Hành trình theo đuổi đam mê của “ông vua” sân cỏ

Trong tỉnh - Ngày đăng : 15:00, 12/12/2021

Hiện anh đang là một trong những trọng tài uy tín của làng túc cầu Việt Nam.


Chuyên môn cao, trách nhiệm trong từng trận đấu đã giúp anh Duẩn góp phần mang đến cho người hâm mộ những trận cầu công bằng

Đó là trọng tài Nguyễn Viết Duẩn, sinh năm 1982 ở xã Đoàn Tùng (Thanh Miện).Từ một giáo viên giảng dạy môn giáo dục thể chất, cơ duyên đã đưa anh đến với nghề trọng tài bóng đá. Với sự nỗ lực không mệt mỏi, anh dần trở thành một trong những trọng tài uy tín của làng túc cầu Việt Nam.

Bén duyên với nghề cầm còi

Ngay từ nhỏ anh Nguyễn Viết Duẩn đã có đam mê mãnh liệt với môn thể thao “vua”. Những năm còn học phổ thông anh là nhân tố chủ chốt trong đội bóng đá của lớp. Để thoả mãn tình yêu với thể thao, sau khi tốt nghiệp THPT, anh Duẩn đăng ký dự thi vào Trường Cao đẳng Sư phạm Thể dục thể thao trung ương 1 (Hà Nội). Trong suốt những năm học ở giảng đường sư phạm, ngoài học chuyên môn, chẳng giải thể thao nào do trường tổ chức mà thiếu sự tham gia của anh, nhất là các giải bóng đá. Đây cũng là khoảng thời gian giúp anh Duẩn tích luỹ kinh nghiệm, tạo lập nền tảng vững chắc phục vụ cho công việc sau này. 

Tốt nghiệp với tấm bằng xếp loại khá vào năm 2004, anh Duẩn về Trường THCS Lam Sơn (Thanh Miện) công tác với vai trò giáo viên môn giáo dục thể chất. Đặc thù công việc cùng tình yêu thể thao nên vừa giảng dạy, anh vừa dành thời gian tham gia các giải bóng đá phong trào ở địa phương. Cũng chính từ các giải thể thao đó, cơ duyên đã đến với anh Duẩn. Không chỉ giỏi ở những đường bóng kiến tạo, những pha ghi bàn, trên sân cỏ anh Duẩn còn thể hiện tốt vai trò của một trọng tài.

Với nền tảng thể lực, óc quan sát cũng như chuyên môn tốt, chàng trai trẻ khi đó đã được Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao huyện Thanh Miện tin tưởng giao vai trò trọng tài chính tại các giải bóng đá cấp huyện, đồng thời bổ nhiệm anh làm huấn luyện viên trưởng đội bóng đá nhi đồng huyện tham gia thi đấu giải U10 cấp tỉnh. “Đó là khoảng thời gian tôi còn nhớ mãi, bởi từ đó cơ duyên đã giúp tôi đến với nghề cầm còi sân cỏ. Ngoài những lần tham gia các giải đấu, tôi còn làm trọng tài tại các trận bóng đá “phủi” trong tỉnh”, anh Duẩn chia sẻ.

Những năm tháng rong ruổi khắp các sân bóng đá lớn nhỏ của tỉnh, anh Duẩn ngày càng tích lũy được nhiều bài học kinh nghiệm trong công tác trọng tài. Cất tiếng còi, quan sát các cầu thủ chơi trên sân, kiểm soát thời gian trận đấu… niềm đam mê với công việc này cứ thế lớn dần từng ngày trong anh.

Tháng 6.2010, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam tổ chức lớp sơ cấp trọng tài quốc gia. Đây là sự kiện bước ngoặt giúp anh Duẩn tiến gần hơn tới sân chơi chuyên nghiệp. Đam mê nghề trọng tài bóng đá cộng thêm sự động viên từ bạn bè, anh em đồng nghiệp, anh Duẩn đã đăng ký tham gia lớp này. Nhờ thành tích học tập tốt nên anh đã được chọn đào tạo ở lớp nâng cao. Trong khoảng thời gian này, anh Duẩn được giới chuyên môn đánh giá là trọng tài trẻ có nhiều triển vọng của Việt Nam.

10 năm trước, trọng tài Nguyễn Viết Duẩn chính thức được cầm còi ở một giải đấu cấp quốc gia. Mặc dù chỉ là giải bóng đá trẻ trong nước nhưng đối với anh Duẩn đó là một niềm vinh dự vô cùng lớn lao. Công tâm, trách nhiệm và uy tín trong từng trận đấu đã giúp sự nghiệp trọng tài của anh từng bước gặt hái thành công. Từ giải vô địch U11 toàn quốc, anh được “đôn” lên để “thổi” ở các giải cao hơn như U15, U17, U19 và U21. Nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ của bản thân, năm 2015 trọng tài Nguyễn Viết Duẩn được Ban Trọng tài Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) bổ nhiệm chính thức tham gia điều hành các trận đấu của giải bóng đá chuyên nghiệp. “Chưa bao giờ tôi nghĩ mình có thể tiến xa với nghề đến vậy. Các trận đấu chuyên nghiệp đều có tính chuyên môn rất cao. Để không phụ sự kỳ vọng của Ban Trọng tài cũng như tiếp cận nhanh với những trận đấu mới, tôi đã phải cố gắng phấn đấu rất nhiều”, anh Duẩn kể.

Chuyên môn cao, trách nhiệm trong từng trận đấu đã giúp anh Duẩn góp phần mang đến cho người hâm mộ những trận cầu công bằng. Nhờ đó, năm 2018 anh tiếp tục được Ban Trọng tài tin tưởng phân công tham gia điều hành Giải bóng đá vô địch quốc gia (V-League). Ở mùa giải này, anh được tham gia công tác trọng tài trong 12 trận đấu, trong đó có 3 trận anh Duẩn được cầm còi bắt chính. Kể từ thời điểm đó, anh được phân công tham gia điều hành nhiều trận đấu quan trọng, góp phần vào thành công chung của giải đấu. Mùa giải năm 2019, anh Duẩn tiếp tục được cầm còi bắt chính ở 7 trận đấu rồi tăng lên 15 trận ở mùa giải năm 2020. Trọng tài Nguyễn Viết Duẩn chia sẻ, được tham gia điều hành trận đấu tại V-League là niềm vinh dự lớn. Tuy nhiên, đây cũng là giải đấu rất nhiều áp lực. Người làm trọng tài không những phải chuẩn bị kỹ lưỡng kiến thức chuyên môn mà cần không ngừng rèn luyện để có một nền tảng thể lực tốt.

Gian nan không nản

Từ một xuất phát điểm có phần chung là những người liên quan đến thể thao, các trọng tài Việt Nam bắt đầu cầm còi từ các giải phong trào, bán chuyên nghiệp và mất rất nhiều năm để tiến lên chuyên nghiệp. Nhưng ngay cả khi có thâm niên cầm còi lẫn cầm cờ đủ lâu, những trọng tài như anh Duẩn vẫn đối diện với áp lực bủa vây.

Theo một trọng tài VFF, mỗi cấp bậc, trọng tài trẻ sẽ trải qua khoảng 2năm đào tạo. Để “ra lò” một “vị vua” sân cỏ đủ điều kiện tham dự giải đấu cao nhất của bóng đá Việt Nam phải mất từ 7-8 năm. “Nhưng không phải ai cũng đủ phẩm chất, đam mê để đi đến cuối con đường. Nhiều trọng tài tác nghiệp ở giải hạng nhất tới 7 năm mà vẫn chưa thể thăng hạng lên V-League vì không đủ thể lực, không thể vượt qua những bài kiểm tra đầu mùa”, vị trọng tài này cho biết.

Trên hành trình theo đuổi đam mê của mình, trọng tài Nguyễn Viết Duẩn chẳng thể nhớ hết bao thăng trầm đã từng trải qua. Nhiều lúc tưởng chừng gục ngã trước áp lực công việc, nhưng được sự động viên của gia đình, bạn bè và đồng nghiệp, anh lại mạnh mẽ tiến lên. “Xa nhà liên tục. Nhất là khi vẫn còn công tác ở Trường THCS Lam Sơn, phải cân đối giữa việc dạy học và tham gia các giải đấu, đôi lúc làm tôi mất phương hướng. Quả thực, nếu thiếu tình yêu thể thao và lòng yêu nghề, có lẽ tôi khó có thể tiếp tục hành trình đến hôm nay”, anh Duẩn cho biết.

Mỗi năm, các trọng tài có chuyên môn cao sẽ được điều động đi tập huấn dài kỳ, số lượng giải đấu tham dự cũng tăng dần. Tuy nhiên, những người làm trong nghề này vẫn nói vui với nhau rằng nghề “cầm cân" sân cỏ không chỉ nay đây mai đó mà còn bấp bênh tới mức “đến hẹn nhưng chưa chắc đã được gọi tên”. Sức ép về chuyên môn rồi chuyện cơm áo gạo tiền, thậm chí cả những mối quan hệ phức tạp trong bóng đá… luôn đè nặng khiến không ít người phải bỏ dở sự nghiệp. Họ chọn những con đường khác với thu nhập ổn định và ít căng thẳng hơn. Với những trọng tài còn trụ nghề, trong khoảng thời gian nghỉ giải, đa phần sẽ đi “bắt phủi”, vừa kiếm thêm thu nhập, vừa để rèn luyện bản thân. 

Để bảo đảm thể lực cho các giải đấu, mỗi ngày anh Duẩn đều dành thời gian để tập thể dục 2 buổi sáng chiều với giáo án cụ thể, vừa rèn luyện sức bền vừa bổ sung tốc độ. Các giải bóng đá đa phần diễn ra vào mùa hè, nền nhiệt cao ảnh hưởng tới thể lực của cả cầu thủ lẫn trọng tài. Cũng vì sự khắc nghiệt ấy mà nhiều trọng tài dù chuyên môn tốt cũng không thể theo nghề. “Rồi câu chuyện ngoại ngữ nữa. Các trận đấu tại V-League có sự xuất hiện của các cầu thủ ngoại quốc nên các trọng tài như tôi phải trang bị vốn ngoại ngữ đủ bảo đảm công việc”, anh Duẩn chia sẻ.

Nói về những lần cầm còi, anh Duẩn kể, từ việc tập luyện cách di chuyển để có được góc quan sát thuận lợi nhất cho tới việc đưa ra phán đoán chính xác, nói thì đơn giản nhưng không thể mắc sai lầm, nhất là với những pha bóng nhanh, có tính chất quan trọng của trận đấu. Ðể cầm còi trọn vẹn 90 phút thi đấu, những “ông vua” sân cỏ phải có tinh thần thép cùng một cái đầu "lạnh”. “Sợ nhất là những pha bóng nhạy cảm đến mức cả trọng tài biên lẫn trọng tài chính đều băn khoăn trong việc thổi phạt. Ngoài sân thì ban huấn luyện rồi cổ động viên la ó, trong sân thì cầu thủ cả 2 đội gây sức ép. Nếu trọng tài không ra quyết định chính xác sẽ rất dễ dẫn đến những vấn đề phát sinh, nguy hiểm nhất là ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả của trận đấu”, anh Duẩn nói thêm.

Dẫu biết nghề “làm dâu trăm họ” chẳng dễ dàng gì, nhưng một khi đã chọn và yêu nghề yêu nghiệp, những trọng tài như anh Nguyễn Viết Duẩn sẵn sàng đánh đổi và chấp nhận thử thách. “Tốt nghiệp tại các trường thể thao rất khó để có một công việc ổn định. Thời gian trôi qua, tôi cảm giác như nghề chọn người vậy. Nhiều khó khăn, lắm gian nan là thế nhưng khi bản thân đã đam mê, quyết tâm theo đuổi thì chẳng có gì không vượt qua được”, anh Duẩn nói thêm.

ÐỖ QUYẾT - HÀ KIÊN