Sinh viên ngành toán có thể nhận học bổng 2,4 triệu đồng một tháng

Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 09:40, 12/12/2021

Sinh viên ngành toán có thể được nhận học bổng theo chương trình trọng điểm quốc gia phát triển toán học giai đoạn 2021-2030 với mức 2,4 triệu đồng một tháng.

Đề xuất trên được đưa ra trong dự thảo Thông tư "Hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí chi thường xuyên thực hiện Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển toán học giai đoạn 2021-2030" của Bộ Tài chính.

Nhằm thu hút và nâng cao chất lượng, sinh viên ngành toán được xét cấp học bổng theo các tiêu chí quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nếu đạt, các em sẽ nhận được mức 2,4 triệu đồng một tháng, bằng với mức trần học phí hiện hành của ngành toán ở các đại học công lập. Học bổng được cấp theo từng kỳ học và cấp 10 tháng trong năm học.

Bộ Tài chính cũng đề xuất chi cho đào tạo, bồi dưỡng học sinh, sinh viên sư phạm ngành toán, giáo viên toán cốt cán, giáo viên THPT chuyên toán; hỗ trợ kinh phí tổ chức các khóa bồi dưỡng dành cho học sinh, sinh viên và bồi dưỡng giảng viên môn toán cho các trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Những học viên ngoại tỉnh được tuyển chọn tham gia các lớp đào tạo nhân tài toán học theo quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo còn được hỗ trợ chi phí đi lại, phòng nghỉ, phụ cấp lưu trú.

Ngoài ra, Bộ Tài chính đề xuất chi giải thưởng cho các nghiên cứu xuất sắc về toán với mức khoảng 10-50 triệu đồng; hỗ trợ giảng viên, giáo viên trẻ thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu, ứng dụng toán học; duy trì và phát triển các nhóm nghiên cứu và hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh trong nước hoặc hỗn hợp trong nước - quốc tế.

Trong đó, với các nhóm nghiên cứu mạnh, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo quy định mức tiền công cụ thể cho từng thành viên trong nhóm, tối đa không quá 40 triệu đồng một tháng.

Dự thảo của Bộ Tài chính cũng đề xuất các nội dung chi với nhiều hoạt động khác như tuyên truyền phố biến giáo dục STEM, hưởng ứng Ngày Toán học thế giới, Ngày hội Toán học mở, các cuộc tranh tài, Trại hè Toán học...

Những đề xuất này đưa ra trong dự thảo chi tiết tới từng nhóm nhiệm vụ được đề cập trong chương trình trọng điểm quốc gia phát triển toán học giai đoạn 2021-2030 (đã được Thủ tướng phê duyệt hồi tháng 12.2020). Mục tiêu của chương trình này là đến năm 2030, Việt Nam có 5 đại học vào top 500 thế giới về toán, trong đó có ít nhất hai trường trong top 400.

Ngoài ra, chương trình còn đặt mục tiêu tăng gấp đôi số công bố trên các tạp chí trong danh mục SCIE so với giai đoạn 2010-2020; tăng gấp đôi số lượt nhà khoa học nước ngoài đến làm việc, trao đổi và hợp tác; có ít nhất 5 hướng nghiên cứu chủ đạo về toán ứng dụng và toán trong công nghiệp; đào tạo khoảng 400 tiến sĩ ngành toán, toán ứng dụng và thống kê; đào tạo, bồi dưỡng khoảng 80% giảng viên, giáo viên toán cốt cán đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới.

Chương trình trọng điểm quốc gia về toán này do Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan chủ trì, Viện Nghiên cứu cao cấp về toán là đơn vị thường trực điều phối thực hiện.

Theo VnExpress