Làm gì để thực hiện đề án 1 tỷ cây xanh?
Môi trường - Ngày đăng : 07:00, 09/12/2021
Người dân nhiều nơi trong tỉnh gắn việc trồng cây xanh với phát triển kinh tế. Trong ảnh: Người dân phường Bến Tắm (Chí Linh) chăm sóc cây ăn quả
Ngày 1.4.2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt đề án “Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025” với mục tiêu đến hết năm 2025, cả nước trồng được 1 tỷ cây xanh.
Tích cực trồng rừng
Với diện tích đất rừng rộng lớn nên TP Chí Linh có điều kiện thuận lợi trong việc trồng và phát triển cây xanh so với nhiều địa phương khác. Hiện nay, Chí Linh đang có hơn 7.800 ha đất lâm nghiệp gồm các rừng sản xuất, phòng hộ và đặc dụng. Bên cạnh đất rừng, Chí Linh cũng đứng thứ2 trong tỉnh về diện tích trồng cây ăn quả với hơn 4.800 ha, tập trung chủ yếu ở phía bắc quốc lộ18. Để góp phần hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh, bền vững, việc phát triển cây xanh luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của thành phố. Giai đoạn 2021-2025, TP Chí Linh đã xây dựng kế hoạch trồng gần 1.800ha cây xanh; trong đó có hơn 310 ha diện tích rừng tập trung, 650 ha cây xanh khu vực đô thị và 410ha cây xanh ở khu vực nông thôn. Trong năm 2021, thành phố đã trồng 282,5 ha cây xanh các loại.
Huyện Bình Giang cũng đã xây dựng kế hoạch cụ thể cho việc phát triển cây xanh theo từng năm, từng địa điểm và loại cây cụ thể. Trong giai đoạn 2021 - 2025, toàn huyện phấn đấu trồng 300.000 cây phân tán, cây ăn quả các loại; trong đó ưu tiên trồng cây lâu năm, cây bóng mát, các loại hoa để làm đẹp cảnh quan, bảo vệ môi trường sinh thái. Số cây mới sẽ được tập trung trồng trên hành lang giao thông trục xã, liên xã, liên thôn, đường ra đồng, khuôn viên các trụ sở, trường học và các công trình công cộng khác.
Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tham mưu cho tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện đề án trồng 1 tỷ cây xanh do Thủ tướng Chính phủ ban hành trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, dự kiến toàn tỉnh sẽ trồng khoảng 4triệu cây xanh phân tán ở các khu đô thị, vùng nông thôn và khoảng 3,5 triệu cây xanh tập trung trong rừng phòng hộ, rừng sản xuất.
Định hướng rõ ràng
Song song với việc đẩy mạnh trồng cây xanh các loại, các địa phương cũng chú trọng việc định hướng phát triển, khôi phục cây xanh để bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan và đem lại hiệu quả kinh tế.
Ông Phan Công Long, Phó Trưởng Phòng Kinh tế TP Chí Linh cho biết: “Để hoàn thành mục tiêu trồng cây xanh trong giai đoạn tới, thành phố chú trọng tuyên truyền để nhân dân đẩy mạnh cải tạo vườn tạp, trồng cây phân tán. Khuyến khích các địa phương trồng theo vườn cây, đường cây để tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp, bảo vệ môi trường”.
Theo Chi cục Kiểm lâm (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tổng diện tích rừng và đất quy hoạch phát triển lâm nghiệp của tỉnh là 11.177 ha, trong đó có hơn 1.543 ha rừng đặc dụng, 4.682,4 ha rừng phòng hộ, còn lại là rừng sản xuất. Toàn bộ diện tích rừng đặc dụng của tỉnh gắn liền với các khu di tích lịch sử như Côn Sơn - Kiếp Bạc, đền thờ nhà giáo Chu Văn An, đền Cao An Lạc, chùa cổ Thanh Mai (Chí Linh); đền Cao An Phụ, động Kính Chủ (Kinh Môn)... Trong giai đoạn 2021-2025, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng cần được đặt lên hàng đầu. Hiện nay, Hải Dương có khoảng 2.000 ha rừng phòng hộ trồng keo, bạch đàn đã hết chu kỳ sinh trưởng, phát triển, dễ bị sâu bệnh, gẫy đổ, hiệu quả bảo vệ môi trường và khả năng phòng hộ không cao. Trong thời gian tới, cần có cơ chế, chính sách đầu tư kinh phí để thực hiện trồng cải tạo, nâng cấp rừng phòng hộ, đặc dụng với các loại cây như lim xanh, sồi, sao đen, thông... nhằm thay thế dần diện tích trồng keo, bạch đàn, từng bước nâng cao hiệu quả phòng hộ, bảo đảm đa dạng sinh học, giá trị sinh thái, tạo điểm nhấn cảnh quan cho các khu di tích.
Để việc phát triển cây xanh bảo đảm hiệu quả thực sự, không mang tính hình thức, bên cạnh việc lựa chọn cây trồng phù hợp, các địa phương trong tỉnh cần rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bố trí diện tích đất trồng cây xanh phù hợp. Khu vực trồng cây xanh phải được giao cho chủ thể quản lý cụ thể, rõ ràng để chăm sóc, gắn trách nhiệm. Tập trung tuyên truyền nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành và nhận thức của nhân dân về vai trò, tác dụng và ý nghĩa của việc trồng cây gắn liền với bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế-xã hội bền vững. Các cơ quan, đơn vị xem xét tổ chức phát động phong trào thi đua để kêu gọi tham gia trồng cây xanh, tạo nên phong trào thường xuyên, liên tục, hiệu quả.
Tỷ lệ cây xanh đô thị đạt thấp Theo báo cáo trong các đề án phát triển đô thị và khảo sát hiện trạng quy hoạch chung đô thị của tỉnh, tỷ lệ cây xanh toàn đô thị, cây xanh khu vực nội thị trên địa bàn tỉnh đạt mức thấp. Nhiều đô thị chưa đạt chỉ tiêu về diện tích cây xanh tối thiểu theo quy định như các thị trấn: Nam Sách, Gia Lộc, Ninh Giang, Tứ Kỳ, Lai Cách, Cẩm Giang... Các đô thị này có tỷ lệ diện tích cây xanh dao động từ 2 - 3,7 m2/người, thấp hơn quy định tối thiểu từ 0,3 - 2 m2/người. Hiện chỉ có một số đô thị có không gian công viên cây xanh tập trung phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của nhân dân như TP Hải Dương, TP Chí Linh và thị xã Kinh Môn. Các đô thị còn lại hầu như chưa có không gian công viên cây xanh tập trung. Số liệu thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, hiện nay tỷ lệ cây xanh trên mỗi người dân tại các đô thị của Việt Nam ở mức từ 2 - 3 m2/người, trong khi chỉ tiêu tối thiểu của Liên hợp quốc là 10 m2. Nhiều đô thị, đặc biệt là các đô thị lớn, tỷ lệ cây xanh thấp do thiếu quy hoạch cây xanh, chưa quan tâm đúng mức sự phát triển của không gian xanh. |
NGUYỄN HIỀN