VNĐ tăng giá: Hiện tượng hay xu hướng, có ảnh hưởng đến thói quen giữ USD của dân?

Thị trường - Ngày đăng : 15:05, 12/11/2021

"VNĐ chỉ có mất giá" - câu nói cửa miệng như đinh đóng cột của nhiều người nay có phần "lung lay" khi năm 2021, VNĐ ước lên giá khoảng 2% so với USD.

VND tăng giá: hiện tượng hay xu hướng, có ảnh hưởng đến thói quen giữ USD của dân? - Ảnh 1.

Kiều hối dồi dào đã góp phần tăng nguồn cung USD trên thị trường Việt Nam - Ảnh: N.PHƯỢNG

Ông Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia trao đổi với báo chí về vấn đề này.

* Ông giải thích gì về hiện tượng lạ khi VNĐ không còn mất giá, mà lại tăng giá so với USD? Vì sao, có ảnh hưởng đến thói quen giữ USD của người dân?

- Tỷ giá cũng như hàng hóa, là nơi cung cầu gặp nhau. Trong đợt dịch thứ 4, xuất khẩu có bị ảnh hưởng nhưng 10 tháng Việt Nam vẫn xuất siêu. 

Năm 2021 vẫn có trên chục tỷ USD kiều hối chuyển về. Ngoài ra, Việt Nam còn giải ngân và đón nhiều tỷ USD từ đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài. Có nhiều USD hơn, tất nhiên giá phải giảm đi. Cũng số VNĐ đó nhưng mua được nhiều USD hơn.

Theo tôi, gần đây có vẻ USD không còn được "yêu chuộng" như trước. Hơn chục năm trước VNĐ luôn mất giá. Nay đã khác, sức mua VNĐ ổn định, lạm phát thấp, năm 2021 chỉ khoảng 1,8%/năm, đã tạo lòng tin vào VNĐ. Người dân bớt mua USD cất giữ. 

Người có USD bán lấy VNĐ, cũng ít thanh toán bằng USĐ. Thay đổi này là hợp lý. Đặt lên bàn cân, người giữ USD "thiệt đơn thiệt kép". Gửi tiết kiệm VNĐ lãi suất 6-7%/năm, gửi USD về danh nghĩa được trả lãi... 0%. 

Kỳ vọng bảo toàn vốn và có lợi nhuận do tỷ giá tăng cũng không còn. Nhiều năm trước tỷ giá có lúc tăng 5-7%/năm, nay không tăng lại giảm đi.

* VNĐ mạnh lên chỉ là ngắn hạn hay là xu hướng?

- Theo tôi, xu hướng lên giá của VNĐ là có thật nhờ các yếu tố thuận lợi như trình bày ở trên và còn tiếp diễn. Tuy nhiên, xu hướng này mạnh hay yếu còn phụ thuộc yếu tố bên ngoài. Những năm qua Mỹ nới lỏng tiền tệ, tung ra lượng lớn USD để mua trái phiếu. 

Gần đây có tín hiệu cho thấy họ thu hẹp gói kích thích kinh tế theo hướng từ năm 2022 không còn lãi suất 0%. Về lý thuyết, khi lãi suất USD tăng sẽ kéo giá USD tăng theo, ít nhiều ảnh hưởng đến đà tăng của VNĐ.

Rồi đây Việt Nam nên xây dựng thị trường ngoại hối chuyên nghiệp, chuẩn mực quốc tế với nhiều dịch vụ, công cụ, như bảo hiểm tỷ giá... Hình dung, nếu FO được dịch vụ y tế chữa trị giúp họ không quá lo lắng thì biến động tỷ giá khi được công cụ ngoại hối bảo hiểm, nỗi lo biến động tỷ giá của mọi người cũng giảm đi.

Ông Trương Văn Phước

* Như vậy vẫn có khả năng VNĐ trở lại xu hướng điều chỉnh giảm nhẹ?

- Theo nguyên tắc, lãi suất tăng sẽ đưa đồng tiền đó tăng giá. Ở đây, nếu USD mạnh lên sẽ ảnh hưởng đến đà tăng giá của VNĐ. Nhưng cần lưu ý "lượng" đổi đạt ngưỡng mới làm thay đổi "chất", tức Mỹ tăng lãi suất bao nhiêu mới làm giá USD trên thế giới tăng. 

Chúng ta dự báo Mỹ chỉ tăng lãi suất nhỏ giọt, vì thế đà tăng giá của VNĐ có thể dịu lại, không loại trừ VNĐ lại giảm giá nhưng mức giảm không nhiều. Vì biến động tỷ giá VNĐ/USD phụ thuộc vào nhiều yếu tố nhưng theo nguyên tắc "cân bằng và phù hợp". Nếu diễn ra như vậy, giữ VNĐ vẫn có lợi hơn.

* Thưa ông, lãi suất VNĐ đã khá thấp nhưng vẫn có lợi hơn so với giữ USD, liệu khoảng cách này được nới rộng khi nhu cầu vốn VNĐ phục hồi kinh tế tăng lên?

- Có áp lực tăng lãi suất VNĐ, nhưng tăng quá không có lợi cho người vay. Vì thế còn có van điều tiết, đó là Ngân hàng Nhà nước. Nơi này sẽ can thiệp vào thị trường sao cho lãi suất VNĐ ở mức tối ưu, phù hợp với lạm phát và nhu cầu vốn. 

Nếu chúng ta kiểm soát lạm phát tốt, lãi suất VNĐ có tăng nhưng không nhiều. Việt Nam có nhiều kinh nghiệm kiểm soát lạm phát nên tôi tin lãi suất VNĐ không biến động lớn. Chưa kể thế giới cũng tìm cách ổn định giá xăng dầu, cước vận chuyển. Nhưng dù thế nào, chênh lệch lãi suất VNĐ và USD vẫn đủ hấp dẫn để người dân giữ VNĐ.

VND tăng giá: hiện tượng hay xu hướng, có ảnh hưởng đến thói quen giữ USD của dân? - Ảnh 3.

* Có điểm khá thú vị là nhiều năm trước doanh nghiệp xuất khẩu luôn mong muốn VNĐ phải giảm giá để bán được hàng, nay VNĐ lên giá nhưng Việt Nam vẫn xuất siêu, vì sao?

- Đúng là VNĐ lên giá nhưng chúng ta vẫn xuất siêu? Doanh nghiệp cũng không kêu nhiều khi VNĐ lên giá. Vì VNĐ lên giá, cũng số ngoại tệ thu về từ xuất khẩu, doanh nghiệp bán ra thu được ít VNĐ hơn. 

Nhưng đó là chuyện của nhiều năm trước. Hiện chúng ta đã mở cửa với thế giới qua hàng loạt hiệp định thương mại (FTA), là nơi sản xuất của nhiều nhà đầu tư nước ngoài tên tuổi, doanh nghiệp sau nhiều năm hội nhập đã trưởng thành và là hàng chất lượng hơn... Do vậy, lợi thế cạnh tranh không quá phụ thuộc vào đồng tiền yếu đi như trong quá khứ. 

Đây chính là thay đổi cơ bản trong hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Cần lưu ý là thời gian qua nhiều đồng tiền khác trên thế giới cũng lên giá so với USD, do vậy sức ép cạnh tranh từ tiền tệ của doanh nghiệp Việt cũng không quá lớn.

* Từ "ăn đong" về ngoại tệ và VNĐ luôn giảm giá, nay chúng ta đã có quỹ dự trữ ngoại hối kha khá, điều đó đem lại gì cho nền kinh tế và người dân?

- Cách nay 15 - 20 năm, khi đất nước mới hội nhập, chúng ta không có đủ USD cho nền kinh tế, khan hiếm triền miên nên ai cũng muốn giữ USD, VNĐ mất giá nặng nề. Nay tình hình đã khác. Chỉ riêng thu ngoại tệ từ xuất khẩu cũng khá dồi dào. 

Người dân khi biết dự trữ ngoại hối dồi dào, họ không còn nắm giữ USD. Với nhà đầu tư nước ngoài khi vào Việt Nam, có hai điều quan tâm đầu tiên: lạm phát và tỷ giá. Nếu cả hai cùng cao, sẽ "ăn" hết lợi nhuận họ làm ra. Nhờ tăng dự trữ ngoại hối đã góp phần chúng ta ổn định được tỷ giá ổn định, giữ lạm phát ở mức thấp, đấy là nền tảng để thu hút vốn ngoại, tạo việc làm, tăng xuất khẩu.

* Xin cảm ơn ông!

"Bình thường mới" với USD

* Liệu ngày nào đó, xu hướng giữ USD cũng như đã xảy ra với vàng, thay vì vội mua, người ta chỉ quan sát giá lên xuống bởi một thời "hoài niệm" với vàng?

- Người dân tin vào VNĐ vì họ cho rằng giữ VNĐ không còn chịu thiệt hại như gần 20 năm trước, lúc đó lạm phát quá cao. Ngược lại, như 5 năm gần đây, nếu giữ VNĐ lãi cao hơn tối thiểu 20% so với giữ USD.

Qua quan sát, tôi thấy người dân đang dần sống "bình thường mới" với thị trường ngoại tệ. Nhiều năm trước đây, VNĐ mất giá là bình thường, nay người dân dần quen với VNĐ lên giá. Tỉ giá VNĐ/USD từ trên 23.000 đồng/USD đã giảm đều, chỉ còn 22.600 đồng/USD (mua vào). Tương tự, trước đây mỗi lần giá vàng tăng, hàng tiêu dùng tăng theo.

Sau khi Ngân hàng Nhà nước chấm dứt huy động và cho vay vàng, vàng không còn gây xáo động thị trường, nay giá vàng 50 hay 60 triệu đồng/lượng thì nhiều người cũng chỉ xuýt xoa "giá vàng lên quá!". Nhìn chung, lợi ích kinh tế sẽ điều chỉnh suy nghĩ và nhiều người đã sống "bình thường mới" với giá vàng và USD.

Theo Tuổi trẻ