Cách khắc phục tình trạng kiệt sức vì công việc

Đời sống - Ngày đăng : 17:09, 29/11/2021

Nhiều người kiệt sức cả về tinh thần lẫn thể chất, đặc biệt sau 20 tháng bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Tuy nhiên, có một số cách để cải thiện tình hình thay vì nghỉ việc vội vàng.

khac phuc tinh trang kiet suc vi cong viec anh 4
Email chồng chất. Dealine dồn dập. Các cuộc họp trực tuyến lẫn trực tiếp trở nên căng thẳng hơn. Bạn nghi ngờ mình dần kiệt sức.

Đây là cảm giác phổ biến của hàng triệu lao động, đặc biệt sau 20 tháng làm việc tại nhà do ảnh hưởng đại dịch, theo Wall Street Journal.

Tuy nhiên, bạn không cần phải nghỉ việc để chống lại tình trạng kiệt sức. Có nhiều cách khác để bạn cải thiện tình hình, bao gồm tự đánh giá bản thân, trao đổi với nhà quản lý và nâng cao sức khỏe tinh thần.

Đánh giá bản thân

Kiệt sức không phải một chẩn đoán y tế, theo Mayo Clinic. Tuy nhiên, các dấu hiệu của nó có thể biểu hiện về cả mặt tinh thần lẫn thể chất. Đầu tiên, hãy lướt qua một số câu hỏi để xác định xem bạn có bị kiệt sức, tuyệt vọng hay căng thẳng không.

Bạn có trở nên mất kiên nhẫn hoặc chỉ trích khách hàng, đồng nghiệp nhiều hơn trước không?


Bạn có cảm thấy khó tập trung không?


Bạn có đang sử dụng thức ăn, rượu hay chất kích thích để cảm thấy tốt hơn, hoặc chỉ đơn giản không cảm nhận gì?

Thói quen ngủ của bạn có thay đổi không?


Bạn có bị đau đầu không rõ nguyên nhân, gặp vấn đề về dạ dày, ruột hoặc những ảnh hưởng khác về thể chất không?

Theo Jennifer Moss, tác giả của cuốn sách The Burnout Epidemic được xuất bản bởi Harvard Business Press, nếu phần lớn câu trả lời là “có”, rất có thể bạn đang “sức tàn lực kiệt”.

Moss và các nhà nghiên cứu khác về tình trạng kiệt sức khuyên rằng vài ngày nghỉ hoặc một chuyến spa sẽ không khắc phục được vấn đề. Thay vào đó, các lãnh đạo và nhân viên nên cùng nhau tìm ra giải pháp lâu dài hơn, chẳng hạn giảm tải khối lượng công việc và nới lỏng thời gian biểu.

Lập kế hoạch

Trước khi nói chuyện với sếp về cảm giác kiệt sức, hãy lập kế hoạch trước và sắp xếp suy nghĩ của bạn theo một trình tự, theo Lauren McGoodwin, người dẫn chương trình Career Contessa Podcast, cho biết.

Việc trút bỏ nỗi niềm với sếp không phải ý kiến hay. Hành động đó có thể khiến lãnh đạo phân tâm khỏi mục tiêu cuối cùng của bạn: yêu cầu giúp đỡ. Thay vào đó, bạn nên đề cập về mục tiêu và kỳ vọng trong công việc, cũng như cách đáp ứng chúng một cách tốt nhất.

Đồng thời, bạn cần đảm bảo rằng cuộc trò chuyện này mang tính tích cực. Hãy nhớ rằng việc bạn nhờ sếp hỗ trợ là hoàn toàn hợp lý.

“Bạn sẽ tiến xa hơn trong cuộc trò chuyện nếu bớt tập trung đổ lỗi cho lãnh đạo và yêu cầu giúp đỡ nhiều hơn”, McGoodwin nói.

Điều chỉnh mục tiêu và kỳ vọng

Tại nhiều công ty, nhân viên và sếp được yêu cầu làm nhiều việc hơn với ít nguồn lực do một số lao động đã nghỉ việc, cũng như doanh nghiệp chọn duy trì sự tinh gọn bộ máy.

Do đó, tác giả Moss cho biết các lao động, đặc biệt những người có năng suất cao với khuynh hướng cầu toàn, cần đánh giá xem liệu những nhiệm vụ họ đang nhận thực sự có thể hoàn thành bởi một người không.

“Mọi người tự hành hạ bản thân bằng câu hỏi ‘Tại sao tôi không thể đạt được mục tiêu này?’ Họ có thể đang cố gắng đẩy đại dịch trở lại ‘bình thường’ và phớt lờ sức khỏe tinh thần”, bà nói.

Nghĩ cho tập thể, không chỉ riêng mình

Theo giáo sư tâm lý học Christina Maslach, người tạo ra Maslach Burnout Inventory, công cụ đo lường được sử dụng rộng rãi để chẩn đoán các triệu chứng kiệt sức, trong các cuộc trò chuyện, bạn nên thảo luận về những gì đang diễn ra tốt đẹp, và sau đó đặt câu hỏi: “Chúng ta có thể làm gì tốt hơn vậy?”.

Khi sử dụng từ “chúng ta” và đề cập đến việc tìm cách cải thiện tình hình, điều đó đồng nghĩa bạn đang giúp sếp và công ty tiếp tục hoạt động tốt nhất có thể.

Những nhân viên có ý tưởng giúp giải quyết tình trạng kiệt sức cho chính họ và đồng nghiệp nên chủ động nhấn mạnh các giải pháp tiềm năng nhằm loại bỏ tác nhân gây căng thẳng mạn tính đang ảnh hưởng đến nhiều người.

“Khi có dịp thay đổi môi trường làm việc và tư duy mới, đó chính là cơ hội để bạn lên tiếng”, bà nói.

Nói “không”

Người lao động cần thiết lập lại các ranh giới bị lu mờ trong đại dịch, theo Emily Ballesteros, một huấn luyện viên quản lý sự kiệt sức.

“Nhiều người dần hình thành thói quen xấu, đó là vội vàng nói lời ‘đồng ý’ bất cứ khi nào sếp đưa ra yêu cầu”, bà nói.

Thay vào đó, hãy trả lời rằng bạn cần kiểm tra lại lịch trình của mình và liên hệ lại sau. Hành động tạm dừng này có nghĩa bạn đang suy nghĩ thấu đáo hơn cho công việc và chính bản thân.

Ngoài ra, việc xem xét lại yêu cầu của người quản lý cho thấy bạn muốn đảm bảo rằng mình có thể hoàn thành công việc được giao.

“Bạn phải biết đâu là giới hạn khả năng và quỹ thời gian của mình”, cô nói.

Theo Zing