Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Dự kiến điều chỉnh lương hưu từ đầu năm 2022
Tin tức - Ngày đăng : 14:36, 10/11/2021
Xem trực tiếp phiên chất vấn và trả lời chất vấn
Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời nhóm vấn đề về việc thực hiện các gói hỗ trợ cho đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, công tác bảo vệ quyền trẻ em, đặc biệt là trẻ em mồ côi, tình trạng người lao động rời TP Hồ Chí Minh, các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng sẽ giải đáp thêm về giải pháp để tháo gỡ những khó khăn của thị trường lao động theo diễn biến của dịch; chính sách thu hút lực lượng lao động trở lại; vấn đề thực hiện cứu trợ, thiện nguyện bảo đảm đúng chế độ, chính sách.
Phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội và các thành viên Chính phủ sẽ tiếp tục kéo dài sang ngày chất vấn thứ 2 thêm gần 1 tiếng. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng các Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Y tế, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sẽ tham gia giải trình thêm.
Thông tin thêm đề xuất sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội để xây dựng nhà ở, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết hiện còn 1 triệu tỷ đồng. Song tư lệnh ngành lao động không đồng tình lấy quỹ này để xây dựng nhà ở cho công nhân vì không đúng nguyên tắc và không đúng quy định, không an toàn cho quỹ. Vì ta có hơn 900.000 tỷ đồng nhưng phải chi lương hưu, nên quỹ phải bảo toàn và phát triển bền vững.
Về giảm nghèo, để hỗ trợ cho người nghèo, hỗ trợ chính sách bảo hiểm y tế, tiền điện, trợ giúp pháp lý, Bộ trưởng cho biết thêm là sẽ đề nghị hỗ trợ lãi suất, giảm lãi suất, hỗ trợ phát triển nhà xã hội. Về nhà ở cho người nghèo, sẽ xin đề xuất dành 5.000 tỷ đồng trong chương trình giảm nghèo cộng với huy động xã hội để xóa toàn bộ nhà nghèo ở nông thôn.
Đồng thời, đề xuất vài chục nghìn tỷ để tung ra gói hỗ trợ xây dựng nhà ở cho công nhân và người lao động ở địa phương, khắc phục tình trạng khó khăn.
Với vấn đề người nhập cư được xem là công dân hạng 2, ông Dung cho rằng công dân ở đâu cũng là công dân Việt Nam. Với những người di chuyển từ các tỉnh về địa phương gặp khó khăn, cần phải đánh giá đúng vai trò lực lượng lao động địa phương với đô thị, thành thị; quan tâm môi trường làm việc, môi trường sống tối thiểu của người lao động; chế độ làm việc, tiền lương…
TP Hồ Chí Minh xử lý 6 tin tố giác tội phạm hoạt động từ thiện của các nghệ sĩ
Bộ trưởng Công an Tô Lâm giải trình thêm về việc tiếp nhận, giải quyết các tin tố giác về sai phạm trong kêu gọi, tiếp nhận đơn tố cáo trong hoạt động quyên góp từ thiện.
Theo Bộ trưởng Tô Lâm, Bộ Công an đã giao Cục Cảnh sát hình sự thụ lý, kiểm tra, xác minh các nguồn tin phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng về hoạt động quyên góp tiền từ thiện, cứu trợ trong đợt mưa lũ xảy ra ở miền Trung năm 2020 của một số nghệ sĩ.
Hiện nay lực lượng chức năng đang kiểm tra, xác minh. Cục Cảnh sát hình sự đã phối hợp với các ngân hàng để tiến hành rà soát, xác định các tài khoản huy động từ thiện, làm rõ quá trình tiếp nhận, giải ngân. Đồng thời phối hợp với UBND, MTTQ các cấp thuộc các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh , Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi xác minh, làm rõ số tiền các nghệ sĩ đã hỗ trợ, cứu trợ ở địa phương. Ngoài ra, làm việc với một số cơ quan, tổ chức để làm rõ một số nội dung liên quan sớm kết luận vụ việc.
Bộ trưởng Công an Tô Lâm - Ảnh: Quochoi.vn
Cục Cảnh sát hình sự chỉ đạo toàn quốc rà soát, nắm tình hình hoạt động từ thiện diễn ra trên địa bàn, phát hiện trường hợp tổ chức, cá nhân lợi dụng hoạt động từ thiện để chiếm đoạt tài sản.
Qua rà soát ở các địa phương, hiện nay Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an TP Hồ Chí Minh đã tiếp nhận 6 tin tố giác tội phạm của công dân liên quan đến hoạt động từ thiện của các nghệ sĩ. Hiện Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an TP Hồ Chí Minh tiếp nhận, phân loại các tin tố giác này để điều tra, xử lý theo quy định.
Ngoài ra, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết qua việc rà soát hoạt động thiện nguyện, Bộ Công an sẽ kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, sửa đổi các quy định pháp luật liên quan đến việc kêu gọi, tiếp nhận, sử dụng các nguồn tiền thiện nguyện, hỗ trợ.
Ban hành quy định mới kiểm soát chặt hoạt động thiện nguyện
Thông tin thêm về hoạt động từ thiện, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay trước tình trạng hoạt động thiện nguyện, bộc lộ nhược điểm về tính minh bạch, công khai, quản lý sử dụng phân phối hàng và tiền, nên đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 93, tham mưu cho Chính phủ với nhiều điểm mới.
Trong đó khắc phục những hạn chế tồn tại, khuyến điểm như quy định rõ chức năng nhiệm vụ từng đơn vị gồm: MTTQ, Hội Chữ thập đỏ, đơn vị, tổ chức cá nhân… trong tiếp nhận, quản lý tiền, vàng, ghi chép đầy đủ, phân phối hàng hóa minh bạch. Đồng thời quy định chế độ báo cáo chặt chẽ, như khi vận động phải giải quyết, phối hợp giữa các bên, thanh tra hoạt động vận động, tài trợ để xử lý chặt chẽ và nghiêm minh.
Tại sao lúc này không tung ra nhiều gói hỗ trợ cho người lao động?
Đại biểu Lê Hoàng Hải (Đồng Nai) đặt vấn đề hiện nay kết dư bảo hiểm xã hội còn nhiều, tại sao lúc này không tung ra nhiều gói hỗ trợ cho người lao động?
Đại biểu Lâm Văn Đoan (Lâm Đồng) bộ đề xuất giải pháp đột phá gì cho Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững?
Đại biểu Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) nêu trách nhiệm của cơ quan nhà nước ở đâu trong việc làn sóng người dân về quê?
Đại biểu Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa) hỏi nhiều doanh nghiệp địa phương mới hiểu tầm quan trọng của lao động nhập cư, Bộ trưởng cho biết giải pháp nào để người lao động nhập cư không thành công dân hạng hai?
Hỗ trợ cho F0 và trẻ em, có địa phương gửi kiến nghị 3 trang giấy nêu toàn khó khăn
Với ý kiến của đại biểu Dung về việc chậm triển khai gói hỗ trợ, thiếu công khai minh bạch và còn máy móc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay ngay sau khi có đại dịch Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng chính sách. Tuy nhiên, do đây là việc chưa có tiền lệ, nên đã làm với tốc độ "người dân đang đói đừng hy vọng về nhà", nên các chính sách này tập trung xây dựng, trừ những nội dung nào vượt thẩm quyền đã quy định.
"Tôi xin đính chính lại, tất cả thủ tục, quy định trong Nghị quyết 68 là thông thoáng nhất có thể rồi, không thể thông thoáng hơn được nữa. Doanh nghiệp không phải kê khai gì cả, tự động chuyển tiền vào tài khoản. Phương châm dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm và dễ thụ hưởng. Trong quá trình làm có 2 vướng mắc là ở Bình Dương và xác định thủ tục thuế, đã thực hiện sửa ngay. Đồng thời, quá trình tổ chức thực hiện còn nơi này nơi kia cứng nhắc, máy móc.
Chỉ riêng hỗ trợ người F0, cho trẻ em ăn với 80.000 đồng, có địa phương kiến nghị tới Bộ trưởng 3 trang giấy toàn nêu khó khăn. Tôi phải giải thích, đồng chí cứ làm đi, F0 và trẻ em ăn, ai không thanh toán thì tôi chịu trách nhiệm. Có tình trạng các địa phương sợ sai, sợ trách nhiệm là có, có lỗi tuyên truyền phổ biến không kỹ, nhưng cơ bản là chặt chẽ, không thể hơn được nữa đâu", Bộ trưởng nói.
Với vấn đề trục lợi chính sách, làm sao để kiểm tra giám sát mà đại biểu Nguyễn Đại Thắng nêu ra, Bộ trưởng cho hay theo quy định đã phân công rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành, địa phương. Nhiều ngành đã kiểm tra về an sinh, hỗ trợ, Thủ tướng cũng chỉ đạo trực tiếp bộ, tổ chức 12 đoàn đi kiểm tra ở 33 tỉnh, thành phố, kết quả là có tình trạng trục lợi.
Gói Nghị quyết 42 phát hiện xử lý 4 trường hợp, có địa phương cách chức cả bí thư, chủ tịch mặt trận, chủ tịch đoàn thanh niên khi để người nhà vào danh sách; với Nghị quyết 68 khởi tố hình sự 2 trường hợp, đưa người không có trong danh sách vào để hưởng lợi; lập danh sách khác.
"Không tránh được nhưng cơ bản địa phương bảo đảm công khai, minh bạch và đúng đối tượng", Bộ trưởng nêu.
Hơn 40% người lao động về quê muốn ở lại quê làm việc
Trước tình tình trạng người dân trở về quê tránh dịch đặt ra vấn đề an sinh xã hội, cần có chính sách gì để hỗ trợ mà đại biểu Trịnh Lam Sinh đặt ra, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay lực lượng lao động về quê là tương đối lớn. Con số chính thức 1,3 triệu người, chiếm 65% trong tổng số người dân di chuyển từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam về quê.
Trong số này, 30% có nhu cầu quay trở lại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam; 30% muốn chuyển đổi việc làm; còn lại phần đông muốn ở lại quê và muốn có công ăn việc làm tại quê.
Theo đó, vấn đề đặt ra là cần có kết nối, vận động giới thiệu người lao động quay trở lại quê; chủ động kết nối, giới thiệu việc làm như Thanh Hóa giới thiệu lao động làm việc ở Bắc Ninh, Bắc Giang; tạo việc làm tại chỗ; khuyến khích lao động quay trở lại. Gắn với đó là triển khai chính sách giảm nghèo, cho vay, hỗ trợ người lao động tạo công việc mới ở địa phương.
Về kết quả triển khai gói lao động tự do, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết trong Nghị quyết 68 đã tạo ra sự linh hoạt, tức Chính phủ chỉ quy định sàn mức hỗ trợ lao động tự do còn địa phương chủ động đưa chính sách. Do đó, từ 1 triệu người được hỗ trợ ở chính sách trước đó, đã tăng lên 12 triệu với kinh phí 16.990 tỷ đồng. Việc các địa phương thực hiện nơi được nơi không, Bộ trưởng cho rằng do địa phương ngân sách dự phòng không còn nên chậm hỗ trợ… Do đó bộ sẽ tổng kết để điều chỉnh cho phù hợp.
Thiếu quy định cụ thể về huy động, triển khai từ thiện nên có bất cập
Cung cấp thông tin về quỹ bảo hiểm thất nghiệp liệu có hết kết dư mà đại biểu Nguyễn Lân Hiếu đặt ra, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay đến 2020 là 96.000 tỷ đồng, thông thường kết dư quỹ ngắn hạn là 10%, nên mức kết dư hiện nay tương đối tốt, an toàn cao.
"Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, nếu để kết dư lớn là không ổn nên sau khi đánh giá tác động, tính toán cân nhắc để làm sao kết dư bảo đảm an toàn trong 5 năm tới, thấy rằng có căn cứ để sử dụng 38.000 tỷ đồng Quỹ bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ cho người lao động", Bộ trưởng nói kết dư còn khoảng 56.000 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần mức tổng thể 5 chính sách.
Trả lời thêm về việc khắc phục bất cập trong triển khai gói hỗ trợ khi phát nhầm và vai trò ứng dụng công nghệ thông tin, Bộ trưởng cho biết thêm việc đưa ứng dụng công nghệ thông tin đã phát hiện được sai sót trong chi nhầm dữ liệu. Tuy nhiên, cần sử dụng tổng hợp cơ sở dữ liệu quốc gia, mới khắc phục tình trạng nhầm lẫn.
Với các vấn đề liên quan đến huy động tiền từ thiện, khắc phục bất cập do đại biểu nêu ra, Bộ trưởng cho hay quy định hiện nay khuyến khích việc từ thiện, cứu trợ người dân bị bão lũ, thiên tai.
Tuy nhiên, thời gian qua chưa quy định cụ thể cách thức huy động của cá nhân, tổ chức thế nào, vận động quyên góp ra sao, tổ chức cấp phát thế nào. Dẫn tới, dù cơ bản các tổ chức, cá nhân đã thực hiện thiện nguyện, nhưng vẫn còn chỗ này chỗ kia, người này người kia có bất cập.
"Quan điểm của tôi là khuyến khích, nhưng làm từ thiện phải có nguyên tắc, phải được quy định về pháp luật", Bộ trưởng cho biết Thủ tướng đã giao cho Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi Nghị định 64 và Thủ tướng ban hành Nghị định 93, quy định rõ nguyên tắc, tiêu chí, cách làm từ vận động bằng tiền thì qua ngân hàng, bằng hiện vật thì ai tiếp nhận, tổ chức tiếp nhận tại cơ sở ra sao.
Khi Nghị định có hiệu lực chắc chắn sẽ có hiệu quả còn tổ chức cá nhân nào sai thì phải xử lý.
Giải pháp hỗ trợ người lao động về quê?
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Hà Nội) đặt vấn đề vai trò của công nghệ như thế nào trong việc kết nối, quản lý các đối tượng hỗ trợ để tránh trường hợp người cần không được hỗ trợ, người khác lại được hưởng nhiều lần?
Đại biểu Dương Văn Phước (Quảng Nam) chất vấn Bộ Lao động, Thương bình và Xã hội sẽ điều chỉnh hoạt động thiện nguyện, quyên góp như thế nào?
Đại biểu Trình Lam Sinh (An Giang) hỏi Bộ và Chính phủ có chính sách gì hỗ trợ người lao động về quê? Kết quả triển khai hỗ trợ người lao động tự do? Tại sao cũng là lao động tự do nơi được hỗ trợ, nơi không?
Cùng vấn đề, đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Quảng Nam) hỏi chính sách tạo việc làm, thu nhập cho người dân về quê?
Làm sao để người lao động không bán sổ bảo hiểm xã hội?
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ (TP Hồ Chí Minh) chất vấn việc gắn kết cơ sở đào tạo nghề với doanh nghiệp, giải pháp để người lao động không bán sổ bảo hiểm xã hội?
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng thực chất người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội, sau đó rút để hưởng chính sách 1 lần, nhưng sau đó ngại đi rút hoặc vì lý do nào đó, chuyển sổ cho người khác. Năm 2021 có 870.000 người rút sổ bảo hiểm xã hội, tăng nhiều so với năm 2020.
Về giải pháp, Bộ trưởng cho hay cần phải chăm lo cho người lao động vì phần đa rút sổ bảo hiểm và bán sổ bảo hiểm đa phần là công nhân lao động rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Do đó phải nâng cao đời sống, tăng cường tuyên truyền và nâng cao nhận thức để người lao động hiểu lợi ích lâu dài, để có khoản lương hưu khi về già, tức phải trở thành văn hóa an sinh.
Đồng thời cần tổng kết Nghị quyết 93 về thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội 1 lần và giải pháp căn cơ là sửa Luật Bảo hiểm xã hội, năm 2022 sẽ trình Quốc hội.
Dự kiến lương hưu tăng 7,4%
Trả lời về chính sách lương cho người nghỉ hưu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay tại kỳ họp Quốc hội khóa XIV đã đặt vấn đề. Nghị quyết 34 đã nêu rất rõ, chúng ta tạm dừng cải cách chính sách tiền lương, nhưng cho phép điều chỉnh lương hưu, đặc biệt quan tâm người nghỉ hưu trước năm 1995, những người có lương hưu thấp.
"Suốt thời gian qua, bộ đã thường xuyên đánh giá và hoàn thiện hồ sơ. Đến nay Chính phủ đang lấy phiếu các thành viên Chính phủ, tháng 12 trình Thủ tướng xem xét. Nếu ta cho phép điều chỉnh lương hưu, sẽ đề xuất điều chỉnh sớm hơn từ ngày 1.1.2022, với mức điều chỉnh là 7,4%, tổng kinh phí 12.650 tỷ đồng", Bộ trưởng Dung nói.
"Phát nhầm" tiền hỗ trợ ở Bình Dương chỉ 1.490 trường hợp
Với việc tỉnh phát nhầm tiền hỗ trợ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay đã gọi điện trực tiếp cho Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, gặp trực tiếp người phát và nhận nhầm, thì con số nhận nhầm là 1.490 trường hợp với số tiền là 1,6 tỷ đồng.
Lý giải về con số 22.000, Bộ trưởng nói đây là chính sách hỗ trợ nhà trọ cho những người khó khăn, nhiều người cùng kê khai nên con số quá lớn, “bất thường” nên đã rà soát lại thấy 22.000 người trùng thông tin. “Đến nay việc này giải quyết xong và đã thu hồi lại 1,6 tỷ đồng”, Bộ trưởng nói.
22.000 người nhận nhầm hỗ trợ do đâu?
Đại biểu Vương Thị Hương (Hà Giang) đặt vấn đề người nghỉ hưu trước 1995 đã cao tuổi và đang hưởng lương hưu thấp, chật vật, cuộc sống khó khăn hơn. Bộ giải quyết vấn đề này thế nào? Báo chí mới đây đưa tin nhiều người bị phát nhầm tiền hỗ trợ ảnh hưởng do COVID-19, Bộ trưởng có nắm và giải quyết thế nào?
Đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) chất vấn Bộ trưởng đánh giá về các giải pháp hỗ trợ đã và đang thực hiện? Bộ có tham mưu gì giúp người lao động và doanh nghiêp tiếp cận sớm hỗ trợ và bảo đảm phục hồi sau dịch?
Đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội) đặt vấn đề các đối tượng hiện khó khăn tiếp cận gói hỗ trợ, quan điểm Bộ trưởng về việc rút ngắn thủ tục để doanh nghiệp và người dân sớm nhận được hỗ trợ?
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình) chất vấn về tình trạng một số văn nghệ sĩ thu nhập cao vẫn được hỗ trợ, dư luận không đồng tình, đề nghị Bộ trưởng cho ý kiến.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, trong quá trình xây dựng Nghị quyết 68 của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có đề nghị hỗ trợ 2 nhóm đối tượng là hướng dẫn viên du lịch và khoảng 2.000 nghệ sĩ có mức lương thấp.
Quy định là rõ ràng, nhưng quá trình thực hiện, ở một địa phương có 33 trường hợp thì có 3 trường hợp khá giả hơn. Đó là những người có tài năng, đang được dư luận xã hội quan tâm, thu nhập có khá hơn, nên khi đưa vào danh sách thì dư luận không đồng tình.
Với 2.000 trường hợp, đến nay 1.950 trường hợp đã nhận hỗ trợ, phần lớn thì hoàn cảnh khó khăn, chúng tôi đã đi kiểm tra.
"Chính sách là đúng đắn, trong quá trình thực hiện còn có vài trường hợp chưa đúng, chúng tôi rút kinh nghiệm trong triển khai cho tốt hơn", Bộ trưởng nói.
Trẻ mồ côi do dịch: Tối ưu là để các cháu sống với người thân
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết trên thế giới có khoảng 1,5 triệu trẻ em mồ côi do dịch COVID-19. Ở Việt Nam có 2.532 cháu bị mồ côi, trong đó có 81 cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ. Thời gian qua bộ đã có nhiều chính sách để hỗ trợ, đặc biệt là tham mưu để ban hành Nghị định 20, trong đó quy định rõ về bảo trợ trẻ em, trong đó có trẻ em mồ côi.
Chính sách của chúng ta có tham khảo mức hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, họ đánh giá chính sách của Việt Nam tương đối đồng bộ. Mức hỗ trợ 1,8 triệu đồng/tháng là tương đối tốt.
Ngoài ra các tổ chức xã hội cũng đã chung tay hỗ trợ với nguồn lực tương đối, thời gian qua các cháu đã nhận được hỗ trợ từ quỹ bảo trợ trẻ em như tặng tiền mặt 5 triệu đồng và sổ tiết kiệm 20 triệu đồng cho các cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ.
Phương châm của chúng tôi là các cháu cần được sống với người thân, hiện 81 cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ hiện vẫn đang sống với người thân, chúng tôi vận động các gia đình là tốt nhất để cho các cháu sống với người thân.
Giải pháp bảo trợ, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi do dịch
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) nêu dịch COVID-19 bùng phát đã khiến nhiều trẻ em tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam mồ côi. Sắp tới bộ có giải pháp gì để việc bảo trợ xã hội, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi do dịch tốt hơn?
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) chất vấn dịch vừa qua khiến đứt gãy nguồn cung lao động, thiếu hụt lao động tại các khu công nghiệp. Bộ Lao động có giải pháp gì khắc phục thiếu hụt lao động? Bộ có kế hoạch gì khắc phục hạn chế để các chính sách an sinh cho các đối tượng ảnh hưởng tốt nhất?
Theo Tuổi trẻ