Chủ tịch Quốc hội: Chất vấn là hoạt động giám sát trực tiếp hiệu quả
Tin tức - Ngày đăng : 14:11, 12/11/2021
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết thúc chất vấn nhóm vấn đề thuộc ĩnh vực kế hoạch và đầu tư
Sau 2,5 ngày làm việc rất khẩn trương, nghiêm túc, trí tuệ, trách nhiệm cao, với tinh thần đổi mới, trưa 12.11, Quốc hội đã hoàn thành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên của nhiệm kỳ khóa XV trong không khí dân chủ, thẳng thắn, sôi nổi, xây dựng và đã thành công tốt đẹp.
Cùng với các bộ trưởng chịu trách nhiệm trả lời chính, các thành viên Chính phủ có liên quan đã làm rõ thêm các vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm, gồm Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Công an Tô Lâm, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thay mặt Chính phủ báo cáo làm rõ những vấn đề thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Phát biểu kết luận phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết đã có 134 lượt đại biểu tham gia chất vấn, trong đó có 12 lượt đại biểu đặt câu hỏi đối với Thủ tướng Chính phủ, có 24 lượt đại biểu Quốc hội tiến hành tranh luận để làm rõ hơn vấn đề mà các đại biểu quan tâm.
Đối với các đại biểu Quốc hội hỏi nhưng chưa được trả lời hoặc nhiều đại biểu đăng ký nhưng do hết thời gian nên chưa được chất vấn, đề nghị gửi câu hỏi đến Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ để được trả lời bằng văn bản. Trong 2,5 ngày, tổng số có 171 lượt ý kiến đã phát biểu tại hội trường.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XV tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Việc tổ chức chất vấn có những đổi mới so với trước đây nhưng các đại biểu Quốc hội đã thể hiện nắm chắc thực tiễn với tinh thần xây dựng cao, tiến hành chất vấn bằng các câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, bám sát nhóm vấn đề, đặc biệt là tăng cường tranh luận để làm rõ thêm vấn đề, thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém, yêu cầu làm rõ trách nhiệm cũng như đề xuất các giải pháp khắc phục. Qua đó cũng là những gợi ý, bổ sung giải pháp để Chính phủ, các bộ, ngành có các quyết sách phù hợp hơn trong quản lý, điều hành, đáp ứng niềm tin, sự mong mỏi của cử tri và nhân dân cả nước.
Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng, các bộ trưởng, trưởng ngành với ý thức trách nhiệm cao đã trả lời nghiêm túc, không né tránh những vấn đề khó, phức tạp, giải trình, làm rõ nhiều vấn đề đại biểu nêu; đồng thời nhận trách nhiệm về những mặt còn tồn tại, hạn chế của mình, của ngành mình, lĩnh vực mình; đưa ra các cam kết khắc phục để tạo sự chuyển biến tích cực trong thời gian tới.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá hoạt động chất vấn tại kỳ họp cho thấy những nhóm vấn đề được Quốc hội lựa chọn là đúng và trúng, phù hợp với thực tế, được cử tri, dư luận cả nước quan tâm, đánh giá cao, trong đó bao trùm hai vấn đề lớn. Thứ nhất là thực trạng, kết quả, bài học kinh nghiệm của công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian qua, chiến lược tổng thể phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian tới để đảm bảo yêu cầu thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, không để dịch bệnh bùng phát trở lại trong thời gian tới.
Thứ hai là việc ban hành, tổ chức thực hiện các gói hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, chương trình tổng thể phục hồi, phát triển kinh tế trong thời gian tới, trong và thời kỳ hậu đại dịch, gói kích thích kinh tế tài khóa và tiền tệ, những giải pháp tiếp tục hỗ trợ người dân, doanh nghiệp để vượt qua giai đoạn hiện nay.
"Điều đó một lần nữa khẳng định chất vấn là hoạt động giám sát trực tiếp hiệu quả của Quốc hội, góp phần tạo dấu ấn, lan tỏa, cảm hứng hành động sáng tạo trong nỗ lực đổi mới hoạt động giám sát," Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Hải Anh phát biểu
Quốc hội hoan nghênh sự cầu thị, nghiêm túc, trách nhiệm cao của tập thể Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ và các bộ trưởng, trưởng ngành trong việc trả lời chất vấn. Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những tồn tại, hạn chế, thách thức cần phải có quyết tâm cao, giải pháp đột phá để khắc phục trong thời gian tới.
Sau phiên họp này, Quốc hội đề nghị Chính phủ, các cấp, các ngành triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện tốt hơn nữa, tạo chuyển biến tích cực đối với những vấn đề vừa được chất vấn.
Trên cơ sở chất vấn của các đại biểu Quốc hội, trả lời của thành viên Chính phủ, kết luận đối với từng phiên chất vấn, từng nhóm vấn đề, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu, chuẩn bị nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn để trình Quốc hội xem xét, thông qua vào cuối kỳ họp, làm cơ sở để tổ chức thực hiện, giám sát theo quy định.
Căn cứ tình hình thực tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình, tiếp tục tổ chức chất vấn tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Các cơ quan của Quốc hội trên cơ sở Nghị quyết về chất vấn, tổ chức giám sát việc thực hiện những nội dung được đưa ra chất vấn, chủ động tổ chức các phiên giải trình về những vấn đề bức xúc nổi lên thuộc lĩnh vực phụ trách nhằm đáp ứng yêu cầu của đồng bào, cử tri và nhân dân cả nước cũng như yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.
Theo TTXVN