Doanh nghiệp thích ứng an toàn
Góc nhìn - Ngày đăng : 07:30, 27/11/2021
Anh bạn tôi liên tục gọi điện hỏi về tình hình các ca mắc Covid-19 ở Công ty TNHH Điện tử Iriso Việt Nam trong khu công nghiệp Tân Trường (Cẩm Giàng). Anh tỏ ra khá lo lắng bởi doanh nghiệp của anh đang đảm nhận khâu vận chuyển hàng hóa cho nhiều công ty tại khu công nghiệp này. Nếu dịch lan rộng, doanh nghiệp trong khu công nghiệp bị gián đoạn sản xuất cũng có nghĩa nhiều lao động trong công ty anh sẽ lại phải "ngồi chơi xơi nước", trong khi đó Tết đang đến gần. Nếu không có việc làm, thu nhập của anh em sẽ bị ảnh hưởng.
Anh bạn tôi lo cũng đúng bởi Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11.10.2021 Chính phủ quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” như một luồng gió mới giúp doanh nghiệp của anh cũng như nhiều công ty khác trong tỉnh "dễ thở" trong sản xuất, kinh doanh. Nếu dịch bùng phát, doanh nghiệp sẽ khó có thể an tâm sản xuất. Bảo vệ doanh nghiệp thế nào trong tình hình mới vừa thích ứng, vừa an toàn để sản xuất, kinh doanh là vấn đề đang được nhiều doanh nghiệp quan tâm.
Đầu tiên phải nhắc đến là việc tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người lao động. Có thể coi đây là tấm "áo giáp" quan trọng giúp doanh nghiệp yên tâm thực hiện các phương án sản xuất, kinh doanh những tháng cuối năm. Hiện đã có hơn 95% số công nhân trong các khu công nghiệp được tiêm vaccine phòng Covid-19, trong đó có khoảng 60% số người được tiêm đủ 2 mũi. Tuy vậy, tiêm vaccine phòng Covid-19 đầy đủ thì doanh nghiệp cũng không nên chủ quan mà bỏ các phương án phòng chống dịch quan trọng khác.
Để giữ doanh nghiệp an toàn thì mỗi công nhân, người lao động phải là những "chiến sĩ". "Chiến sĩ" ấy trước hết phải biết nâng cao ý thức phòng dịch của bản thân, thực hiện tốt quy định "một cung đường hai điểm đến". Luôn tự giác thực hiện tốt quy định 5K mọi lúc, mọi nơi; tích cực tuyên truyền để những người khác trong doanh nghiệp chấp hành nghiêm quy định phòng dịch. Khi doanh nghiệp có điều kiện sản xuất, kinh doanh ổn định thì các "chiến sĩ" ấy phải không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ, tay nghề, tiết kiệm, phát huy sáng kiến, kinh nghiệm làm lợi cho doanh nghiệp. Bởi khi doanh nghiệp khỏe thì công nhân, lao động cũng mới có mức thu nhập cao và đời sống tốt.
Muốn doanh nghiệp an toàn trong đại dịch không thể phó mặc vào sự cố gắng của riêng người lao động mà bản thân chủ doanh nghiệp cũng cần xây dựng cho mình những kịch bản cụ thể, chi tiết, sẵn sàng ứng phó khi xuất hiện ca mắc Covid-19 trong nhà máy mà không bị động, lúng túng. Để làm được điều này vai trò của các tổ "An toàn Covid" trong doanh nghiệp rất quan trọng. Họ phải là "tai mắt" giám sát trong doanh nghiệp, tham mưu giúp chủ doanh nghiệp xây dựng các biện pháp phòng chống dịch bệnh hiệu quả, tuyên truyền liên tục để người lao động thấu hiểu những khó khăn, cùng doanh nghiệp nỗ lực vượt qua. Doanh nghiệp cũng cần thường xuyên xét nghiệm tầm soát SARS-CoV-2 cho người lao động. Những việc nhỏ hơn như lắp vách ngăn, chia giờ ăn để bảo đảm khoảng cách hay yêu cầu người lao động ký cam kết không vi phạm các quy định phòng chống dịch khi về nơi ở cũng như làm việc tại doanh nghiệp không nên bỏ qua...
Trong giai đoạn này, doanh nghiệp cần tận dụng mọi nguồn lực để biến "nguy" thành "cơ", tăng tốc, bứt phá, phấn đấu đạt kế hoạch doanh thu cả năm. Sự đồng hành và hỗ trợ của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh lúc này cũng cần thiết như một chiếc phao cứu sinh giúp doanh nghiệp bám đỡ, vượt khó. Các chính sách như giảm, giãn nợ, miễn giảm tiền thuê đất, hạn chế thanh tra, kiểm tra... cần được thực hiện hiệu quả.
Dịch Covid-19 có thể kéo dài, vì thế sự thích ứng linh hoạt và an toàn của các doanh nghiệp Hải Dương trong thời điểm này rất cần thiết.
HẢI MINH