Bộ Giao thông vận tải đề xuất hơn 120.700 tỷ đồng làm 6 dự án trọng điểm
Giao thông - Đô thị - Ngày đăng : 17:30, 11/12/2021
Bộ Giao thông vận tải phải giải ngân bình quân mỗi năm khoảng 70.000 tỷ đồng cho các dự án giao thông.
Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hoàn thiện phương án bố trí vốn các dự án giao thông trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Bộ Giao thông Vận tải cho biết, theo báo cáo của Chính phủ và kết luận của Chủ tịch Quốc hội, Bộ Giao thông vận tải có 6 dự án sử dụng nguồn vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Cụ thể, cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đã trình Quốc hội báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để thông qua tại Kỳ họp tháng 12.2021 của Quốc hội Khóa XV với tổng mức đầu tư 146.990 tỷ đồng. Trong đó, phần vốn ngân sách đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã bố trí cho dự án hơn 47.100 tỷ đồng.
Dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư theo phương thức PPP (hợp tác công tư), hiện đang lập báo cáo nghiên cứu khả thi.
Dự án dự kiến chuyển sang phương thức đầu tư công với tổng mức đầu tư hơn 18.600 tỷ đồng; phần vốn ngân sách đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã bố trí hơn 5.700 tỷ đồng.
Dự án cao tốc An Hữu-Cao Lãnh đã hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi theo phương thức PPP. Dự án dự kiến chuyển sang phương thức đầu tư công với tổng mức đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng; phần vốn ngân sách đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã bố trí 1.864 tỷ đồng.
Cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng hiện đã hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu tiềm khả thi theo phương thức PPP và đã trình Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng thẩm định Nhà nước đang thẩm định.
Dự án dự kiến chuyển sang phương thức đầu tư công với mức đầu tư hơn 49.700 tỷ đồng; phần vốn ngân sách đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã bố trí là hơn 14.200 tỷ đồng.
Dự án cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột cũng đã hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi theo phương thức đầu tư công, Bộ Giao thông Vận tải đang triển khai thủ tục thẩm định nội bộ với tổng mức đầu tư hơn 17.400 tỷ đồng; phần vốn ngân sách đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã bố trí là hơn 5.200 tỷ đồng.
Dự án cầu Đại Ngãi đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư bằng nguồn vốn ODA dự kiến vay JICA (Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản). Tuy nhiên, nhà tài trợ chưa cam kết bố trí vốn và mới chỉ chấp thuận hỗ trợ kỹ thuật để lập báo cáo nghiên cứu tiềm khả thi.
Dự án dự kiến chuyển sang phương thức đầu tư công với mức đầu tư hơn 8.000 tỷ đồng; phần vốn ngân sách đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã cân đối hơn 2.400 tỷ đồng.
Như vậy, tổng nhu cầu sử dụng vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội của cả 6 dự án do Bộ Giao thông vận tải chủ trì thực hiện là 120.746 tỷ đồng. Trong đó, năm 2022 là hơn 2.250 tỷ đồng, năm 2023 là 49.206 tỷ đồng, năm 2024 là hơn 69.289 tỷ đồng. Năm 2025 từ kế hoạch trung hạn đã phân bổ hơn 76.600 tỷ đồng.
Tại văn bản này, Bộ Giao thông vận tải cũng cho biết, thực tiễn cho thấy, tiến độ đầu tư các dự án ngành giao thông vận tải phụ thuộc rất lớn vào các yếu tố tiến độ giải phóng mặt bằng (đối với các dự án nhóm A trở lên thường mất tối thiểu 2-3 năm); Điều kiện cung cấp vật liệu, điều kiện địa chất công trình, điều kiện thời tiết của các vùng miền và năng lực thực hiện của các chủ thể (chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu).
Khu tái định cư Nhị Hà đang được UBND huyện Thuận Nam, Ninh Thuận tiến hành cấp cho người dân có đất thu hồi làm dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông
Thực tế, bình quân mỗi năm Bộ Giao thông vận tải giải ngân khoảng 35.000-43.000 tỷ đồng. Nếu không kể phần trả nợ đọng, hoàn ứng kế hoạch... năm 2021, Bộ Giao thông vận tải giải ngân khoảng 33.000 tỷ đồng.
Với kế hoạch trung hạn đã được phân bổ hiện nay, các năm 2023, 2024, 2025, Bộ Giao thông vận tải phải giải ngân bình quân mỗi năm khoảng 70.000 tỷ đồng. Khi sử dụng thêm nguồn vốn từ Chương trình cần phải có một số cơ chế, chính sách đặc thù, cùng nỗ lực quyết tâm lớn của các bộ, ngành, địa phương mới có thể hoàn thành nhiệm vụ.
Trên cơ sở đó, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị việc bố trí vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội được triển khai từ năm 2022 đến hết năm 2025; Cho phép chỉ định thầu các gói thầu tư vấn và cho phép chủ đầu tư tiểu dự án giải phóng mặt bằng được áp dụng hình thức chỉ định thầu thực hiện các nhiệm vụ nhằm di dời công trình hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án.
Bên cạnh đó, Bộ Giao thông vận tải đề xuất, trong trường hợp nhà thầu thi công xây dựng được cấp quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thôngthường (đất, cát, đá) mà sản phẩm khai thác chỉ sử dụng cho các dự án giao thông sử dụng vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội thì thí điểm không phải đề nghị cấp giấy phép khai thác khoáng sản.
Đồng thời, Bộ này đề nghị giao nhiệm vụ cụ thể cho các địa phương có dự án đi qua chịu trách nhiệm hoàn thành cơ bản giải phóng mặt bằng (90%) trong vòng 1 năm kể từ thời điểm nhận bàn giao cọc giải phóng mặt bằng…
Theo Vietnam+