Nguy cơ từ sự chủ quan

Góc nhìn - Ngày đăng : 07:15, 31/10/2021

Hải Dương cũng không nằm ngoài số đó khi đã xuất hiện ổ dịch ở thôn Liên Đông, xã Hồng Quang (Thanh Miện) hay các ca bệnh lẻ tẻ ở những địa phương khác.

Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ (Nghị quyết 128) ban hành quy định tạm thời "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch Covid-19" đã tạo “luồng gió mới” tích cực trong sản xuất và đời sống người dân với việc nhiều tỉnh, thành phố đã nới lỏng giãn cách xã hội. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng, nguy cơ bùng phát dịch trở lại là rất lớn khi tâm lý chủ quan, lơ là, xem nhẹ các biện pháp phòng chống dịch hay tâm lý “xả hơi” sau giãn cách xã hội của người dân và chính quyền các cấp.

Theo đó, những ngày qua, nhiều tỉnh, thành phố phía Nam và cả phía Bắc đã xuất hiện ổ dịch hoặc chùm ca mắc Covid-19 tại cộng đồng, có nguyên nhân xuất phát từ người về từ vùng dịch. Hải Dương cũng không nằm ngoài số đó khi đã xuất hiện ổ dịch ở thôn Liên Đông, xã Hồng Quang (Thanh Miện) hay các ca bệnh lẻ tẻ ở những địa phương khác.

“Về cơ bản, hiện nay chúng ta đã kiểm soát được tình hình dịch tại các địa bàn trọng điểm như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An, Đồng Nai và một số địa phương khác. Tuy nhiên, sau khi nới lỏng giãn cách, lượng người đi lại từ vùng có dịch về các địa phương rất nhiều và đã xuất hiện các ổ dịch mà nguồn lây chủ yếu từ những người trở về từ các vùng dịch”, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá.

Bộ Y tế mới đây cũng đã công bố đánh giá cấp độ dịch Covid-19 của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó 26 tỉnh xanh, 37 tỉnh vàng, không có tỉnh cam và đỏ. Điều này càng tạo nên tâm lý phấn khởi cho người dân. Thế nhưng cũng vì tâm lý này, nhiều người dân bắt đầu đã chủ quan hơn với việc phòng chống dịch.

Có thể nói, việc giãn cách quá lâu đã khiến người dân bị gò bó, có tâm lý muốn “bung xõa” và Nghị quyết 128 thật sự “cởi trói” về mặt tinh thần cho người dân và doanh nghiệp, góp phần phục hồi kinh tế. Thế nhưng, như Nghị quyết 128 của Chính phủ đã đánh giá, dịch Covid-19 sẽ chưa thể kiểm soát được hoàn toàn trước năm 2023 và có thể xuất hiện các chủng virus mới nguy hiểm hơn làm cho dịch diễn biến phức tạp, khó lường nên việc thay đổi chiến lược ứng phó dịch bệnh từ cố gắng dập tắt dứt điểm sang sống chung an toàn với Covid-19 đã được Chính phủ cân nhắc thực hiện.

Tuy nhiên, việc bao phủ vaccine và thuốc điều trị chỉ có thể giúp giảm số ca nặng và tử vong chứ không làm chấm dứt được dịch bệnh. Do đó, trong phòng chống dịch phải lấy phòng dịch là cơ bản, lâu dài; y tế là lực lượng nòng cốt cùng các lực lượng quân đội, công an... nhưng phải huy động sự tham gia của tất cả các lực lượng, tầng lớp trong xã hội. Phát huy vai trò của người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể trong phòng chống dịch, trong sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt an toàn. Chính vì thế, việc người dân chủ quan quá sớm với dịch bệnh sẽ là nguy cơ rất lớn khiến dịch có thể bùng phát trở lại.

Nghị quyết 128 đã thay đổi quan điểm và giải pháp phòng chống dịch phù hợp với tinh thần “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Mở cửa - không có nghĩa là không tiếp tục phòng chống dịch mà chuyển sang phòng chống dịch với một tinh thần, tâm thế mới. Chống dịch nhưng không “khóa chặt”, “chôn chân” người dân một chỗ mà kiểm soát một cách khoa học, linh hoạt và tạo điều kiện cho người dân mưu sinh… Thế nhưng, việc dịch bệnh vẫn đang còn tồn tại trong cộng đồng nhắc nhở mỗi người chúng ta luôn phải có ý thức tự bảo vệ mình và cũng là bảo vệ cộng đồng, tránh tư tưởng chủ quan, vui mừng quá sớm.

Theo đó, dù đã tiêm đủ liều vaccine phòng dịch Covid-19 nhưng mỗi người dân đều phải thực hiện tốt, xuyên suốt quy định 5K và các nguyên tắc an toàn, không để dịch bệnh có cơ hội bùng phát trở lại. Đấy mới đúng tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ đặt ra.

MINH THUYẾT