết hợp với không khí lạnh).

"Ngoài ra, dự báo khoảng ngày 12-13.10, trên Biển Đông tiếp tục có khả năng xuất hiện thêm một cơn bão mới", ông Thái nhận định.

Biển Đông khả năng xuất hiện liên tiếp 2 cơn bão - Ảnh 2.

Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai họp trực tuyến ứng phó với áp thấp nhiệt đới chiều 6.10 - Ảnh: CHÍ TUỆ

Tại cuộc họp trực tuyến với các bộ, ngành và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Phú Yên, ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa lũ do Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai tổ chức chiều 6.10, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết lúc 13h chiều nay, áp thấp nhiệt đới đang cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 330 km về phía đông nam.

Dự báo từ các mô hình trên thế giới đang có sự phân tán rất lớn. Một số mô hình dự báo áp thấp nhiệt đới sẽ đi vào các tỉnh Trung Trung Bộ. Một số mô hình dự báo đi lên phía bắc đảo Hải Nam (Trung Quốc).

"Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão (cấp 8-9) trong 24 đến 36 giờ tới. Khi vào gần bờ có khả năng sẽ di chuyển chậm lại và đi vào khu vực giữa Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ", ông Khiêm nhận định.

Ông Khiêm cảnh báo từ ngày 6-8.10, mưa rất to tập trung ở Quảng Bình đến Phú Yên và Bắc Tây Nguyên, riêng ở khu vực Huế - Quảng Ngãi có nơi mưa đặc biệt to. Tổng lượng mưa ở Quảng Bình đến Quảng Ngãi và Kon Tum phổ biến 300-500mm/đợt, có nơi trên 600mm/đợt.

Dự báo từ ngày 9 đến ngày 12.10, mưa lớn mở rộng ra các tỉnh Bắc Trung Bộ và Đồng bằng Bắc Bộ do tác động của không khí lạnh kết hợp với cơn bão số 7. Riêng các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị có dấu hiệu xuất hiện một đợt mưa đặc biệt lớn.

Trên các sông từ Hà Tĩnh đến Phú Yên, Kon Tum, Gia Lai có khả năng xuất hiện một đợt lũ. Đỉnh lũ trên các sông từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai lên mức báo động 2-3, có sông trên báo động 3; thượng lưu các sông ở Hà Tĩnh, hạ lưu các sông chính ở Bình Định, Phú Yên lên mức báo động 1-2 và trên báo động 2.

"Dự báo có khoảng 72 huyện, khu đô thị và 54 huyện ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Phú Yên, Kon Tum, Gia Lai có nguy cơ bị ngập lụt, lũ quét và sạt lở đất", ông Khiêm cảnh báo.

Theo Tuổi trẻ