Vị thế đội tuyển Việt Nam và phần còn lại
Trong nước - Ngày đăng : 13:00, 25/11/2021
Ứng cử viên số 1 đúng nghĩa
Hơn 10 năm trước tại AFF Cup 2010, đội tuyển (ĐT) Việt Nam cũng tham gia giải đấu với tư cách đương kim vô địch. Tuy nhiên, so với tâm thế của hơn 1 thập kỷ trước, ĐT Việt Nam hiện tại được giới chuyên môn đánh giá cao hơn rất nhiều. Không chỉ là đội đang nắm giữ chức vô địch của giải đấu này, ĐT Việt Nam còn khẳng định vị thế số 1 Đông Nam Á khi là đại diện duy nhất của khu vực vào vòng loại cuối World Cup 2022.
Ý nghĩa hơn, ĐT Việt Nam đã vượt qua chính những đối thủ khó chịu nhất của Đông Nam Á là Thái Lan, Malaysia và Indonesia để đi tiếp vào vòng loại cuối dành cho 12 đội hàng đầu châu Á. Kế tiếp, trong bối cảnh mất tới một nửa trụ cột ở đội hình mạnh nhất vì chấn thương như Văn Lâm, Trọng Hoàng, Văn Hậu, Hùng Dũng, ĐT Việt Nam vẫn chơi đầy khó chịu trước các đội tuyển mạnh nhất châu Á.
Hai trận đấu gần nhất, ĐT Việt Nam thua sát nút 0-1 trước Nhật Bản và Saudi Arabia. Tất nhiên, trận thua với tỷ số cách biệt 1 bàn không đồng nghĩa trình độ của ĐT Việt Nam đã ở gần với đẳng cấp của 2 đội tuyển thường xuyên dự VCK World Cup nói trên. Nhưng chí ít, cách mà ĐT Việt Nam thể hiện cũng khiến đối phương không dễ để đánh bại chúng ta. Thậm chí trước Saudi Arabia ở lượt trận 6 vừa qua, ĐT Việt Nam còn có sự chủ động trong cách phản công, gây sức ép và tổ chức tấn công một cách bài bản.
Đội tuyển Việt Nam được đánh giá cao nhất tại AFF Cup 2020
Thách thức vẫn đến từ ĐT Thái Lan
Dịch Covid-19 khiến AFF Cup 2020 không thể phát triển theo lộ trình như mong đợi và giải đấu phải tổ chức vào cuối năm 2021 cũng là vì thế. Dịch bệnh khiến trình độ và sự phát triển của nhiều đội tuyển tại Đông Nam Á bị giậm chân tại chỗ. Malaysia loay hoay trong sách lược nhập tịch hay không nhập tịch cầu thủ. Indonesia chưa đáp ứng được về trình độ so với đòi hỏi khắt khe đến từ huấn luyện viên đẳng cấp Shin Tae Yong.
Những Singapore, Myanmar, Philippines cũng không thể tiến lên trong bối cảnh dịch bệnh ảnh hưởng quá sâu đến nền bóng đá của họ. Trong khi đó, Lào và Campuchia là những đội tuyển có sự tiến bộ nhỏ trong 2 năm qua. Khoảng cách giữa họ với phần còn lại của Đông Nam Á vẫn là quá lớn, chứ đừng nói đến ĐT Việt Nam đã tranh thủ quỹ thời gian khó khăn này để cọ xát trực tiếp với các đội hàng đầu châu lục.
Suy cho cùng, thách thức của ĐT Việt Nam trong hành trình bảo vệ chức vô địch AFF Cup vẫn sẽ là ĐT Thái Lan. Với danh sách 30 cầu thủ được xem là tốt nhất có thể, ĐT Thái Lan đang cố gắng gượng dậy sau những thất bại liên tiếp ở các giải đấu từ khu vực đến châu lục suốt 4 năm qua. Thế nhưng Thái Lan đến AFF Cup lần này với những tổn thương lớn. Mới đây, họ vừa chịu án phạt rất nặng từ WADA, cơ quan chống doping thế giới. Gần như chắc chắn, ĐT Thái Lan phải sử dụng một cái tên khác, một lá cờ khác để tham dự AFF Cup 2020. Điều đó giống như trường hợp của Nga tại VCK futsal World Cup 2021 vừa qua. Thêm vào đó, dấu hỏi về tính kết nối của tân huấn luyện viên Polking cũng như sự góp mặt ở thời điểm quá sát giải đấu của những ngôi sao Chanathip Songkrasin, Theerathon Bunmathan khiến người hâm mộ Thái Lan không khỏi lo lắng về sự cạnh tranh sòng phẳng với ĐT Việt Nam ở giải đấu này.
Quả thực, xét về tương quan, ĐT Việt Nam đang ở vị thế số 1 tại giải đấu. Chưa bao giờ trong lịch sử, “những chiến binh sao vàng” lại hành quân tới AFF Cup trong sự hiên ngang và tự tin như lúc này.
Theo Bongdaplus