Mục tiêu tối thượng chương trình vũ khí siêu thanh của Nhật Bản

Tin tức - Ngày đăng : 06:00, 25/12/2021

Nhật Bản đã có kế hoạch trang bị hai loại vũ khí siêu thanh là Tên lửa Hành trình Siêu thanh(HCM) và Đạn trượt Siêu tốc (HVGP), bên cạnh dự án phát triển máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ sáu nội địa.

Chú thích ảnh
Nhật Bản đang hướng tới phát triển quốc phòng bản địa hơn bao gồm vũ khí siêu thanh

Nhật Bản đã công bố kế hoạch phát triển vũ khí siêu thanh của riêng mình vào tháng 3/2020, gia nhập câu lạc bộ các quốc gia sở hữu công nghệ này, gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Australia, Pháp, Đức và Triều Tiên. 

Kế hoạch trên mang ý nghĩa chiến lược mới trong bối cảnh Tokyo có thể sửa đổi hiến pháp hòa bình của mình để cho phép tăng cường khả năng tấn công quân sự.

Cụ thể, Tokyo đã có kế hoạch trang bị hai loại vũ khí siêu thanh là Tên lửa Hành trình Siêu thanh (HCM) và Đạn trượt Siêu tốc (HVGP). HCM hoạt động giống như một tên lửa hành trình thông thường và có thể được trang bị một đầu đạn xuyên giáp được thiết kế để xuyên thủng boong tàu sân bay hoặc một đầu đạn xuyên phá nổ (EFP) để tấn công trên bộ.

Trong khi đó, HVGP sử dụng động cơ tên lửa nhiên liệu rắn để đẩy đầu đạn lên độ cao nhất đinh trước khi tách ra, nơi nó có thể lướt tới mục tiêu ở tốc độ siêu thanh. Nó cũng có thể được trang bị nhiều đầu đạn EFP cho các cuộc tấn công tầm khu vực.

Hơn nữa, vào tháng 12.2020, Nhật Bản cũng tiết lộ kế hoạch sản xuất máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ sáu nội địa, được đặt tên là F-X. Tokyo dự tính sản xuất khoảng 90 máy bay phản lực với chi phí dự án là 48 tỷ USD. Tập đoàn Mitsubishi Heavy Industries đã được chỉ định là nhà thầu chính, với nhà thầu quốc phòng Lockheed Martin của Mỹ cung cấp hỗ trợ công nghệ. Các công ty Nhật Bản khác như IHI Corporation, Subaru và Fujitsu cũng tham gia vào dự án.

FX sẽ trang bị công nghệ điều khiển từ xa bằng máy bay không người lái; một radar hai mục đích có thể được sử dụng làm vũ khí vi sóng; mũ bảo hiểm có gắn màn hình thực tế ảo; khả năng trao đổi dữ liệu cảm biến với lực lượng Mỹ và Nhật Bản. Máy bay này được tối ưu hóa cho các sứ mạng trên không trong khi vẫn có khả năng thực hiện các vai trò không đối đất và chống hạm.

Chú thích ảnh
F-X là tàng hình cơ thế hệ thứ 6 và là máy bay chiến đấu tàng hình đầu tiên được phát triển nội địa Nhật

Chương trình vũ khí siêu thanh của Nhật Bản được nhắm mục đích tăng cường năng lực phòng vệ. Ngoài ra, máy bay F-X được thiết kế để đối trọng với các máy bay chiến đấu tàng hình J-20 và J-XY của Trung Quốc, hay Su-57 và Checkmate của Nga.

Bản chất thiết kế của máy bay chiến đấu tàng hình và vũ khí siêu thanh để xâm nhập vào vùng lãnh thổ được bảo vệ của đối phương. Điều đó đi ngược lại chính sách phòng thủ theo chủ nghĩa hòa bình của Nhật Bản kể từ sau Thế chiến thứ II, vốn hạn chế khả năng quân sự tấn công của quốc gia này. Do đó, những kế hoạch phát triển nói trên có thể được hiểu là một phần trong nỗ lực của Nhật Bản nhằm đạt được sự độc lập chiến lược về quốc phòng.

Để đạt được điều này, Nhật Bản đặt mục tiêu tháo gỡ những hạn chế nội tại về quốc phòng và an ninh, phát triển khả năng tấn công quân sự và thúc đẩy ngoại giao khu vực đa phương để hình thành mạng lưới các đối tác khác bên ngoài liên minh Mỹ-Nhật. Những thay đổi mà Nhật Bản tìm kiếm không nhằm thay đổi những hạn chế ở cấp chiến lược mà tập trung vào cấp chiến thuật.

Chương trình vũ khí siêu thanh sẽ tăng cường vị thế năng lượng hạt nhân tiềm ẩn của Nhật Bản như một giải pháp tránh phụ thuộc vào Mỹ trong răn đe chiến lược. Mặc dù Tokyo đã từ bỏ vũ khí hạt nhân, nước này có các nguồn lực, công nghệ và kỹ năng để lắp ráp những vũ khí đó trong thời gian ngắn.

Do đó, Nhật Bản có thể gắn đầu đạn hạt nhân trên vũ khí siêu thanh để thực hiện nhiệm vụ răn đe hạt nhân của riêng mình, nếu vì bất cứ lý do gì mà nước này quyết định rằng những đảm bảo an ninh của Mỹ là không đủ hoặc không cần thiết.

Những lợi ích kinh tế và an ninh mà Nhật Bản hiện nhận được từ đồng minh Mỹ là những lập luận chắc chắn chống lại việc sở hữu vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, trang Asiatimes cho rằng, chủ nghĩa dân tộc gia tăng và các mối đe dọa ngày càng tăng từ các cường quốc Đông Bắc Á khác cuối cùng có thể thúc đẩy Nhật Bản hướng tới lựa chọn hạt nhân.

Nhật Bản cũng có thể lựa chọn đường hướng xuất khẩu vũ khí siêu thanh và máy bay chiến đấu tàng hình để hình thành mạng lưới hậu cần quốc phòng với chính họ là trung tâm, như một phần trong chính sách ngoại giao đa phương của nước này.

Chú thích ảnh
Khinh hạm lớp Mogami 30FFM của Nhật Bản

Theo hướng đó, vào ngày 30.3.2021, Nhật Bản và Indonesia đã ký một thỏa thuận quốc phòng tập trung vào chuyển giao vũ khí và hợp tác công nghiệp quốc phòng. Một dự án chung tiềm năng theo thỏa thuận này là chế tạo khinh hạm lớp Mogami 30FFM của Nhật Bản, mà Indonesia cũng có kế hoạch vận hành.

Đồng thời, Nhật Bản có thể hợp tác chế tạo máy bay chiến đấu tàng hình F-X như một giải pháp thay thế cho mối quan hệ đối tác đang gặp khó khăn về tài chính giữa Indonesia với Hàn Quốc liên quan đến máy bay chiến đấu tàng hình KF-21 Boramae.

Ngoài Indonesia, Nhật Bản cũng có thể mở rộng hợp tác cung cấp tàng hình cơ F-X cho các nước khác đang tìm kiếm loại máy bay này, đặc biệt là Ấn Độ, quốc gia mới bắt đầu chương trình máy bay chiến đấu tàng hình của riêng mình.

Theo Báo Tin tức