Hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ số
Khoa học - Công nghệ - Ngày đăng : 11:02, 01/01/2022
Các ngành như y tế, bảo hiểm xã hội, giáo dục, nông nghiệp đã ưu tiên nguồn lực để triển khai cung cấp dịch vụ số
Cầm tay chỉ việc
Những ngày tháng 12, Bộ phận "một cửa" huyện Nam Sách có số lượng lớn người dân đến giao dịch. Công tác giải quyết thủ tục cho nhân dân diễn ra nhanh gọn. Ông Lê Văn Trung (52 tuổi) ở thôn Tè, xã Hợp Tiến (Nam Sách) đến làm thủ tục đăng ký thế chấp đất để vay tiền của ngân hàng. Đến lượt, ông Trung vào đăng ký giải quyết thủ tục trực tuyến và xuất trình bản gốc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để cán bộ tiếp nhận hồ sơ đối chiếu.
"Đến đây tôi chỉ khai báo một số thông tin cá nhân cần thiết và nộp bản chính các loại giấy tờ liên quan để đối chiếu. Từ khi đến lượt vào làm đến khi nhận được tin nhắn trên điện thoại di động báo hoàn tất các thủ tục, tôi chỉ mất 10 phút", ông Trung vui vẻ nói.
Cũng giống như ông Trung, những người dân đăng ký giải quyết thủ tục tại đây đều được cán bộ hướng dẫn tận tình việc đăng nhập, khai báo thông tin vào phần mềm, cũng như giao nộp hồ sơ, giấy tờ gốc để kiểm tra.
Hiện nay, ngành bảo hiểm xã hội có gần 99% số hồ sơ, thủ tục được giải quyết trực tuyến, cao nhất trong các ngành, lĩnh vực. Nhiều loại thủ tục người dân thường xuyên thực hiện như cấp, đổi thẻ bảo hiểm y tế, báo mất sổ bảo hiểm xã hội, thay đổi hình thức nhận lương hưu, giám sát các chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý thông tin bảo hiểm y tế, giải quyết chế độ ốm đau, thai sản... Để người dân nhanh chóng tiếp cận, sử dụng được các dịch vụ số, ngành đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, thậm chí là cầm tay chỉ việc.
Vừa qua, chị Phạm Thị Nhung ở xã Đại Đức (Kim Thành) đến bộ phận "một cửa" huyện Kim Thành làm thủ tục nhận hỗ trợ chế độ cho người lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 theo Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Khi đến làm thủ tục, chị Nhung được cán bộ tiếp nhận hồ sơ của Bảo hiểm Xã hội huyện Kim Thành hướng dẫn cài đặt ứng dụng VssID trên điện thoại thông minh và khai một số thông tin cá nhân, số tài khoản nhận tiền. Hôm sau qua tài khoản, chị Nhung đã nhận đầy đủ số tiền hỗ trợ theo quy định.
Thời gian qua, các địa phương quan tâm tuyên truyền, hướng dẫn để người dân nhanh chóng làm quen với các dịch vụ số. Đồng chí Trần Tiến Quân, Phó Chủ tịch UBND phường Tứ Minh (TP Hải Dương) cho biết phường thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn người dân qua hệ thống đài truyền thanh, các nhóm Zalo, các hội, đoàn thể về cách sử dụng dịch vụ số. Người dân chưa cài đặt các phần mềm đều được hướng dẫn hoặc cài đặt hộ. Do đó, tỷ lệ hồ sơ, thủ tục khai báo, giải quyết trực tuyến của người dân từng bước cao lên.
Ông Lê Văn Trung ở xã Hợp Tiến (Nam Sách) nhận tin báo của hệ thống vào điện thoại thông minh là thủ tục đã được chấp nhận sau ít phút đến làm việc với cơ quan chức năng
Nhiều tiện lợi
Năm 2021, tỉnh ta tập trung nguồn lực triển khai Đề án "Xây dựng Chính quyền điện tử và Đô thị thông minh tỉnh Hải Dương giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030". Theo đó, tỉnh ta tập trung phát triển Cổng dịch vụ công trực tuyến, đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Trong năm, toàn tỉnh cung cấp 1.903 dịch vụ công, trong đó 376 thủ tục hành chính có thể giải quyết theo mức độ 4, chiếm 19,75%.
Một số ngành như y tế, bảo hiểm xã hội, giáo dục, nông nghiệp đã ưu tiên nguồn lực để triển khai cung cấp dịch vụ số, mang lại nhiều tiện lợi cho người dân, doanh nghiệp. Ngoài việc giảm thời gian, công sức, chi phí đi lại, sử dụng các dịch vụ số còn góp phần thúc đẩy hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh cho người dân. Trong thời gian qua, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều người dân sử dụng dịch vụ số đã góp phần bảo đảm an toàn cho bản thân và cán bộ tiếp nhận hồ sơ. Việc ứng dụng công nghệ số giúp các hộ nông dân tiêu thụ nông sản theo cách mới, hiệu quả và bền vững hơn. Tỉnh hiện có 86.278 hộ sản xuất nông nghiệp, 276 sản phẩm nông nghiệp được đưa lên sàn thương mại điện tử.
Theo lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông, để nâng cao hiệu quả trong cung cấp và sử dụng các dịch vụ số, sở đã phối hợp triển khai tốt việc giải quyết các thủ tục hành chính qua hệ thống "một cửa" điện tử, dịch vụ công trực tuyến. Ngành nâng cao chất lượng Cổng thông tin điện tử của tỉnh và các trang thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước. Cổng thông tin, các fanpage, Zalo hỗ trợ doanh nghiệp, người dân được quan tâm triển khai để cung cấp thông tin kịp thời, chính xác. Ngành cũng phối hợp thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội để quảng bá, hướng dẫn các ứng dụng, dịch vụ chuyển đổi số cho người dân, doanh nghiệp.
Thời gian tới, Hải Dương sẽ ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, các ứng dụng nền tảng phục vụ cho phát triển chính quyền điện tử và đô thị thông minh. Tập trung phát triển hạ tầng bưu chính, viễn thông, chuyển dịch sang hạ tầng ICT là nền tảng cho chuyển đổi số; triển khai băng thông rộng chất lượng cao, phủ sóng 4G, 5G tới tất cả các thôn, khu dân cư, cơ quan, đơn vị. Các cấp, ngành xây dựng, phát triển, liên thông đồng bộ hạ tầng dữ liệu qua nền tảng tích hợp và chia sẻ dùng chung của tỉnh, của quốc gia...
DANH TRUNG