OCOP tạo “sức bật’’ cho nông nghiệp, nông thôn
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 08:12, 15/11/2021
Thương hiệu “Bánh đa Q5” đã có mặt ở nhiều hệ thống nhà hàng, siêu thị trong cả nước
Nâng tầm giá trị
Mới đi vào hoạt động được 2 năm nay nhưng sản phẩm “Bánh đa Q5” của chị Đỗ Thị Lánh ở thôn Hội Yên, xã Chi Lăng Nam đã khẳng định được vị trí của mình trên thị trường. Đây cũng cơ sở sản xuất bánh đa lớn nhất và là sản phẩm OCOP duy nhất của huyện Thanh Miện. Với hơn 2.000 m2 nhà xưởng, mỗi ngày, cơ sở này sản xuất gần 4 tấn bánh đa, tiêu thụ khắp các tỉnh, thành phố. Các sản phẩm được đóng gói với đầy đủ tem mác tạo độ tin tưởng cho người tiêu dùng. Nhiều sản phẩm chất lượng cao đã có mặt ở hệ thống siêu thị lớn trong cả nước. Cơ sở đang tạo việc làm ổn định cho 30 lao động địa phương với thu nhập trung bình từ 5 – 7 triệu đồng/người/tháng. “Nghề làm bánh đa Hội Yên đã có từ lâu nhưng phần lớn các hộ chưa quan tâm xây dựng thương hiệu nên giá trị sản phẩm chưa cao. OCOP là “sân chơi” lớn cho các sản phẩm nông nghiệp. Từ đó, góp phần nâng cao vị thế của làng nghề bánh đa Hội Yên theo hướng bền vững”, chị Lánh chia sẻ.
Nắm rõ những lợi thế của sản phẩm OCOP nên chị Nguyễn Thị Nga, Phó Giám đốc Công ty CP 5S ở xã Kim Liên (Kim Thành) đã đăng ký tham gia chương trình với sản phẩm “Ống hút ngũ cốc’. Với mong muốn tạo ra sản phẩm sạch, thân thiện môi trường và nâng cao giá trị nông sản địa phương, các cổ đông của công ty đã cùng sáng tạo ra sản phẩm “Ống hút ngũ cốc’. Sản phẩm được làm từ các sản phẩm ngũ cốc, rau, quả… nên hoàn toàn tự nhiên. Ngoài công dụng uống nước, sản phẩm này có thể dùng để xào, nấu... Sản phẩm có tính ưu việt, thân thiện môi trường và phù hợp xu hướng tiêu dùng hiện đại. "Ống hút ngũ cốc" đã được xuất khẩu sang thị trường các nước Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản...
Chị Nga khẳng định: “Nếu chỉ dừng lại ở sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thô thì nông sản của chúng ta sẽ bị lép vế. Nhưng nếu tạo ra các sản phẩm phù hợp thị hiếu người tiêu dùng thì sẽ giúp nâng cao giá trị sản phẩm. OCOP sẽ là cơ sở pháp lý, điều kiện cần thiết để doanh nghiệp từng bước mở rộng thương hiệu trong nước và quốc tế’.
Với việc tham gia Chương trình OCOP, sản phẩm “Ống hút ngũ cốc” của Công ty CP 5s sẽ được người tiêu dùng biết tới nhiều hơn
Nông sản vươn xa
Với thương hiệu sản phẩm OCOP 3 sao, dưa lưới của HTX Tân Minh Đức (ở xã Phạm Trấn, Gia Lộc) đã có mặt tại nhiều cửa hàng, hệ thống siêu thị miền Bắc. Hiện HTX có 60.000 m2 nhà màng ứng dụng sản xuất công nghệ cao. “Với chất lượng như hiện nay, sản phẩm dưa lưới của HTX hoàn toàn đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe về xuất khẩu. Thời gian tới, HTX sẽ phấn đấu tăng sản lượng dưa để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và hướng tới xuất khẩu”, ông Hoàng Anh Thư, Phó Giám đốc HTX Tân Minh Đức nói.
Theo Chi cục Phát triển nông thôn, toàn tỉnh hiện 72 sản phẩm OCOP, trong đó có 36 sản phẩm 3 sao và 36 sản phẩm 4 sao. Tỉnh cũng đề nghị Trung ương xếp hạng sản phẩm 5 sao cho bánh đậu xanh Rồng vàng Hoàng Gia và vải tươi Queen Thanh Ha Lychee . Các sản phẩm OCOP đều là sản phẩm tiêu biểu của địa phương và mang tính vùng miền. Do vậy, OCOP không chỉ giúp phát triển sản xuất, xây dựng thương hiệu sản phẩm mà còn tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần xây dựng nông thôn mới.
OCOP tiếp tục góp phần tạo sức bật cho nông nghiệp, nông thôn. Giá trị sản phẩm gia tăng không chỉ giúp các hộ kinh doanh, HTX và doanh nghiệp nâng cao thu nhập mà còn nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Từ các sản phẩm OCOP ban đầu, nhiều chủ thể đã sáng tạo phát triển các sản phẩm mới, hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Để phát huy hết các giá trị của sản phẩm OCOP, tỉnh cần tăng cường hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, nhất là trong bối cảnh dịch Covid - 19 diễn biến phức tạp như hiện nay. Các sản phẩm OCOP sau khi “gắn sao” phải không ngừng được đổi mới theo hướng nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và thế giới.
TRẦN HIỀN