Tổ chức phiên tòa trực tuyến là phù hợp

Tin tức - Ngày đăng : 12:43, 24/10/2021

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga đánh giá đến thời điểm này, chúng ta nghiên cứu và thể chế việc tổ chức xét xử phiên toà trực tuyến là phù hợp.

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và đại diện một số sở, ban, ngành tỉnh dự Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá XV tại điểm cầu của tỉnh sáng 24.10

Sáng 24.10, góp ý vào Dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến và Báo cáo công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2021, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn ĐBQH Hải Dương) đánh giá việc tổ chức phiên toà trực tuyến là một vấn đề khá mới mẻ trong hoạt động tố tụng của nước ta. Bởi một trong những nguyên tắc trong hoạt động xét xử của Toà án nhân dân đó là “xét xử trực tiếp”. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chúng ta nghiên cứu và thể chế việc tổ chức xét xử phiên toà trực tuyến là phù hợp.

Về nội dung của dự thảo Nghị quyết, đại biểu đồng tình với quy định tổ chức phiên tòa trực tuyến để xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm vụ án hình sự, dân sự và hành chính có tính chất, tình tiết đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng. "Tôi đề nghị xem xét bổ sung tổ chức phiên toà trực tuyến, hoặc bán trực tuyến (tức là có những người sẽ có mặt trực tiếp tại phiên toà xét xử và có những người sẽ tham gia phiên xét xử thông qua hình thức trực tuyến) trong một số trường hợp như đối với những vụ án xâm hại tình dục vì việc xét xử trực tiếp trong những vụ án này có thể gây những tổn thương nhất định về mặt tâm lý đối với người người bị hại do tâm lý e ngại, xấu hổ, ngại đối diện", đại biểu Nga nói.

Theo đại biểu Nga, xét xử trực tuyến nếu được áp dụng cũng sẽ có giá trị và ý nghĩa rất lớn, thậm chí mang tính quyết định đối với những vụ việc bị hại, bị cáo là trẻ em với tâm lý không ổn định, sợ hãi. Đây là một trong những cách thức tạo môi trường thân thiện trong xét xử các vụ án liên quan đến trẻ em, bảo vệ quyền trẻ em trong hoạt động tố tụng. Việc lấy lời khai của người làm chứng tại phiên toà thông qua hình thức trực truyến cũng mang lại những hiệu quả nhất định, hạn chế tâm lý ngại va chạm của người làm chứng để cơ quan tiến hành tố tụng có được những lời khai chất lượng, khách quan, đầy đủ.


Đại biểu Quốc hội tỉnh Nguyễn Thị Việt Nga tham gia thảo luận trực tuyến sáng 24.10

Tuy nhiên, đại biểu Nga cho rằng để tổ chức thực hiện phiên toà trực tuyến hiệu quả, cần nhanh chóng hoàn thiện, đồng bộ hệ thống cơ sở vật chất, đường truyền, kết nối để bảo đảm tính ổn định, liên thông, liên tục trong xét xử. Cần chú trọng công tác bảo đảm an toàn, bảo mật, tránh xâm nhập đường truyền, dữ liệu khi thực hiện xét xử trực tuyến, tạo cơ hội để các thế lực xấu, thù địch tuyên truyền chống phá. Cần đề cao công tác quản lý, giám sát, theo dõi trong quá trình xét xử trực tuyến, đặc biệt là đối với bị cáo. Tránh để xảy ra việc lợi dụng xét xử trực tuyến trở thành thành cơ hội tác động vào quá trình xét hỏi, tranh tụng tại phiên toà và xâm phạm nguyên tắc xét xử độc lập và tuân theo pháp luật; gây ảnh hưởng đến tính khách quan, đúng đắn trong giải quyết vụ án, làm sai lệch sự thật, xâm phạm quyền bình đẳng trước pháp luật của mọi cá nhân.

Đại biểu Nga đề nghị cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết và triển khai ngay khi áp dụng, tránh tình trạng lúng túng, áp dụng không thống nhất giữa các cơ quan, giữa các địa phương; đồng thời cần sớm quy định về tổ chức phiên toà trực tuyến trong luật. Trước khi các quy định được luật hóa, cần rà soát, đánh giá, tổng kết toàn diện tính hiệu quả, các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị quyết.

Về công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2021, đại biểu Nga trăn trở về vấn đề số vụ hiếp dâm trẻ em tăng 9,26%, số vụ giao cấu với trẻ em tăng 2,64%, trong đó có nhiều vụ có tính chất nghiêm trọng.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đánh giá đây là một vấn đề không những bức xúc mà còn vô cùng đau xót. "Hiếp dâm trẻ em là loại tội phạm thể hiện mức độ cao nhất của sự suy đồi đạo đức xã hội. Quốc hội khóa XIV đã thực hiện giám sát tối cao về vấn đề xâm hại trẻ em, trong đó có hiếp dâm trẻ em. Đã nhiều kiến nghị được đưa ra, nhiều giải pháp được đề xuất nhưng rõ ràng, vấn đề nhức nhối này hoàn toàn chưa được cải thiện mà càng ngày càng trở nên trầm trọng hơn... Chúng ta có thể thống kê tương đối đầy đủ những vụ án hiếp dâm trẻ em, nhưng chúng ta khó có thể thống kê đầy đủ được những hệ lụy khủng khiếp của nó. Các vụ án khác khép lại, có thể khắc phục được những hậu quả cho những bên thiệt hại, nhưng trong các vụ án hiếp dâm trẻ em, nỗi đau còn theo nạn nhân suốt cả cuộc đời. Những nạn nhân của các vụ hiếp dân trẻ em phần lớn đều bị tước đoạt tuổi thơ, tước đoạt cơ hội hạnh phúc sau này, để lại dấu ấn hãi hùng trong cả cuộc đời. Trong thời  gian tới, dự báo loại tội phạm này nếu không được đấu tranh quyết liệt sẽ vẫn tiếp tục gia tăng. Dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh mẽ đã khiến cho biết bao trẻ em bị mồ côi, mất cha mẹ, mất người che chở, bảo vệ, yêu thương nhất. Bởi vậy nếu chúng ta không quyết liệt hơn nữa với loại tội phạm này, những số liệu đau xót sẽ ngày một tăng, kéo theo sự bất ổn và xuống cấp của đạo đức xã hội", đại biểu Nga nói.


Quang cảnh phiên họp ngày 24.10 tại điểm cầu Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Xuân Khu/TTXVN

Sáng cùng ngày, một số đại biểu Quốc hội Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh cũng có ý kiến phát biểu về Dự thảo Nghị quyết tổ chức phiên tòa trực tuyến.

Nhất trí với tầm quan trọng của việc đưa ra nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh bày tỏ sự đồng tình với Dự thảo Nghị quyết về phiên tòa trực tuyến.

Đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và các cơ quan nhà nước đều đã tổ chức các hoạt động làm việc trực tuyến để bảo đảm duy trì hoạt động bình thường của các cơ quan trong điều kiện dịch bệnh.

Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến của tòa án là phù hợp với xu hướng này và đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch và bảo đảm hoạt động bình thường của các cơ quan.

Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến là vấn đề mới của các nước, đòi hỏi thủ tục tố tụng phải chặt chẽ. Vì vậy, việc Quốc hội phải ban hành nghị quyết về phiên tòa trực tuyến là phù hợp với Khoản 1 Điều 146 Luật Ban hành văn bản là trong trường hợp khẩn cấp thì được ban hành văn bản theo trình tự rút gọn.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh, trong Khoản 2 Điều 1 Dự thảo Nghị quyết nên bỏ hai từ “nhưng vẫn” trong câu “Phiên tòa trực tuyến là phiên tòa được tổ chức tại phòng xử án có sử dụng thiết bị điện tử liên kết với nhau thông qua môi trường mạng, cho phép bị cáo, bị hại đương sự, người tham gia tố tụng tham gia phiên tòa tại địa điểm khác nhau do tòa án quyết định, nhưng vẫn bảo đảm trực tuyến” vì theo đại biểu thì cụm từ sau đã đầy đủ ý.

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh đề nghị trong nội dung Khoản 1 Điều 2 Dự thảo Nghị quyết cần bổ sung thêm Bộ Thông tin và Truyền thông vào quá trình phối hợp tổ chức thực hiện phiên tòa trực tuyến, vì phiên tòa trực tuyến đòi hỏi yêu cầu thủ tục tố tụng cao nên phải có sự tham gia của Bộ Thông tin và Truyền thông để bảo đảm an toàn, an ninh mạng, bảo đảm các yêu cầu tố tụng.

Đồng thuận với ý kiến của một số đại biểu Quốc hội về sự cần thiết của việc ban hành nghị quyết tổ chức phiên tòa trực tuyến, đại biểu Nguyễn Thanh Sang, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TP Hồ Chí Minh cho rằng Dự thảo Nghị quyết mà Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao trình trước Quốc hội là rất cần thiết trong tình hình hiện nay.

Như tại TP Hồ Chí Minh trong thời gian vừa qua cho thấy dịch bệnh diễn biến rất nghiêm trọng đã khiến toàn bộ hoạt động tố tụng bị đình trệ. Vì thế, việc ban hành nghị quyết về phiên tòa trực tuyến về dân sự, hình sự, hành chính là cần thiết, nhưng đề nghị cần thêm các vụ án về hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại mà có nội dung đơn giản, đầy đủ tài liệu, chứng cứ chứng minh.

Đại biểu Nguyễn Thanh Sang nhấn mạnh để thực hiện thuận lợi, đề nghị Tòa án Nhân dân tối cao phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an có hướng dẫn chi tiết, rõ ràng về những vụ việc, vụ án nào (được áp dụng trực tuyến) để áp dụng trong thực tế, bảo đảm các quy định pháp luật và thuận lợi cho các cơ quan tiến hành tố tụng.

Vấn đề xét xử là những quy định mà Bộ luật Tố tụng hình sự quy định, vì vậy cần có thời gian sơ kết, tổng kết, đưa thành luật để phù hợp cho hoạt động tố tụng. Dịch bệnh, thiên tai là điều không thể tính trước được, vì vậy, áp dụng quy định này (phiên tòa trực tuyến) là rất cần thiết, nhất là trong tình hình hiện nay.

PV - TTXVN