Dấu ấn đô thị Hải Dương thời thuộc địa

Tác giả - Tác phẩm - Ngày đăng : 08:00, 30/10/2021

Cuốn sách "Đô thị Hải Dương thời thuộc địa (1883-1945): Lịch sử và Diện mạo" phản ánh tổng quan về một giai đoạn phát triển nhiều thăng trầm của đô thị Hải Dương thời thuộc địa.


Cuốn sách "Đô thị Hải Dương thời thuộc địa (1883-1945): Lịch sử và Diện mạo" của tiến sĩ Phạm Thị Tuyết giúp bạn đọc có cái nhìn tổng quan về đô thị Hải Dương giai đoạn thuộc địa

Cuốn sách "Đô thị Hải Dương thời thuộc địa (1883-1945): Lịch sử và Diện mạo" của tiến sĩ Phạm Thị Tuyết, giảng viên Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội do Nhà xuất bản Đại học quốc gia vừa phát hành phản ánh tổng quan về một giai đoạn phát triển nhiều thăng trầm của đô thị Hải Dương thời thuộc địa. Đây cũng là một trong số ít cuốn sách nghiên cứu sâu về sự phát triển cũng như những thay đổi của Hải Dương giai đoạn 1883-1945.  

Tác giả dành hẳn một chương để khái quát đô thị Thành Đông - Hải Dương trước khi bị thực dân Pháp xâm lược. Thông qua những cứ liệu lịch sử, tác giả khẳng định vị trí đắc địa và quan trọng của Thành Đông xưa giúp người đọc hình dung về diện mạo của Thành Đông trong những ngày đầu khởi lập, cuộc hành trình dời trấn Hải Dương, công cuộc xây đắp thành Hải Dương...

Trong phần nội dung chính, tác giả dành nhiều thông tin cho giai đoạn từ khi Pháp chiếm đóng (năm 1883) đến khi TP Hải Dương được thành lập (năm 1923) và từ khi thành lập thành phố đến khi nhân dân TP Hải Dương giành được chính quyền tháng 8.1945.

Giai đoạn từ năm 1883-1923, sách tái hiện sự biến đổi của không gian đô thị Hải Dương dưới thời Pháp thuộc. Ở giai đoạn này, đô thị Hải Dương trải qua một thời gian dài bị suy tàn rồi mới dần hồi phục và phát triển một cách chậm chạp. Cấu trúc không gian đô thị cổ Hải Dương với sự kết hợp của hai yếu tố cơ bản là "thành" và "thị" đã dần bị phá vỡ từ sau khi có sự hiện diện của thực dân Pháp.

Giai đoạn từ năm 1923-1945, đánh dấu bằng một sự kiện quan trọng, có ý nghĩa mở đầu cho giai đoạn phát triển mới của đô thị Hải Dương là ngày 12.12.1923, Toàn quyền Đông Dương ban hành Nghị định nâng cấp đô thị Hải Dương thành TP Hải Dương. Hải Dương trở thành thành phố thứ tư ở Bắc Kỳ sau Hà Nội, Hải Phòng và Nam Định. Bắt đầu từ đây, đô thị Hải Dương phát triển nhanh hơn. 

Trong 62 năm dưới chế độ thuộc địa (1883 - 1945), người Pháp đã cố gắng tác động để chuyển đô thị Hải Dương cổ phong kiến của vương triều Nguyễn thành một đô thị mang dáng dấp của các nước tư bản phương Tây. 

Tác giả đã tham khảo tư liệu từ 236 ấn phẩm, trong đó có 143 tài liệu tiếng Việt, 5 tài liệu Hán Nôm, 87 tài liệu tiếng Pháp và nhiều bản đồ cổ để dẫn chứng cho sự phát triển của đô thị Hải Dương qua từng giai đoạn này.

Với gần 300 trang sách, cuốn "Đô thị Hải Dương thời thuộc địa (1883-1945): Lịch sử và Diện mạo" được phát hành vào đúng thời điểm kỷ niệm 217 năm khởi lập Thành Đông và 67 năm ngày giải phóng thành phố (30.10.1954-30.10.2021), cung cấp tư liệu quý không chỉ cho những người nghiên cứu lịch sử mà còn giáo dục lịch sử địa phương cho thế hệ trẻ.  

HM