Thực hiện quyết liệt, đồng bộ Quy định 41 để xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đúng tầm

Xây dựng Đảng - Ngày đăng : 17:44, 12/11/2021

Đã có quy định cụ thể, rõ ràng thì các cấp, các ngành, các địa phương có thể dễ dàng áp dụng để siết chặt quản lý, kỷ luật thép trong công tác cán bộ.

Chú thích ảnh

Ông Trần Mạnh (Bí thư Chi bộ Hải Học 4, phường Hải Châu 2, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) đọc Quy định số 41-QĐ/TW trên báo

Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 41-QĐ/TW ngày 3.11.2021 về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ, thay thế Quy định số 260-QĐ/TW ngày 2.10.2009 của Bộ Chính trị. Tại TP Đà Nẵng, các cán bộ, đảng viên rất quan tâm và ủng hộ Quy định mới này.

Là đảng viên lâu năm, nhiều nhiệm kỳ làm Bí thư Chi bộ của khu dân cư, ông Trần Mạnh (Bí thư Chi bộ Hải Học 4, phường Hải Châu 2, quận Hải Châu) cho rằng, Quy định 41-QĐ/TW đã góp phần răn đe, ngăn không cho các cán bộ, lãnh đạo, đảng viên có hành vi sai trái. Ông tâm đắc với quy định: không thực hiện việc cho từ chức đối với cán bộ thuộc trường hợp phải miễn nhiệm. 

Ông Trần Mạnh cho biết: “Điều này giúp giảm các trường hợp cán bộ cho rằng sau khi sai phạm có thể xin từ chức, “hạ cánh an toàn”. Thực tế, các cán bộ có khuyết điểm, vi phạm cần phải bị miễn nhiệm, cách chức và các hình thức kỷ luật khác để có tác dụng giáo dục, răn đe”.

Ông Trần Mạnh cũng đồng tình với các quy định cụ thể về 6 trường hợp cán bộ bị miễn nhiệm là: Bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách nhưng uy tín giảm sút không thể đảm nhiệm chức vụ được giao; Bị kỷ luật khiển trách hai lần trở lên trong cùng một nhiệm kỳ hoặc trong thời hạn bổ nhiệm; Có trên 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định; Có 2 năm liên tiếp được xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ; Bị cơ quan có thẩm quyền kết luận suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá", vi phạm những điều đảng viên không được làm; Bị cơ quan có thẩm quyền kết luận vi phạm tiêu chuẩn chính trị theo quy định về bảo vệ chính trị nội bộ của Đảng đến mức phải miễn nhiệm.

Theo ông Trần Mạnh, đã có quy định cụ thể, rõ ràng như vậy thì các cấp, các ngành, các địa phương có thể dễ dàng áp dụng để siết chặt quản lý, kỷ luật thép trong công tác cán bộ. Qua đây cũng thể hiện rõ định hướng của Trung ương Đảng là tiếp tục xây dựng, giữ vững niềm tin của nhân dân, của xã hội trong công tác cán bộ. Nếu không xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ, lãnh đạo vi phạm khuyết điểm thì niềm tin của nhân dân sẽ giảm đi, rất khó lấy lại.

Còn đảng viên Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử TP Đà Nẵng, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng cũng đồng tình với Quy định số 41-QĐ/TW. Theo ông Tiếng, Quy định đã nêu rõ sự khác nhau về mức độ xử lý đối với các trường hợp cán bộ cần thay thế do không còn đủ điều kiện để tiếp tục đảm đương chức vụ hiện tại. Các cơ quan có thẩm quyền trong công tác cán bộ phải thực hiện nghiêm minh, không để xảy ra việc vẫn cho từ chức đối với cán bộ thuộc trường hợp phải miễn nhiệm. Mặt khác, việc tách bạch 2 khái niệm từ chức và miễn nhiệm như vậy cũng sẽ tạo điều kiện cho những trường hợp vi phạm nhẹ có cơ hội “làm lại từ đầu” trên hành trình công tác, không để việc “mất chức” trở thành dấu chấm hết trong sự nghiệp. Trước mắt cần căn cứ vào Quy định 41-QĐ/TW để xem xét miễn nhiệm cán bộ; sau một thời gian nhất định sẽ dựa vào thực tiễn để bổ sung hoặc điều chỉnh cho phù hợp.

Bên cạnh đó, ông Bùi Văn Tiếng cũng nhận định: Quyết tâm chính trị lần này về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ đã thể hiện nỗ lực của Trung ương trên hành trình xây dựng một đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đúng tầm trong thực thi công vụ, xứng đáng là công bộc của nhân dân. Vấn đề là ở đây rất cần sự thực thi đồng bộ, tránh tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, càng tránh tình trạng thực hiện theo kiểu chỗ “triệt”, chỗ “để”, thiếu công bằng giữa các trường hợp mức độ vi phạm như nhau, có tín nhiệm thấp, không thể đảm đương nhiệm vụ như nhau.

Theo TTXVN