Học văn theo mẫu

Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 14:25, 11/11/2021

Nhân lúc giải lao, mấy chị em trong phòng chị Hoa ngồi nói chuyện về việc học hành của con.

Chị Hoa kể:

- Cuối tuần vừa rồi, lớp con Ngọc nhà chị kiểm tra giữa kỳ môn văn. Ngay tối ấy, cô giáo gọi cho chị với giọng rất bức xúc, báo nó làm bài lạc đề, không đạt, cô chỉ cho điểm 2, phải làm lại và đề nghị chị phải kèm cặp con bé học hành cẩn thận hơn, không được để nó thích viết văn thế nào thì viết nữa. 

- Cái Ngọc nhà chị từ trước đến nay học văn tốt lắm mà? Có chuyện gì xảy ra với nó à chị?

- Nhận điện của cô xong, chị hỏi thì cháu bảo, đề bài cô ra là tả một người bạn thân của mình, thế là cháu tả chính bản thân mình qua gương. Cháu bảo ở lớp cháu không chơi thân với bạn nào cả. Có chuyện gì cháu cũng đều tự soi gương và tâm sự với mình trong gương nên coi bản thân trong gương chính là bạn của mình.

- Em thấy con bé làm văn như vậy là sáng tạo mà? Không hiểu sao cô lại không chấp nhận bài làm ấy của bé Ngọc nhỉ? - Chị Thanh thắc mắc.

- Em cũng thấy thế. Lẽ ra với những bài văn như vậy thì cô càng phải khuyến khích để các con có thêm động lực phát huy trí tưởng tượng, sáng tạo của mình chứ nhỉ?- chị Hiền góp lời.

- Không có chuyện ấy đâu các chị ạ. Từ sách giáo khoa em đã thấy có sự khuôn mẫu trong môn văn rồi. Như thằng Hưng nhà em đây, đang học lớp 2 thôi nhưng sau mỗi yêu cầu làm bài văn đều có gợi ý hết. Thế nên nó chỉ cần trả lời theo những gợi ý ấy là xong. Một cô bạn em là giáo viên văn cũng kể, các cô phải dạy như vậy vì trong hướng dẫn gợi ý bài làm đã có thang điểm, các cô cứ dựa vào đấy mà chấm thôi. Nếu các em sáng tạo thì các cô lại sợ không đúng gợi ý thì khó chấm điểm cao được. Thế là thiệt cả cô cả trò. Đấy, từ lớp bé các cháu đã được dạy như thế thì việc cô giáo của Ngọc không chấp nhận được bài làm của cháu cũng là điều dễ hiểu thôi- chị Quyên ngồi yên nãy giờ góp lời.

- Chị thấy môn văn là một môn học quan trọng, giúp bồi dưỡng năng lực thẩm mỹ, phát huy tính sáng tạo của học sinh nhưng nếu các thầy cô không thay đổi mà cứ giữ cách dạy như vậy thì thật nguy hiểm. Học sinh sẽ ngày càng lười suy nghĩ, tư duy, khám phá, tìm tòi, rồi thì làm gì còn yêu thích với văn chương nữa. Như con Ngọc nhà chị đây, sau hôm ấy nó suy sụp lắm. Nó bảo từ giờ không dám làm văn theo suy nghĩ của riêng mình. Chị phải động viên mãi mà không biết cháu có giữ được tình yêu với môn văn, phát huy được trí tưởng tượng của mình không nữa - chị Hoa nói.

HẢI ĐĂNG