Nhiều nước bức xúc với quy định nhập nông sản của Trung Quốc
Bình luận - Ngày đăng : 15:50, 17/12/2021
Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GAC) hồi đầu tuần thông báo tất cả hàng hóa thực phẩm, trong đó có nông sản, nhập khẩu vào nước này sẽ phải đáp ứng quy định mới về đăng ký, kiểm tra và dán nhãn bắt đầu từ ngày 1.1.2022, bất chấp sự phản đối của hàng loạt quốc gia trên thế giới.
Các quan chức ngoại giao từ nhiều nền kinh tế, trong đó có Mỹ, Anh, Nhật Bản, Australia, Canada, Liên minh châu Âu (EU) và Thụy Sĩ hôm 27.10 gửi thư cho Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Trung Quốc Nghê Nhạc Phong bày tỏ quan ngại và phản đối quy định này. Họ yêu cầu Trung Quốc trì hoãn áp dụng biện pháp trên trong ít nhất 18 tháng để tránh gây thêm gián đoạn cho chuỗi cung ứng toàn cầu.
GAC công bố quy định an toàn thực phẩm mới hồi tháng 4, yêu cầu tất cả cơ sở sản xuất, chế biến và bảo quản thực phẩm ở nước ngoài phải đăng ký với hải quan Trung Quốc trước khi hết năm 2021. Quy định này ảnh hưởng đến rất nhiều mặt hàng xuất khẩu đến Trung Quốc, từ hoa quả, sữa ong chúa tới dầu thực vật và đồ ăn dặm trẻ em.
Tuy nhiên, hướng dẫn chi tiết về quy trình lấy mã đăng ký theo quy định mới chỉ được GAC ban hành vào tháng 10. Trang web để các công ty nước ngoài tự đăng ký mới đi vào hoạt động từ tháng 11, một tháng trước hạn chót.
Các nhà ngoại giao châu Âu, Mỹ, Canada, Australia và Nhật Bản cho rằng Trung Quốc không đưa ra những hướng dẫn rõ ràng về cách thực hiện quy định mới. Họ lo ngại nguy cơ hàng hóa bị ùn ứ, đình trệ vào phút chót, gây phức tạp thêm cho chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đã đứt gãy vì Covid-19.
"Chúng tôi đang nguy cơ gặp gián đoạn lớn sau ngày 1.1.2022", một quan chức ngoại giao châu Âu đang hỗ trợ các doanh nghiệp thực phẩm tuân thủ quy tắc mới của Trung Quốc cho biết.
Nhập khẩu thực phẩm của Trung Quốc tăng mạnh trong những năm gần đây, khi nhu cầu của giới trung lưu nước này ngày càng tăng. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, Trung Quốc nhập lượng thực phẩm trị giá 89 tỷ USD trong năm 2019, đưa nước này trở thành nhà nhập khẩu thực phẩm lớn thứ 6 thế giới.
Trung Quốc áp các quy định mới về nhập khẩu trong nhiều năm, khiến các doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm vào nước này phản đối. GAC gần như không giải thích lý do tất cả mặt hàng thực phẩm, trong đó những loại có nguy cơ thấp như rượu vang, bột mì và dầu ô liu, bị áp quy tắc quản lý mới.
Các chuyên gia cho rằng đây là nỗ lực nhằm giám sát tốt hơn lượng lớn thực phẩm nhập khẩu vào Trung Quốc, đồng thời đặt trách nhiệm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho nhà sản xuất, thay vì cơ quan quản lý nước này.
GAC cho biết "đã cân nhắc đầy đủ, tích cực chấp nhận các đề xuất hợp lý" và tuân thủ nghiêm ngặt các thỏa thuận của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đồng thời khẳng định đã trả lời thắc mắc của các doanh nghiệp.
Cố vấn nông nghiệp của phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Trung Quốc Damien Plan cho biết EU đã gửi 4 thư cho hải quan Trung Quốc trong năm nay, đề nghị làm rõ hơn yêu cầu đăng ký và cho các doanh nghiệp thêm thời gian để thực hiện.
GAC tuần trước đồng ý chỉ áp quy định với hàng hóa được sản xuất từ ngày 1.1.2022 trở đi, Plan cho biết. Tuy nhiên, hải quan Trung Quốc chưa đăng thông cáo chính thức về quyết định này trên website.
Một số quan chức ngoại giao cho rằng quy định của Trung Quốc là một biện pháp "dựng rào cản" đối với hàng hóa nước ngoài.
"Chúng tôi chưa thấy bất cứ quy định nào khắt khe đến thế từ Trung Quốc", Andy Anderson, giám đốc điều hành của Hiệp hội Thương mại Nông nghiệp miền Tây nước Mỹ chuyên thúc đẩy xuất khẩu thực phẩm của nước này. "Các quy tắc đó là hàng rào thương mại phi thuế quan".
Thực phẩm, đặc biệt là hàng ướp lạnh và đông lạnh, đã đối mặt với tình trạng thông quan chậm trễ tại Trung Quốc trong năm 2020 do các biện pháp kiểm tra và khử khuẩn nhằm ngăn nCoV lây lan.
Thực phẩm gồm hạt cà phê chưa rang xay, dầu ăn, ngũ cốc và các loại hạt đã xay xát nằm trong 14 danh mục sản phẩm nguy cơ cao được hải quan Trung Quốc yêu cầu phải đăng ký với cơ quan quản lý của nước xuất khẩu.
Các cơ sở sản xuất thực phẩm có nguy cơ thấp có thể tự đăng ký trên một trang web hoạt động từ tháng 11. Tuy nhiên, quá trình đăng ký trực tuyến gặp nhiều trục trặc.
"Phiên bản tiếng Trung của trang đang hoạt động, còn phiên bản tiếng Anh đang được thử nghiệm", Li Xiang, Giám đốc phát triển kinh doanh tại công ty Dịch vụ Quy định và Kiểm tra Hóa chất (CIRS) châu Âu, chuyên hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm thực hiện quy định của giới chức Trung Quốc, cho biết.
Hiện chưa rõ Trung Quốc sẽ xử lý thế nào với những hàng hóa tới nước này mà chưa có mã đăng ký bắt buộc được dán trên bao bì.
Theo VnExpress