​Đừng để hàng giả, hàng cấm lộng hành

Bạn đọc viết - Ngày đăng : 09:26, 03/01/2022

Người tiêu dùng cần nêu cao tinh thần cảnh giác, đấu tranh với hàng giả, hàng lậu, hàng cấm, tuyệt đối không ham rẻ, không tham gia mua bán hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Bước vào tháng cuối cùng của năm âm lịch cũng là thời điểm hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa sôi động hơn bao giờ hết, nhất là những mặt hàng phục vụ tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán như quần áo, giày dép, thực phẩm, đồ uống… Lợi dụng nhu cầu tiêu dùng tăng cao, các đối tượng buôn bán, làm hàng giả, hàng cấm cũng gia tăng hoạt động. 

Sáng 24.12.2021, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã tổ chức tiêu hủy các loại hàng hóa vi phạm hành chính với tổng trị giá hơn 2,2 tỷ đồng. Số hàng bị tiêu hủy đều là hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng… bị tịch thu trong thời gian qua với tổng số lượng gần 150.000 sản phẩm. Các loại hàng hóa này rất đa dạng về chủng loại và mẫu mã, nhãn hiệu gồm mỹ phẩm, đồ may mặc, giày dép, các loại thực phẩm, đồ uống... 

Lực lượng công an trong tỉnh cũng liên tục bắt giữ, khởi tố nhiều vụ buôn bán pháo nổ. Gần đây nhất là ngày 30.12.2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hải Dương ra quyết định khởi tố vụ án, tạm giữ 2 đối tượng để điều tra về hành vi tàng trữ, vận chuyển hàng cấm là Nguyễn Văn Cường (sinh năm 1983, trú tại khu 3, phường Bến Tắm, Chí Linh) và Lò Văn Thạch (sinh năm 1993, trú tại xã Tú Nang, huyện Yên Châu, Sơn La). Hai đối tượng này đã mua tổng cộng hơn 20 kg pháo và bị bắt khi đang trên đường vận chuyển. 

Trong năm 2021, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã kiểm tra 581 vụ, xử lý 420 vụ (trong đó 566 vụ việc thuộc thẩm quyền của quản lý thị trường, 15 vụ việc thuộc thẩm quyền UBND tỉnh). Đáng chú ý là lực lượng quản lý thị trường đã xử lý 7 vụ vi phạm kinh doanh hàng cấm, xử phạt 10 triệu đồng; 27 vụ vi phạm kinh doanh hàng nhập lậu, xử phạt 273,9 triệu đồng; 21 vụ vi phạm kinh doanh hàng giả, xử phạt 794 triệu đồng… Riêng đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường trước, trong và sau Tết Tân Sửu 2021 (từ giữa tháng 12.2020 đến cuối tháng 2.2021), Cục Quản lý thị trường tỉnh đã kiểm tra 116 vụ, xử phạt 101 vụ; thu phạt hơn 1,2 tỷ đồng; tịch thu hàng hóa vi phạm trị giá trên 1,1 tỷ đồng, buộc tiêu hủy hàng hóa trị giá gần 67 triệu đồng.

Vì sao bị cấm, truy quét mạnh, nếu bị bắt sẽ tiêu hủy toàn bộ hàng và phải đối mặt với vòng lao lý nhưng tội phạm buôn bán hàng giả, hàng cấm vẫn lộng hành? Nếu những lô hàng giả, hàng cấm này không bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ thì lợi nhuận các đối tượng kiếm được sẽ rất lớn. 

Để đấu tranh hiệu quả với tội phạm buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng nhập lậu… dịp cuối năm, ngay cuối năm 2021, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389) đã ký ban hành Kế hoạch số 119/KH-BCĐ 389 về cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nhâm Dần 2022. Ban Chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu các cơ quan chức năng ở các địa phương chủ động nắm chắc diễn biến tình hình, tăng cường trao đổi, cung cấp thông tin, phối hợp kiểm tra, kiểm soát, bắt giữ, xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; góp phần bảo đảm bình ổn giá, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán.

UBND tỉnh đã có công văn yêu cầu tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá trong dịp cuối năm 2021 và Tết Nguyên đán 2022. Cục Quản lý thị trường tỉnh tăng cường quản lý thị trường, đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại; phối hợp các đơn vị liên quan theo dõi diễn biến giá cả thị trường, cung cầu hàng hoá, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Không chỉ lực lượng chức năng, bản thân người tiêu dùng cũng cần nêu cao tinh thần cảnh giác, đấu tranh với hàng giả, hàng lậu, hàng cấm, tuyệt đối không ham rẻ, không tham gia mua bán hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ mà tiếp tay cho kẻ xấu.

KIM THANH(TP Hải Dương)