Nỗ lực ngăn chặn dịch xâm nhập vào địa bàn
Xã hội - Ngày đăng : 14:28, 28/10/2021
Công an thị trấn Lai Cách (Cẩm Giàng) thường xuyên kiểm tra, rà soát người từ tỉnh ngoài về ở trọ trên địa bàn
Không còn chốt kiểm soát người vào địa bàn tỉnh, các địa phương đang nỗ lực thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để hạn chế tối đa việc bùng phát và lây lan dịch bệnh trong trạng thái bình thường mới.
Địa phương chủ động
Để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, từ 0 giờ ngày 26.10, Hải Dương đã dỡ các chốt kiểm soát dịch cấp tỉnh. Đến ngày 27.10, toàn tỉnh cũng không còn chốt kiểm dịch cấp huyện, xã. Việc này tạo thuận lợi cho người dân đi lại nhưng cũng đặt ra bài toán làm thế nào để kiểm soát hiệu quả người từ vùng dịch cấp độ 3 và 4 về.
Mỗi địa phương trong tỉnh có những cách làm khác nhau trong kiểm soát người từ nơi khác về để vừa thuận lợi cho người dân nhưng cũng làm tốt việc phòng dịch.
Phường Tứ Minh (TP Hải Dương) có dân số đông với trên 20.000 người, trong đó có khoảng 4.600 người tạm trú là công nhân, chuyên gia, lao động tay nghề cao thường xuyên đến khu công nghiệp công tác... Trên địa bàn phường này có 1 chốt kiểm soát dịch cấp tỉnh và 2 chốt của thành phố vừa được dỡ bỏ. Để kiểm soát dịch, UBND phường phối hợp Ban Quản lý khu công nghiệp Đại An và doanh nghiệp nắm bắt lịch trình đi lại của các chuyên gia, lao động người nước ngoài để đưa ra các khuyến cáo phù hợp. Những người này khi đến doanh nghiệp phải tuân thủ nghiêm quy định phòng dịch, hạn chế tiếp xúc với người trong công ty, khi tiếp xúc giữ khoảng cách, đeo khẩu trang... Với những doanh nghiệp tuyển lao động, trước khi sơ tuyển phải gửi danh sách lao động ứng tuyển để UBND phường nắm được địa chỉ. Chỉ những người đủ điều kiện mới được đến ứng tuyển, những người trong khu vực có nguy cơ thì tạm dừng.
Xã Hồng Lạc (Thanh Hà) đã thành lập 61 tổ "Covid cộng đồng gia đình" mà thành viên là các gia đình trong cùng một khu. Các gia đình sẽ chủ động thông tin trong nhóm Zalo về các thành viên sinh sống ở nơi khác, người có nhu cầu muốn về địa phương để Tổ trưởng Tổ "Covid cộng đồng" báo cáo chính quyền.
Ông Trần Văn Tặng, Chủ tịch UBND xã Bạch Đằng (Kinh Môn) cho biết: "Ngoài yêu cầu người dân nghiêm túc khai báo y tế thì xã còn căn cứ vào nhiều yếu tố khác. Có trường hợp từ quận Bình Chánh (TP Hồ Chí Minh) thuộc vùng vàng đã được tiêm 1 mũi vaccine nhưng chúng tôi vẫn cho cách ly tại nhà vì người này đi xe khách về, nguy cơ mắc Covid-19 từ việc di chuyển trên đường rất cao".
Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 huyện Nam Sách vừa quyết định phân công cán bộ, công chức, viên chức thuộc các phòng, ban, cơ quan, đơn vị huyện tham gia các nhóm “Tổ giám sát và tuyên truyền phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại cộng đồng” trên nhóm Zalo của các xã, thị trấn. Thành viên các tổ là những gia đình ở thôn, khu dân cư có kết nối Zalo. Mỗi cán bộ tham gia từ 2-3 nhóm để nắm bắt, giám sát hiệu quả hoạt động của các tổ trên.
Huyện Tứ Kỳ vừa xây dựng thêm một điểm cách ly tập trung ở xã Chí Minh, nâng tổng số lên 3 điểm có sức chứa khoảng 300 người. Những người từ vùng có dịch về phải cách ly tại nhà nếu không bảo đảm các điều kiện thì huyện cho đi cách ly tập trung.
Đa số người dân đều chủ động khai báo y tế khi từ tỉnh ngoài về địa phương
Đẩy mạnh tuyên truyền
Trong phòng chống dịch Covid-19, bên cạnh sự vào cuộc của các cấp chính quyền, quan trọng nhất vẫn là ý thức của người dân. Vì thế, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân được các địa phương chú trọng.
“Chú ý các gia đình có con em, người thân đang đi học, làm ăn xa trở về địa phương đến trạm y tế xã để đo thân nhiệt và khai báo y tế trước khi về nhà. Y tế trực 24/24 giờ”. Đây là nội dung được thị trấn Lai Cách (Cẩm Giàng) in trong các tấm pa nô, khổ giấy lớn để dựng hoặc dán tại đầu tất cả trục đường chính hay các ngõ nhỏ. Trên mỗi tấm pa nô hay khổ giấy đều có số điện thoại của Trạm trưởng, Phó Trạm trưởng Trạm y tế, Trưởng Công an và Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 thị trấn để người dân liên hệ khi cần.
Thị trấn Lai Cách đã linh hoạt trong tuyên truyền, không chỉ bằng hệ thống truyền thanh, dựng pa nô mà còn thành lập cả tổ tuyên truyền lưu động xuống tận các thôn, khu dân cư. Là địa bàn rộng với khoảng 18.000dân, việc thực hiện đồng bộ các hình thức này sẽ giúp người dân nắm và thực hiện nghiêm quy định phòng chống dịch.
Nhiều địa phương cũng phát huy vai trò của người dân trong việc thông tin cho cơ quan chức năng về tình hình của các gia đình trong làng, xã. Theo ông Nguyễn Xuân Chắc, Chủ tịch UBND xã Cẩm Phúc (Cẩm Giàng), đây là kênh thông tin quan trọng vì người dân sẽ nắm chắc được người từ nơi khác về, khi cách ly tại nhà có tuân thủ nghiêm quy định phòng dịch hay không... UBND xã luôn đẩy mạnh tuyên truyền để người dân chủ động thông tin cho các tổ "Covid cộng đồng", trưởng thôn, lãnh đạo UBND xã về tình hình ở cơ sở.
Dịch Covid-19 kéo dài đã gần 2 năm, ý thức của người dân trong phòng chống dịch cũng thay đổi đáng kể. Ngày 26.10, khi từ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu về, các ông Nguyễn Văn Phan và Nguyễn Văn Lâm ở thôn Đích Sơn, xã Hiệp Hòa (Kinh Môn) đã đến Trạm Y tế xã khai báo, được lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho kết quả âm tính, đủ điều kiện được cách ly tại nhà. Ông Phan cho biết: "Tôi luôn tuân thủ nghiêm quy định phòng chống dịch, trước hết để bảo vệ sức khỏe bản thân, sau đó là người thân trong gia đình và cả làng xóm".
Với sự vào cuộc của chính quyền và người dân, hy vọng việc kiểm soát người từ các vùng có nguy cơ cao về địa phương được thực hiện nghiêm túc, không để những người này làm lây lan dịch bệnh.
THANH HÀ - TIẾN MẠNH