Se sẽ tình người chốn phồn hoa
Dành cho người yêu thơ - Ngày đăng : 14:48, 26/12/2021
Hà Nội chiều đông về TIÊU HÀ MINH |
"Hà Nội chiều đông" về với 4 khổ, không có một câu thơ nào diễn tả nỗi nhớ Hà Nội mà dường như chỉ là quan sát bằng trực quan, nhưng nỗi nhớ cứ tràn vào âm thanh khi ta đọc. Ngỡ như sự giận dỗi hay trách cứ của người con gái đang yêu. "Hà Nội không tôi vẫn chật vỉa hè/ Vạn vết chân sau vẫn chồng lên vết cũ/ Những chàng xe ôm nằm dài thiu thiu ngủ/ Thêm đoạn đường giờ cao điểm xe qua". Không phải trách mà đó chính là bằng phương pháp nghệ thuật phản chứng được nhà thơ sử dụng. Ta có thể hiểu rằng, Hà Nội thật rộng lòng bao dung và nhân hậu. Vòng tay ôm hết thảy, chấp nhận hết thảy những thân phận, số phận. Mời gọi tất cả, mời ngồi tất cả. Dẫu không còn chỗ trên tầng cao thì ngồi ở vỉa hè. Hà Nội thương yêu tất cả, chấp nhận tất cả. Những đớn đau và cả những hào hoa phong nhã...
Đông về Hà Nội vẫn không lạnh lẽo hay heo hút ảm đạm. Hà Nội vẫn luôn nâng niu từ những giấc ngủ vội vàng của người lái xe ôm hay em bé đánh giầy, vẫn là nơi khao khát của bao người xa quê mong muốn trở về. Hà Nội vẫn là ao ước của những người dân nơi quê nghèo mong được một lần đặt chân tới, được dạo trên đường Thanh Niên, được vòng quanh bờ hồ Hoàn Kiếm. Mong bất chợt một cụ rùa nổi lên. Những nam thanh nữ tú nơi xa vẫn ước mơ được chụp ảnh bên bờ hồ cùng với nhành lá liễu mềm mại.
"Hà Nội không tôi vẫn náo nức phồn hoa/ Với tiếng rao đêm cồn cào bánh mì, bánh khúc”. Không phải đói mà tiếng rao bánh mì, bánh khúc lại cồn cào trong lòng. Cái buồn, cái vui, cái ngon từ những nét văn hóa ẩm thực trong câu thơ dựng dậy một nét vẽ Hà Nội thân tình và gần gũi với bản sắc Việt Nam. Ẩm thực Hà Nội vẫn nổi tiếng với cốm làng Vòng hay phở Tràng Tiền. Hoặc chỉ nhấm một ngọn rau húng đất Láng để thấy hương thơm đặc biệt của loài rau này khi được trồng ở nơi ngàn năm văn hiến.
Hà Nội gần mà xa, cao mà thấp. Có nơi còn nghèo hơn cả nông thôn? Câu thơ mở ra, đóng vào khéo léo như một tâm tình chia sẻ: "Những con phố nghèo ngõ sâu hun hút/ Một tà áo dài gợi lại nét Tràng An".
Song ở một khía cạnh khác, Hà Nội đang vươn lên, đang đổi thay mà vẫn còn đó sắc thái văn hiến ngàn đời. Nét buồn của Hà Nội là phong cách của cố đô trầm mặc trước những ồn ào hối hả để tác giả lắng lòng mình vào những câu thơ của tâm sự riêng tư. Hà Nội những con đường ô bàn cờ, đi lạc mà không thể lạc. Vì đâu rồi cũng hướng về Ba Đình. Dẫu lạc ở đường nào cũng có lối về bờ hồ Hoàn Kiếm hay về Cửa Nam, Cửa Đông…
"Hà Nội không tôi nhiều người vẫn làm thơ/ Vẫn cây lộc vừng bờ hồ người săn ảnh/ Nhưng hôm nay vắng ai.../ Hà Nội như thiếu chút vàng của nắng". Mùa đông ít nắng hơn nên ít màu vàng hơn. Nhưng dường như tác giả không cố tình nói rõ điều này mà thả câu thơ bâng khuâng như mây bảng lảng cõi lòng mình đến một bóng hồng nào đó ở nỗi nhớ riêng...
Hà Nội là nơi cho rất nhiều kiệt tác thơ văn ra đời. Những tác phẩm điện ảnh vẫn còn mãi vang vọng để rồi tác giả thiết tha với tiếng gọi thân thương: "Chiều đông về se sẽ Hà Nội ơi". Có thể là ao ước riêng tư của nhà thơ Tiêu Hà Minh trong câu kết. Mùa đông hãy đến chậm thôi để ta, bạn ta và người ta yêu mãi đi bên nhau trong cái lạnh se sẽ giữa chốn phồn hoa!
NGUYỄN KHẮC HIỀN