Giải pháp ngăn đứt gãy chuỗi lao động trong thời điểm cuối năm
Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 13:35, 31/10/2021
Ảnh minh họa: Danh Lam/TTXVN
Việc thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch COVID-19 thời gian dài đã khiến nhiều lao động rời các khu công nghiệp, nhà máy để về quê, đặc biệt là tại các "điểm nóng" như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và Long An.
Thị trường lao động phía Nam nói riêng và cả nước nói chung đang đối diện với nguy cơ thiếu hụt lao động số lượng lớn, nhất là lao động trong các ngành da giày, dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử... Không ít doanh nghiệp như “ngồi trên đống lửa” lo thực hiện các hợp đồng cuối năm.
Vậy nguồn lao động ở đâu để doanh nghiệp có thể nhanh chóng “nhập cuộc” trở lại? Doanh nghiệp cũng như cơ quan chức năng cần hỗ trợ gì để người lao động yên tâm trở lại sản xuất khi nhiều địa phương khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh.
Để cũng bàn về câu chuyện này, phóng viên đã phỏng vấn Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và Xã hội.
- Sự dịch chuyển lao động một cách tự phát như trong thời gian qua làm “tê liệt” thị trường lao động phía Nam cho thấy doanh nghiệp còn lúng túng trong chống chịu với dịch bệnh. Quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?
- Chúng ta thấy rằng việc đóng cửa hoặc sử dụng giải pháp “3 tại chỗ” của doanh nghiệp vừa qua là giải pháp tốt trong điều kiện phòng chống dịch COVID-19.
Tại Bắc Ninh, Bắc Giang, các doanh nghiệp ở địa phương này sử dụng rất hiệu quả. Tuy nhiên, tại TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam thì giải pháp này dường như không được như mong muốn.
Nguyên nhân là do quy mô sử dụng lao động ở khu vực này là lớn, chi phí thực hiện giải pháp “3 tại chỗ” rất khó khăn trong bối cảnh doanh nghiệp đã kiệt quệ sau một thời gian dài áp dụng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.
Một điểm nữa, các chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với doanh nghiệp rất kịp thời, đầy đủ nhưng vẫn chưa đủ sức để giúp doanh nghiệp giữ chân người lao động.
Công nhân làm việc trong ngày đầu thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội tại khu công nghiệp Linh Trung 1 (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: TTXVN
- Thưa bà, hiện nhiều doanh nghiệp đang gặp khó trong tuyển dụng lao động để tái khởi động lại hoạt động sản xuất. Theo bà, nguyên nhân chủ yếu của vấn đề này là gì?
- Không chỉ riêng Việt Nam mà ngay cả tại các nước cũng đang khó khăn trong việc tuyển dụng lao động để tái phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh.
Những khảo sát tại các nước cũng cho thấy chỉ có khoảng 1/3 số lao động rời doanh nghiệp muốn quay trở lại làm việc bởi sự lo âu của người lao động đối với sự bùng phát của dịch COVID-19.
Các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt tại TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam đang đối diện với làn sóng dịch chuyển lao động. Tuy nhiên, khảo sát cũng cho thấy số lượng lao động dịch chuyển này phần lớn là lao động tự do hoặc các khu vực sản xuất nhỏ lẻ, còn lao động tại các doanh nghiệp đều mong muốn quay trở lại làm việc.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, khi doanh nghiệp muốn tái khởi động hoạt động sản xuất thì việc tuân thủ các quy định phòng chống dịch COVID-19 cũng đang có những rào cản với doanh nghiệp khi muốn người lao động trở lại làm việc.
Bên cạnh đó, thời gian qua, còn có những vấn đề trong việc tạo ra nguồn nhân lực chất lượng tốt hay tạo điều kiện sống ổn định cho người lao động nên niềm tin của người lao động cũng đã vơi đi một phần.
Một điểm nữa, thị trường lao động quý 4 thường biến động mạnh vì các đơn hàng cuối năm của doanh nghiệp rất cao, vì thế nhu cầu về nguồn nhân lực trong quý này cũng sẽ tăng đột biến. Với những nguyên nhân như vậy, có thể thấy doanh nghiệp có thể sẽ gặp khó trong việc tuyển dụng lao động trong thời gian tới đây.
- Vậy theo bà cần có những hỗ trợ ban đầu như thế nào để thu hút lao động trở lại làm việc?
- Thời gian qua, Chính phủ đã sử dụng rất nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp như cắt giảm thuế, giảm các chi phí thuộc nghĩa vụ của doanh nghiệp như đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động… và những chính sách này đã góp phần giúp đỡ doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Những chính sách này cần được tiếp tục duy trì bởi cho đến nay, không nhiều doanh nghiệp có thông tin và không thể tiếp cận được.
Một điểm quan trọng là để những gói hỗ trợ này đến được với doanh nghiệp là cần giảm bớt những điều kiện, yêu cầu đang gây khó cho doanh nghiệp.
Còn đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, khả năng tái phục hồi rất khó khăn nên các chính sách hỗ trợ về vốn, tạo thông tin thị trường lao động là rất cần thiết.
Với làn sóng di chuyển lao động, bên cạnh những tác động tiêu cực cũng có những tác động tích cực và mở ra giai đoạn mới trong việc sử dụng nguồn nhân lực.
Việc tập trung nguồn nhân lực ồ ạt vào một số khu công nghiệp, hay đời sống người lao động không bảo đảm sẽ là dịp để tái phân bố lại lao động trên toàn quốc. Việc lao động trở về địa phương là cơ hội cho các địa phương phát triển kinh tế địa phương khi tiếp nhận nguồn nhân lực này.
- Xin cảm ơn bà!
Theo TTXVN