Xe hàng ùn ứ ở các cửa khẩu Lạng Sơn: Nông sản hỏng, phải đổ bỏ hàng loạt

Kinh tế - Ngày đăng : 11:10, 18/12/2021

Hoạt động thông quan bị đóng băng khiến hàng nghìn container chở nông sản bị ùn ứ tại các cửa khẩu ở Lạng Sơn, nhiều tài xế phải đổ bỏ hoặc xả bán với giá rẻ.

Ngày 17.12, ông Nguyễn Bảo Ngọc, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Chi Ma (Cục Hải quan Lạng Sơn) cho biết, hiện hơn 700 xe hàng vẫn đang bị mắc kẹt tại cửa khẩu Chi Ma gần 10 ngày nay và chưa thể thông quan.

“Hiện tại, cửa khẩu Chi Ma không thông quan cho bất kỳ xe nào. Chi cục Hải quan Chi Ma cũng chưa nhận được thông báo nào từ phía nước bạn về việc bao giờ có thể thông quan trở lại. Các đơn vị, chính quyền tỉnh Lạng Sơn đã có nhiều tác động, hội đàm với nước bạn và đang chờ thông báo chính thức”, ông Ngọc thông tin.

Hơn 700 xe hàng đang bị mắc kẹt tại cửa khẩu Chi Ma đợi thông quan.

Theo thông tin từ Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn, từ ngày 8.12.2021, phía Trung Quốc đã tạm dừng hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua cặp cửa khẩu Chi Ma - Ái Điểm do nghi ngờ 3 ca mắc COVID-19 tại trấn Ái Điểm.

Lãnh đạo Chi cục Hải quan Chi Ma cũng cho biết thêm tại cửa khẩu Chi Ma chủ yếu hàng hóa xuất khẩu là mặt hàng khô nên may mắn chất lượng hàng hóa không bị ảnh hưởng nhiều.

Không được may mắn như thế, tại cửa khẩu Tân Thanh, do đặc thù các xe hàng chủ yếu chở nông sản nên việc tắc nghẽn đã khiến nhiều xe hàng hóa ở đây bị hư hỏng, không còn đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. 

Bà Đào Thu Lan, Chi cục Trưởng Chi cục Hải quan Tân Thanh cho biết, nhiều tài xế đã phải đổ bỏ hàng hỏng hoặc bán xả với giá rẻ để vớt vát vốn.

Nước bạn đóng cửa, hoạt động thông quan bị đóng băng là nguyên nhân khiến hàng nghìn xe hàng ùn ứ tại các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn

Cũng theo bà Lan, hiện có hàng nghìn xe đang mắc kẹt trong bãi tập kết của cửa khẩu Tân Thanh, tình trạng này đã diễn ra cả tháng nay, chính quyền tỉnh Lạng Sơn đã phải huy động thêm các bãi tập kết trống để có thể sắp xếp cho các xe hàng nằm chờ.

“Chưa thể thống kê được có khoảng bao nhiêu xe hàng ùn tắc, tình trạng này kéo dài từ Đồng Đăng lên và tràn qua các cửa khẩu khác chứ không chỉ riêng Tân Thanh”, bà Lan nói.

Việc xe ùn ứ nằm chờ khiến chi phí tăng cao và chất lượng hàng hóa bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Còn riêng cửa khẩu Cốc Nam, hoạt động thông quan hàng hóa đã bị dừng từ tháng 5.2021, tuy nhiên những ngày gần đây, hàng trăm xe hàng vẫn kéo nhau về tập kết tại khu vực cửa khẩu này để chờ được thông quan.

Ông Trần Hùng, Chi cục Trưởng Chi cục Hải quan Cốc Nam cho biết, nhiều tháng nay bên nước bạn thông báo đóng cửa khẩu mà không rõ nguyên nhân, cũng không cho biết đến giờ có thể hoạt động lại. Vì thế mọi hoạt động tại cửa khẩu này hoàn toàn bị đóng băng. Những ngày gần đây, do lượng xe hàng ùn tắc tại các cửa khẩu khác quá lớn nên bãi đỗ xe tại cửa khẩu Cốc Nam cũng chật kín xe hàng nằm chờ.

Hàng trăm xe hàng nằm chờ ở khu vực cửa khẩu Cốc Nam.

Hiện tại, trong tất cả các cửa khẩu dọc biên giới Lạng Sơn, chỉ duy nhất cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị vẫn có thể thông quan hàng hóa, tuy nhiên số lượng xe được thông quan cũng ít hơn thường ngày rất nhiều. “Cửa khẩu Hữu Nghị chưa bao giờ bị dừng thông quan. Nhưng so với trước đây, mỗi ngày có thể thông quan hàng trăm xe thì bây giờ chỉ có thể thông quan được từ 70 đến 80 xe. Bên cạnh đó, các cửa khẩu khác bị tạm dừng nên xe cũng đổ về Hữu Nghị. Do đó, số lượng xe cũng ùn ứ tại đây rất nhiều”, lãnh đạo Chi cục Hải quan Hữu Nghị thông tin.

Được biết, ngày (14.12), chính quyền tỉnh Lạng Sơn đã điện đàm với phía Trung Quốc, đề xuất một số giải pháp để tăng thông quan cho các hàng hóa, nhất là nông sản...

Thông tin với báo chí, ông Đinh Kỳ Giang, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn, cho biết, ngày 15.12, Trung Quốc thông báo dừng thông quan tại cửa khẩu Tân Thanh và Hữu Nghị mới nguyên nhân do "lỗi kỹ thuật". Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn đang theo dõi sát tình hình và cập nhật thông báo mở lại thông quan từ phía Trung Quốc.

Theo ông Giang, tình trạng dừng thông quan chở hàng sang Trung Quốc vẫn thỉnh thoảng xảy ra. Ở những lần trước thường dừng vài tiếng, nửa ngày hoặc 2-3 ngày là việc xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Trung Quốc sẽ trở lại bình thường. Lần này, ông dự đoán cũng tương tự.

Trước đó, Bộ Nông nghiệp Việt Nam cũng đã làm việc trực tiếp với Hải quan Trung Quốc nhưng nước bạn cho biết, tình hình kiểm soát hàng hóa liên quan tới dịch bệnh là quy định chung cần phải thực hiện. Tổng cục Hải quan Trung Quốc cũng kiến nghị 2 bên sớm ký kết nghị định thư về kiểm dịch thực vật đối với 8 loại hoa quả còn lại để giảm bớt các thủ tục kiểm tra, kiểm soát tại các cửa khẩu.

Ngoài việc hạn chế đưa hàng lên cửa khẩu, việc chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch và xây dựng các kho lạnh bảo quản hàng nông sản gần cửa khẩu là giải pháp được Bộ Công Thương khuyến cáo lúc này. Theo Bộ Công Thương, việc đưa hàng hóa lên cửa khẩu lúc này là tiềm ẩn rất nhiều rủi ro khi chưa biết bao giờ nước bạn mới mở cửa để việc thông quan hàng hóa được hoạt động trở lại. Việc nằm chờ sẽ khiến chi phí tăng cao và ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa xuất khẩu.

Theo VTC New