Thuốc trị COVID-19 nội địa có thể giúp Trung Quốc gỡ rào chắn 'zero COVID-19'?
Tin tức - Ngày đăng : 15:14, 24/11/2021
Đây là nhận định của Tiến sĩ Tong Youzhi, Giám đốc điều hành Công ty dược phẩm Kintor, nhà sản xuất đang nghiên cứu thuốc điều trị COVID-19 nội địa của Trung Quốc, hãng Bloomberg đưa tin.
Thuốc trị COVID-19 đầy hứa hẹn
Sau thành công trong việc đối phó với đại dịch COVID-19, bằng các biện pháp cứng rắn như xét nghiệm hàng loạt, giám sát và kiểm soát biên giới chặt chẽ, Trung Quốc hiện là quốc gia duy nhất có nguy cơ dễ bị mầm bệnh mới tấn công và cần được tiếp cận với các phương pháp điều trị hiệu quả nếu dịch bệnh bùng phát nghiêm trọng hơn.
Tiến sĩ Tong cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg News: “Trung Quốc là vùng đất còn nguyên sơ của virus khi mới có rất ít người mắc bệnh. Ở Trung Quốc, việc tiếp cận thuốc trị COVID-19 hiệu quả cấp thiết không kém so với những quốc gia khác trên thế giới, nếu chúng ta muốn đưa cuộc sống trở về trạng thái trước đại dịch”.
Tiến sĩ Tong cho rằng khi mở cửa biên giới, rất có khả năng COVID-19 sẽ tàn phá hệ thống chăm sóc sức khỏe y tế của quốc gia này. Tại Trung Quốc, chỉ có rất ít người dân có kháng thể tự nhiên để bảo vệ cơ thể khỏi bệnh lây truyền và vaccine của họ có hiệu quả thấp hơn trong việc ngăn chặn virus lây lan trong các thử nghiệm lâm sàng.
Công ty dược phẩm Kintor - có trụ sở tại Tô Châu, tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc - đã bắt đầu nghiên cứu hợp chất này từ nhiều năm trước để điều trị ung thư tuyến tiền liệt. Proxalutamide có khả năng ức chế androgen, một nội tiết tố nam mà một số nhà nghiên cứu tin rằng có thể liên quan đến nguy cơ phát triển bệnh COVID-19 nghiêm trọng.
Một nghiên cứu ban đầu ở Brazil cũng cho thấy Proxalutamide giúp làm giảm tỷ lệ nhập viện ở những người mắc bệnh COVID-19 nhẹ và giảm nguy cơ tử vong ở những người mắc bệnh nặng. Một số chuyên gia cho rằng đây là kết quả tích cực có thể giúp đưa cuộc sống của người dân trở lại bình thường.
Tiến sĩ Tong cho biết các thử nghiệm lớn hơn và nghiêm ngặt hơn đang được tiến hành ở Mỹ, Trung Quốc và nhiều quốc gia nơi khác để xác minh kết quả nghiên cứu. Nếu kết quả khả quan sẽ mở đường cho việc phê duyệt loại thuốc điều trị COVID-19 nội địa. Trong 12 tháng qua, cổ phiếu của Kintor đã tăng hơn 6 lần.
Chỉ tiêm vaccine là chưa đủ
Theo các phương tiện truyền thông Trung Quốc, hầu hết các nỗ lực phát triển thuốc trị COVID-19 của nước này đều tập trung vào các liệu pháp kháng thể vô hiệu hóa virus. Các chuyên gia nhận định việc ưu tiên phát triển phương pháp điều trị “cây nhà lá vườn” có thể là yếu tố quan trọng trong việc cân nhắc thời điểm chuyển hướng chiến lược từ zero COVID-19 sang coi COVID-19 là bệnh dịch đặc hữu ở nước này.
Trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông vào cuối tháng 9, Tiến sĩ George Gao Fu, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Trung Quốc, cho biết thuốc trị COVID-19 hiện là ưu tiên hàng đầu giúp giảm thiểu tác động của đại dịch này.
“Cùng với việc tiêm chủng, thuốc điều trị COVID-19 sẽ giúp đất nước chuyển sang giai đoạn sống chung với dịch bệnh”, ông Gao Fu nhấn mạnh.
Mặc dù đã có trên 75% dân số được tiêm chủng đầy đủ, Trung Quốc vẫn đóng cửa với phần còn lại của thế giới và quyết tâm dập tắt mọi đợt bùng phát dịch bệnh trong nước. Chiến dịch tiêm chủng của quốc gia này chủ yếu dựa vào các loại vaccine bất hoạt nội địa, được cho là có hiệu quả thấp hơn trong việc ngăn chặn lây nhiễm so với các loại vaccine được chế tạo bằng phương pháp mRNA được sử dụng rộng rãi ở phương Tây.
Điều đó đặt ra câu hỏi rằng liệu chỉ tiêm vaccine có đủ để ngăn chặn dịch bệnh hay không? Các nhà phân tích cũng coi đây là lý do chính khiến Bắc Kinh miễn cưỡng từ bỏ chiến lược zero COVID-19.
Khủng hoảng hệ thống y tế
Việc phân bổ nguồn lực y tế không đồng đều trong 1,4 tỷ dân của đất nước cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp cận với các loại thuốc điều trị COVID-19 hiệu quả. Trong khi các siêu đô thị như Bắc Kinh và Thượng Hải tự hào có một số bác sĩ hàng đầu thế giới và hầu hết các cơ sở y tế được trang bị tốt nhất, thì các phòng khám và mạng lưới chăm sóc sức khỏe ở những vùng kém phát triển của Trung Quốc lại thô sơ và rất dễ rơi vào tình trạng quá tải.
Đợt bùng phát gần đây ở các tỉnh Tây Bắc nước này đã lan rộng thành một đợt bùng phát toàn quốc, gây nguy cơ cho các vùng sâu vùng xa. Các bác sĩ và y tá đã mắc bệnh khi làm nhiệm vụ, trong khi nhiều bệnh nhân phải chuyển đến các cơ sở lớn hơn.
Theo Tiến sĩ Tong của Kintor, các phương pháp điều trị hiệu quả và phổ biến có thể xoa dịu mối lo mắc COVID-19 bệnh nặng hoặc tử vong.
“Đây là thách thức rất lớn. Với mật độ dân số cao, tỉ lệ miễn dịch cộng đồng thấp, một loại thuốc hiệu quả sẽ là 'vũ khí' quan trọng hơn giúp chúng tôi trở lại trạng thái bình thường”, ông nói.
Theo Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc, hôm 23/11, nước này đã ghi nhận 22 trường hợp COVID-19 mới, tăng nhẹ so với 19 trường hợp một ngày trước đó. Trong số các ca mắc mới, có 4 ca lây nhiễm cộng đồng. Trung Quốc cũng đã ghi nhận 16 trường hợp không triệu chứng mới và không ghi nhận trường hợp tử vong nào. Tính từ đầu đại dịch đến ngày 23/11, Trung Quốc đại lục đã ghi nhận tổng cộng 98.546 ca nhiễm mới và 4.636 ca tử vong.
Theo Báo Tin tức