Nông dân yếu thế, dân buôn lãi cao: Ai cũng biết nhưng không biết làm sao
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 16:33, 31/10/2021
Người chăn nuôi chịu cảnh lỗ nặng
Những ngày này, giá thịt lợn đã hồi phục trở lại, ông Nguyễn Công Bắc - chủ trang trại quy mô cả vạn con tại Sơn La - bán được với mức giá hoà vốn. Tuy nhiên, đợt giảm giá lợn hơi cuối tháng 8 và chạm đáy hồi đầu tháng 10 vừa qua khiến ông lỗ khoảng 10 tỷ đồng, số lợn giống không bán được lên tới 2,5 triệu con.
Ông Lê Phương Hải - chủ trại gà công nghiệp quy mô hàng chục vạn con ở Long Thành (Đồng Nai) - cũng cho biết giá gà công nghiệp đã tăng nhưng ông vẫn phải bán dưới giá thành, tức 1 kg gà công nghiệp xuất chuồng hiện nay ông lỗ 1.000-2.000 đồng. Đáng nói, gà tiêu thụ vẫn rất chậm vì các lò mổ chưa hoạt động hết, thương lái hạn chế thu mua.
Còn thời điểm giãn cách xã hội, giá gà công nghiệp có lúc chạm đáy 7.000 đồng/kg, sau đó nhích lên 9.000 đồng/kg. Với giá bán này, ông lỗ 20.000 đồng/kg gà khi xuất chuồng. Bán hết đàn gà công nghiệp 170.000 con, ông lỗ khoảng 8 tỷ đồng.
“Cũng may còn tiêu thụ hết, chứ để trong chuồng chúng giẫm đạp lên nhau chết thì có thể mất trắng”, ông Hải nói.
Người chăn nuôi vừa chịu cảnh thua lỗ nặng khi giá lợn hơi chạm đáy. Ảnh: NG
Còn ông Lê Thanh Phương - Giám đốc Công ty TNHH Emivest Việt Nam cho biết giá lợn hơi đang thấp hơn giá thành khoảng 20.000 đồng/kg. Giá gà lông trắng, gà lông màu đều dưới giá thành khoảng 10.000 đồng/kg. Trứng gà cũng rớt giá, chỉ còn 1.250 đồng/quả, thấp hơn giá thành 600 đồng/quả.
“Mỗi ngày, doanh nghiệp cung cấp ra thị trường 100.000 con gà các loại, 2.000 con lợn và hơn 1 triệu quả trứng. Việc tất cả sản phẩm của ngành chăn nuôi đều lỗ, giá bán thấp hơn giá thành nghĩa là doanh nghiệp đang chịu tổn thất nặng nề”, ông Phương nói.
Lãnh đạo doanh nghiệp này cũng chỉ ra một loạt vấn đề mà cả người chăn nuôi và doanh nghiệp phải chịu đựng, như giá thức ăn gia súc tăng hơn 30%, tương lai còn có thể kéo dài tình trạng không giảm; giá nhân công, giá đầu tư an toàn sinh học, phòng dịch bệnh cũng tăng. Trong khi giá bán không tăng được do sức mua thị trường còn yếu.
Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết 9 tháng đầu năm 2021, giá thịt lợn xuất chuồng cao nhất 75.000 đồng/kg. Vừa qua nhu cầu giảm, lợn thịt quá tuổi xuất chuồng ứ đọng nên giá còn 30.000-35.000 đồng/kg.
Dù giá lợn hơi giảm mạnh nhưng giá thịt lợn tại các cửa hàng, chợ và siêu thị khu vực nội thành Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vẫn ở mức cao, khoảng 110.000-200.000 đồng/kg tùy loại. Theo ông, giá tăng cao do khâu lưu thông phân phối.
Còn tại các sạp thịt lợn ở các chợ truyền thống vùng nông thôn, giá thịt lợn từ 80.000-90.000 đồng/kg. Mức giá này là hài hòa lợi ích 3 khâu sản xuất - lưu thông phân phối - tiêu dùng.
Giá gà công nghiệp lông trắng tháng 7, 8 tại các tỉnh phía Bắc khoảng 15.000-20.000 đồng/kg; các tỉnh phía Nam 6.000-10.000 đồng/kg. Với giá này, người nuôi lỗ nặng, ông Trọng cho hay.
Phải phân bổ lại lợi nhuận trong chuỗi
Có một thực tế là người chăn nuôi đang chịu lỗ nặng vì phải bán lợn hơi, gà dưới mức giá thành, trong khi giá các sản phẩm thịt lợn, thịt gà trên thị trường lại rất cao. Theo ông Lã Văn Kính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi, hiện nay, sự phân bổ lợi ích trong chuỗi sản xuất chăn nuôi rất bất hợp lý.
Ông Kính cho rằng nếu Bộ Công thương làm tốt công tác quản lý giá thì lượng tiêu thụ sẽ nhiều hơn và giá lợn hơi sẽ tăng lên. Do đó, công tác quản lý giá cần làm tốt hơn.
Chuyên gia cho rằng phân bổ lợi ích trong chuỗi sản xuất chăn nuôi đang bất hợp lý
Ông Kính nhận xét trong chuỗi sản xuất sản phẩm chăn nuôi hiện nay, người chăn nuôi là người yếu thế, dễ bị tổn thương nhất. Đầu vào của người chăn nuôi do các công ty quyết định, còn đầu ra lại do người mua quyết định. Có thể nói, người chăn nuôi đang không có quyền gì.
Do đó, lãnh đạo Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi mong muốn các cơ quan chức năng cần vào cuộc, cân đối được lợi nhuận cho các khâu tham gia vào chuỗi sản xuất chăn nuôi.
Như ở Đài Loan, giá thức ăn chăn nuôi không phải do các công ty tự quyết mà còn có sự kiểm soát của cơ quan quản lý. Nếu muốn tăng giá, họ phải xin phép và chứng minh được giá đầu vào, chi phí tăng; khi được cơ quan quản lý cho phép mới được tăng giá bán sản phẩm, ông dẫn chứng.
Về chênh lệch giá xuất chuồng và giá thành phẩm, ông Nguyễn Văn Trọng lý giải, thời gian qua giá xuất chuồng giảm là do ứ đọng trong chuồng và nhu cầu tiêu thụ ở các địa phương lớn giảm mạnh. Ngoài ra, giá thành phẩm tại siêu thị tăng cao cũng bao gồm nguyên nhân do khó khăn và phát sinh chi phí trong khâu vận chuyển.
Theo ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, ngoài sự quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cần sự vào cuộc hơn nữa của Bộ Công thương để kích hoạt thêm các kênh phân phối ra thị trường.
Trước mắt, với gia cầm, ông Công đề xuất phân bổ sản lượng dựa trên nhu cầu xuất khẩu và tiêu thụ trong nước. Với con lợn, ông kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý chặt chẽ đàn nái hiện có (khoảng 2,93 triệu con) để tính toán sản lượng thịt cung ứng.
Thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ xây dựng quy định và chính sách về việc thu mua, giết mổ, chế biến và dự trữ sản phẩm chăn nuôi khi ứ đọng, chậm tiêu thụ do cung vượt cầu, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh...
Bộ cũng kiến nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ để khôi phục sản xuất; có biện pháp giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi; hỗ trợ tín dụng, lãi suất ngân hàng cho các cơ sở sản xuất để giảm chi phí đầu vào, hạn chế nguy cơ thiếu thực phẩm vào những tháng cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán.
Theo Vietnamnet