Nhìn xa, trông rộng

Góc nhìn - Ngày đăng : 11:00, 02/01/2022

Nhà nông Hải Dương đừng làm theo phong trào mà cần có sự quan sát và dự tính trồng loại cây nào, nuôi con gì, bảo đảm cân đối cung-cầu, không rơi vào tình trạng được mùa mất giá.

Những ngày gần đây, nhiều người dân Hải Dương thường nói vui với nhau rằng từ nhà ra ngõ đâu đâu cũng thấy mít. Nguyên nhân do những quả mít giống Thái từ các tỉnh phía Nam không qua được cửa khẩu sang Trung Quốc lần lượt được các thương lái mang trở về tiêu thụ trong nước.

Không ít người băn khoăn vì sao nông sản ùn ứ tại cửa khẩu nhiều như vậy mà các đoàn xe vận chuyển mặt hàng này vẫn cứ ùn ùn về đó. Nguyên nhân do xe hàng nào đủ điều kiện kiểm soát xuất khẩu được sang Trung Quốc lúc này sẽ được các thương lái, doanh nghiệp bên đó trả với giá cao vì họ đang trong giai đoạn khan hàng.

Đây không phải lần đầu xảy ra tình trạng “dồn toa” của hàng loạt nông sản Việt tại cửa khẩu Lạng Sơn. Năm trước, hàng nghìn tấn dưa hấu, xoài, thanh long đã rơi vào tình cảnh tương tự. Nguyên nhân không chỉ do phía Trung Quốc kiểm soát gắt gao để phòng tránh dịch Covid-19 mà còn do họ ngày càng có yêu cầu cao hơn về chất lượng nông sản. Đơn cử như từ đầu năm 2021 đến nay, phía Trung Quốc đã có hơn 40 lần gửi thông báo có những yêu cầu mới về kiểm soát an toàn thực phẩm và kiểm dịch động vật, thực vật đối với mặt hàng nông sản của Việt Nam. Kết quả là hàng nghìn container bị tắc tại cửa khẩu do nhiều chỉ tiêu của nông sản Việt khi xuất sang Trung Quốc trong quá trình kiểm tra không đạt yêu cầu, gây ra sự chậm trễ trong thông quan.

Trông người lại nghĩ đến ta, Hải Dương cũng là địa phương có nhiều nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc. Nhiều loại rau vụ đông của tỉnh, sắp tới là vụ vải thiều, sản lượng xuất khẩu sang thị trường này cũng không nhỏ. Do đó, nếu không chủ động tìm giải pháp tháo gỡ sẽ lại rơi vào thế bí, khiến nông sản phải đổ bỏ hoặc bán tháo với giá rẻ khi không xuất được sang Trung Quốc. Để làm được điều này đòi hỏi từ nông dân, tiểu thương cho đến cơ quan quản lý, ngành nông nghiệp cần nhìn xa, trông rộng. Sản xuất ra nông sản mà thị trường có nhu cầu. Những thông tin phân tích, dự báo của các cơ quan chuyên môn rất cần thiết để nông dân chủ động điều tiết sản xuất. Nhà nông đừng làm theo phong trào mà cần có sự quan sát và dự tính trồng loại cây nào, nuôi con gì bảo đảm cân đối cung-cầu, không rơi vào tình trạng được mùa mất giá. Những yêu cầu về chất lượng nông sản của các nước cũng phải nắm rõ. 

Điều quan trọng hơn cả là nâng cao chất lượng nông sản. Hải Dương là vựa nông sản lớn của các tỉnh phía Bắc, điều kiện đất đai thuận lợi để phát triển nông nghiệp. Ngoài tạo ra những nông sản ngon còn cần chú trọng sản xuất an toàn để xuất khẩu thuận lợi. Sản xuất nông sản an toàn, chất lượng, nông dân Hải Dương không lo bị phụ thuộc vào Trung Quốc mà hoàn toàn có thể xuất sang những thị trường khác cũng có nhu cầu lớn, thậm chí giá trị còn cao hơn như Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu…

Thời gian qua, nhiều nơi trong tỉnh đã xuất hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, GlobalGAP. Đây là xu hướng tất yếu bởi thế giới đang có nhu cầu rất lớn về nông sản an toàn. Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy là nhiều nông dân sản xuất theo hướng này vẫn tự tìm thị trường, tự học cách sản xuất... Do đó, thời gian tới ngoài hỗ trợ nhà màng, nhà lưới, hệ thống canh tác hiện đại, ngành nông nghiệp, công thương cần giúp sức nhiều hơn cho nông dân trong khâu sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch.

Năm nay, mặc dù Hải Dương bị ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19 nhưng nông nghiệp của tỉnh vẫn tiếp tục tăng trưởng ấn tượng. Giá trị sản xuất của ngành ước đạt 20.717 tỷ đồng, tăng 6,9% so với năm 2020 và đứng thứ hai cả nước. Kết quả đó là động lực để tỉnh ta tiếp tục nhìn xa trông rộng, tạo điều kiện để nông nghiệp tiếp tục là trụ cột vững chắc của nền kinh tế.

HOÀNG ANH