Kết hợp chặt chẽ giữa phổ biến, giáo dục và tổ chức thi hành pháp luật

Tin tức - Ngày đăng : 17:14, 24/10/2021

Đại biểu Bùi Sỹ Hoàn, Giám đốc Sở Tư pháp, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho rằng công tác phổ biến giáo dục pháp luật chưa có bước đột phá.


Đại biểu Bùi Sỹ Hoàn phát biểu thảo luận tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá XV

Đại biểu Bùi Sỹ Hoàn nhận định, việc thực hiện những chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) trong những năm qua đã đạt được nhiều kết quả và đang có những đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, góp phần làm cho nhận thức pháp luật trong xã hội được nâng lên; bảo đảm quốc phòng, an ninh; nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật; phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì công tác PBGDPL cũng còn những hạn chế như: Nội dung PBGDPL chưa có bước đột phá, chủ yếu duy trì việc tuyên truyền những văn bản pháp luật mới; chưa quan tâm đến việc tuyên truyền chủ trương, chính sách, dự thảo văn bản pháp luật để tạo sự đồng thuận của mọi người dân trong xã hội. Hình thức PBGDPL chậm đổi mới, còn lồng ghép nhiều mà ít thực hiện theo chuyên đề, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong phổ biến, giáo dục pháp luật chưa được sử dụng triệt để. Nguồn lực thực hiện công tác PBGDPL chưa bảo đảm, cụ thể là kinh phí phục vụ cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật còn dàn trải; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của lực lượng làm công tác tuyên truyền, PBGDPL không đồng đều.

Về nguyên nhân, đại biểu Hoàn cho rằng, nhiều địa phương chưa thực sự coi trọng công tác PBGDPL. Việc tổ chức đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL còn nhiều bất cập; chưa có sự gắn kết, phối hợp chặt chẽ giữa hoạt động PBGDPL với hoạt động xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật. Thể chế liên quan đến công tác PBGDPL còn nhiều bất cập, đặc biệt là các quy định, chính sách liên quan đến nguồn nhân lực, tài chính phục vụ công tác PBGDPL.

Trên cơ sở những đánh giá và phân tích trên, đại biểu Hoàn đề xuất Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo một số nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới về công tác PBGDPL như sau:

Thứ nhất, cần đặt công tác PBGDPL ở đúng vị trí theo như Chỉ thị 32-CT/TW ngày 9.12.2003 của Ban Bí thư là PBGDPL là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng”. Không nên và không thể xem nhẹ công tác này khi đặt cạnh các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội khác.

Thứ hai, tiếp tục đổi mới hoạt động PBGDPL theo hướng quan tâm, đẩy mạnh thông tin, phổ biến về chính sách quan trọng trong dự thảo văn bản quy phạm pháp luật đến các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của dự thảo văn bản nói riêng, các tầng lớp nhân dân nói chung; tăng cường hơn nữa những hiệu ứng tích cực của việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong tuyên truyền PBGDPL. Đặc biệt, cần đẩy mạnh xây dựng những chiến lược mới về ứng dụng CNTT trong thực hiện tuyên truyền PBGDPL; kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác PBGDPL, hướng tới xây dựng, quy hoạch đội ngũ cán bộ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chuyên sâu theo từng lĩnh vực pháp luật; bố trí kinh phí thành mục riêng cũng như đầu tư cơ sở vật chất thoả đáng cho công tác PBGDPL; triển khai thực hiện nghiêm túc, thực chất việc đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Thứ ba, nâng cao chất lượng công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật tạo môi trường thuận lợi để hoạt động PBGDPL phát huy hiệu quả.

Thứ tư, kết hợp chặt chẽ giữa phổ biến, giáo dục pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật. Tăng cường trách nhiệm của các cơ quan có chức năng tổ chức thi hành pháp luật và các cơ quan tư pháp trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Gắn kết chặt chẽ công tác kiểm tra, giám sát, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án với việc tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật có liên quan nhằm nâng cao ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân.

Thứ năm, tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về công tác PBGDPL. Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập trong các văn bản liên quan đến công tác PBGDPL; xây dựng cơ chế thực hiện xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, tạo điều kiện tổ chức các hoạt động xã hội hóa một cách rộng rãi và hiệu quả.

PV