Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm quý III năm 2021 cao nhất 10 năm gần đây
Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 15:16, 12/10/2021
Những thông tin này được Tổng cục Thống kê đưa ra tại buổi họp báo tình hình lao động việc làm quý 3 và 9 tháng năm 2021 diễn ra sáng nay (12.10) tại Hà Nội.
Thất nghiệp và thiếu việc tăng cao
Tại buổi họp báo, ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động, Tổng cục Thống kê cho hay, biến thể Delta của virus corona đã tác động nặng nề đến thị trường lao động Việt Nam trong quý 3 năm 2021. Trong thời gian này, cả nước có hơn 28,2 triệu người từ 15 tuổi trở lên hứng chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 khiến họ bị mất việc làm, phải giãn nghỉ việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập…
Trong tổng số hơn 28,2 triệu người bị tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19, có 4,7 triệu người bị mất việc, chiếm 16,5%; 14,7 triệu người phải tạm nghỉ, tạm dừng sản xuất kinh doanh, chiếm 51,1%.
Lao động khu vực thành thị chịu thiệt hại nhiều hơn so với khu vực nông thôn. Có 46,2% lao động khu vực thành thị bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch Covid-19, trong khi đó con số này ở nông thôn là 32,4%.
Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý 3 là hơn 1,7 triệu người, tăng 532,2 nghìn người so với quý trước và tăng 449,6 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 3,98%, tăng 1,36 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 1,25 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 lần thứ tư và thời gian giãn cách xã hội kéo dài ở nhiều địa phương đã đẩy tỷ lệ thất nghiệp trong quý này vượt xa con số 2% như thường thấy.
Cũng theo Tổng cục thống kê, đến hết quý 3 vừa qua, tình hình dịch Covid-19 trở nên phức tạp trên cả nước khiến việc giãn cách xã hội kéo dài, hàng loạt các doanh nghiệp, dịch vụ không thiết yếu buộc phải đóng cửa làm số lượng lớn lao động bị ảnh hưởng nặng nề.
Nhiều người lao động buộc phải rời khỏi thị trường, khiến số người tham gia lực lượng lao động quý 3 bị sụt giảm nghiêm trọng, dẫn đến tỷ lệ tham gia lực lượng lao động trong quý 3 xuống mức thấp nhất trong 10 năm trở lại đây.
Dịch Covid-19 không chỉ ảnh hưởng đến khu vực chính thức làm số lao động trong khu vực này giảm mà còn lan rộng sang cả khu vực phi chính thức khiến người lao động rơi vào tình cảnh thất nghiệp, không còn cơ hội tìm được việc làm phi chính thức như trước đó.
Số người thiếu việc làm trong độ tuổi trong quý 3 là hơn 1,8 triệu người, tăng 700,3 nghìn người so với quý trước và tăng 620,0 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động là 4,46%, tăng 1,86 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 1,74 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị cao hơn so với khu vực nông thôn (tương ứng là 5,33% và 3,94%).
Thu nhập bình quân giảm mạnh
Tổng cục Thống kê cũng ghi nhận, thu nhập bình quân tháng của lao động trong quý 3/2021 là 5,2 triệu đồng, giảm 877.000 đồng so với quý trước và giảm 603.000 đồng so với cùng kỳ năm trước.
Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng đến đời sống của người lao động. Thu nhập bình quân của người lao động quý 3/2021 thấp hơn đáng kể so với quý II năm 2020 (5,2 triệu đồng so với 5,5 triệu đồng), trong khi quý 2/2020 đã ghi nhận thu nhập bình quân của người lao động là mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.
Kể từ khi dịch Covid-19 bắt đầu khởi phát cho đến nay, Việt Nam đã trải qua 4 đợt bùng phát của đại dịch, trong đó, đợt bùng phát thứ nhất và đợt thứ 4 ảnh hưởng nặng nề nhất đến thị trường lao động. Đợt dịch thứ 4 kéo dài và diễn biến phức tạp đã làm cho nhiều doanh nghiệp không còn sức chống đỡ và phải rời khỏi thị trường, hàng vạn lao động phải về quê do mất việc.
Thực tế này đã đặt ra những thách thức lớn cho Chính phủ trong nỗ lực đạt được các mục tiêu tăng trưởng năm 2021. Trước tình hình đó, Tổng cục Thống kê đã đề xuất một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường lao động trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn những diễn biến khó lường.
Cụ thể, tập trung đẩy mạnh chiến lược tiêm vaccine, sử dụng tổng hợp mọi nguồn lực để sớm tiêm đủ vaccine phòng Covid-19 cho người dân, tạo cơ chế miễn dịch cộng đồng trong thời gian sớm nhất; Triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động phục hồi sau đại dịch; Chính phủ cần có chính sách khuyến khích các địa phương thiết lập các kênh thông tin chính thống, chuyên ngành để cập nhật cho doanh nghiệp và người lao động về chiến lược phát triển kinh tế; các chính sách hỗ trợ lao động và thu hút lao động, các kế hoạch về xét nghiệm, kiểm soát dịch bệnh của địa phương để họ xây dựng và thực hiện các kế hoạch khôi phục, phát triển sản xuất.
Theo VOV