Đề nghị buộc Công ty Nhật Cường nộp lại 251 tỷ đồng
Tin tức - Ngày đăng : 18:05, 29/11/2021
Ngày 29.11, Tòa án Nhân dân (TAND) Cấp cao tại Hà Nội xem xét kháng cáo của 11 trong số 14 bị cáo liên quan vụ buôn lậu, vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty Nhật Cường. Hội đồng xét xử (HĐXX) cho biết đã triệu tập đại diện công ty này nhưng không ai đến tòa.
Sau một ngày xét hỏi, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) Cấp cao tại Hà Nội đề nghị HĐXX bác kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của 10 bị cáo, chấp nhận giảm án cho Nguyễn Bảo Trung (một trong 16 nhà cung cấp hàng lậu).
Bị cáo khai Bùi Quang Huy hưởng lợi toàn bộ
Quá trình xét hỏi, Trần Ngọc Ánh (Phó Tổng giám đốc Nhật Cường), Nguyễn Bảo Ngọc (giám đốc tài chính doanh nghiệp này) cùng 9 bị cáo khác đều mong cấp phúc thẩm xem xét giảm nhẹ hình phạt và tuyên họ không phải bồi thường tổng số tiền 221 tỷ đồng.
Trần Ngọc Ánh xin giảm nhẹ hình phạt 13 năm tù vì cho rằng mức án này "hơi nặng". Bị cáo thừa nhận đã giúp sức cho Bùi Quang Huy (Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường, đang bị truy nã quốc tế) song khai bản thân chỉ là người làm thuê, không được hưởng lợi từ việc buôn lậu.
"Tại công ty, bị cáo không được hưởng bất cứ đồng nào ngoài tiền lương cơ bản. Bị cáo không thể chịu trách nhiệm thay ông chủ Bùi Quang Huy đã bỏ trốn", cựu Phó Tổng giám đốc Nhật Cường trình bày.
Trần Ngọc Ánh tại phiên tòa ngày 26.11
Trần Ngọc Ánh cho rằng từ khi điều tra đến xét xử, bị cáo đã thành khẩn khai báo, tích cực hợp tác với cơ quan công an. Người này mong HĐXX chấp nhận kháng cáo, giảm nhẹ hình phạt và không phải bồi thường gần 70 tỷ.
Nguyễn Bảo Ngọc, bị cáo duy nhất phạm 2 tội và lĩnh 14 năm tù, mức án cao hơn những người khác, cũng xin tòa cấp cao xem xét giảm nhẹ hình phạt và miễn bồi thường dân sự.
Trả lời HĐXX cấp phúc thẩm, bà Ngọc khai bản thân chỉ quản lý thu, chi của công ty và được giao nhiệm vụ thanh toán tiền cho 16 đại lý, không phụ trách sổ sách hay nghiệp vụ kế toán.
"Bị cáo không biết mình có oan không. Nếu có tội, bị cáo xin nhận trách nhiệm nhưng xin HĐXX xem xét bị cáo chỉ là người làm công ăn lương, không được hưởng lợi gì", Nguyễn Bảo Ngọc nêu căn cứ kháng án.
Theo bà Ngọc, trong vụ án xảy ra tại Công ty Nhật Cường, Bùi Quang Huy mới là người hưởng lợi toàn bộ số tiền bất chính.
Cùng trả lời thẩm vấn, các bị cáo còn lại thừa nhận hành vi nhưng mong tòa phúc thẩm chấp nhận kháng cáo và tuyên họ không phải bồi thường dân sự. Nhóm cựu nhân viên Công ty Nhật Cường đều cho rằng họ chỉ làm theo chỉ đạo của Bùi Quang Huy, không ai được hưởng lợi.
Đề nghị Công ty Nhật Cường nộp lại 251 tỷ
Khi luận tội, đại diện VKSND Cấp cao tại Hà Nội lập luận trong vụ án, Công ty Nhật Cường do Bùi Quang Huy là tổng giám đốc trực tiếp điều hành các hoạt động buôn bán. Huy lập thêm chi nhánh tại Quảng Châu (Trung Quốc) để buôn lậu hàng công nghệ.
Theo VKS, giai đoạn 2014-2019, Huy trực tiếp chỉ đạo cấp dưới giao dịch, mua bán trái phép trên 2.500 đơn hàng. Tổng giá trị thanh toán là 2.927 tỷ đồng.
Sau đó, Bùi Quang Huy liên hệ thuê các đường dây vận chuyển hàng lậu về Việt Nam, tiêu thụ thông qua hệ thống cửa hàng và thu lợi bất chính tổng số tiền 251 tỷ đồng (trong đó có 30 tỷ tiền trốn thuế).
Đại diện VKSND Cấp cao đề nghị bác kháng án của 10.11 bị cáo.
Với những căn cứ nêu trên, VKSND Cấp cao đánh giá Công ty Nhật Cường giữ vai trò người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trong vụ án, các bị cáo là cựu nhân viên Nhật Cường chỉ là những người làm công ăn lương, không được ăn chia lợi ích.
Ngoài ra, nhóm bị cáo khác thuộc các đường dây vận chuyển cũng chỉ được hưởng tiền công vận chuyển. Do đó, VKS cho rằng trách nhiệm bồi thường thuộc về Công ty Nhật Cường.
Sau khi đánh giá, VKS đề nghị tòa phúc thẩm chấp nhận kháng nghị của VKSND Hà Nội và kháng cáo về trách nhiệm dân sự của 11 bị cáo. Cụ thể, cơ quan công tố đề nghị sửa bản án sơ thẩm theo hướng đưa Công ty Nhật Cường tham gia với tư cách người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Đồng thời, buộc Nhật Cường liên đới bồi thường 251 tỷ, không buộc các bị cáo phải khắc phục số tiền này.
Về hình sự, VKSND Cấp cao đánh giá hầu hết bị cáo thừa nhận hành vi nhưng không đưa ra được tình tiết mới. Do đó, công tố viên đề nghị giữ nguyên hình phạt sơ thẩm đối với Trần Ngọc Ánh, Nguyễn Bảo Ngọc và 8 bị cáo khác. Riêng Nguyễn Bảo Trung được kiến nghị chấp nhận kháng cáo, giảm một năm tù giam với lý do đã nộp 2 tỷ đồng khắc phục hậu quả.
Đầu tháng 5, TAND Hà Nội tuyên Trần Ngọc Ánh 13 năm tù giam về tội Buôn lậu. Cùng tội này, Nguyễn Bảo Trung lĩnh 8 năm tù. 11 bị cáo khác, gồm nhóm nhân viên của Công ty Nhật Cường và đường dây vận chuyển hàng lậu, lĩnh các mức án 4-9 năm tù.
Riêng Nguyễn Bảo Ngọc chịu tổng hình phạt 14 năm tù về các tội Buôn lậu và Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo Zing