Lứa cầu thủ U23 cần được khai quật tài năng
Trong nước - Ngày đăng : 14:05, 06/01/2022
Cần mạnh dạn “canh tân” đội tuyển quốc gia
-Năm 2022 sẽ vô cùng bận rộn đối với bóng đá nước nhà, ông nhìn nhận thế nào về những mục tiêu cũng như thách thức cho năm mới?
-Đầu tiên, cùng nhìn lại một chút về những được mất của bóng đá nước nhà trong năm 2021. Rất nhiều cảm xúc đan xen giữa niềm vui cùng nỗi buồn. Một kỳ AFF Cup không như kỳ vọng, rõ ràng không thể vui. V-League và hệ thống thi đấu chuyên nghiệp phải hủy bỏ cũng rất phiền lòng.
Tuy nhiên, chiến tích đi đến Vòng loại thứ 3 World Cup cũng đủ tự hào. Đội tuyển futsal cũng để lại dư vị ngọt ngào cho người hâm mộ. Nói gì thì nói, tất cả đã phác thảo nên một năm 2021 đáng nhớ với nhiều biến động không ngừng như thế.
Năm mới, rõ ràng bóng đá nước nhà bận rộn với rất nhiều giải đấu cùng nhiều mục tiêu. Vấn đề làm sao để những mục tiêu như thế được hoàn tất trọn vẹn. Dứt khoát phải có thay đổi, cải tổ trên nhiều phương diện. Từ việc nâng cao năng lực quản lý, điều hành của Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF), Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) cho đến mô hình chuyên nghiệp của mỗi câu lạc bộ (CLB). Tiếp đến phải có sự làm mới của đội tuyển quốc gia, kịp thời nâng chất đội U23 Việt Nam cho SEA Games, vòng chung kết U23 châu Á.
Như đã nói ban đầu, dứt khoát đội tuyển Việt Nam phải có thay đổi về cả nhân sự cũng như cách chơi. Một đội tuyển quốc gia mạnh thường được dựa trên 2 yếu tố: Sở hữu lứa cầu thủ chất lượng và tạo ra được tính cạnh tranh cao trong lòng đội tuyển. Bây giờ, đội tuyển Việt Nam chưa thể có thêm được lứa cầu thủ chất lượng để bổ sung thì phải tạo được tính cạnh tranh để có động lực phát triển.
Do đó, thay đổi là điều hiển nhiên lúc này. Thay đổi để những nhân tố mới có được cơ hội, nắm bắt cơ hội thể hiện bản thân mình. Không chỉ thế, từ sự cạnh tranh như thế cũng khơi lại động lực của cầu thủ. Lâu nay, quá ít tính cạnh tranh, vì thế động lực của họ ít nhiều bị triệt tiêu.
Hơn thế, xu thế bóng đá hiện nay, các đội bóng phải biết chơi với nhiều mảng miếng chiến thuật khác nhau. Rất khó để chơi “một màu”. Phải có sự thích ứng, ứng biến tùy theo đối thủ và thời điểm. Vì thế, con người mới sẽ tạo ra được sự đa dạng, tươi mới trong chiến thuật. Bởi chiến thuật nào cũng dựa trên yếu tố con người.
Và tôi cũng nghĩ tới vấn đề thay đổi thế nào không chỉ mỗi mình huấn luyện viên Park Hang Seo là đủ. Rất cần sự chung tay, kết nối và góp sức của cả hệ thống bóng đá nước nhà vào lúc này.
Đào tạo trẻ phải tiếp tục được chăm lo
-Lứa U23 hiện nay đang nhận được nhiều so sánh khác nhau, ông nhìn nhận thế nào thế hệ cầu thủ này cũng như mục tiêu bảo vệ tấm huy chương vàng tại SEA Games 31?
-Từ những so sánh như thế mới thấy những lát cắt đa chiều về công tác đào tạo trẻ hiện nay của bóng đá Việt Nam. Rõ ràng, thành công thời gian qua nhờ vào lứa cầu thủ trẻ chất lượng. Lứa cầu thủ được ra lò ở các trung tâm, địa phương làm công tác đào tạo trẻ truyền thống, uy tín lâu nay.
Nhưng như thế vẫn chưa đủ. Lứa U23 hiện nay chất lượng không cao, lỗi không phải ở cầu thủ. Đào tạo trẻ phải có được mô hình căn cơ, bài bản cùng lộ trình dài hơi. Cần nhiều hơn nữa các trung tâm, lò đào tạo trẻ chứ không chỉ nhỏ lẻ như hiện nay.
Có nghĩa, không phải cứ đào tạo là cho ra lò ngay được sản phẩm chất lượng. Nhưng về cơ bản phải làm thì mới thu về kết quả. Nếu không, mọi thứ sẽ gián đoạn, đứt gãy và không có tính kế cận. Các quốc gia trong khu vực thời gian qua cũng đã có sự phát triển trong công tác đào tạo trẻ. Trên dưới 10 cầu thủ đá chính của đội tuyển quốc gia Indonesia tại AFF Cup 2021 sẽ dự SEA Games 31. Trong khi Lào hay Campuchia cũng bắt đầu gặt hái thành quả trong công tác đào tạo trẻ của mình.
Tôi vẫn cho rằng, chất lượng cầu thủ ở đội U23 Việt Nam bây giờ không phải kém. Họ vẫn có tố chất phát triển hơn nữa. Đồng thời, còn cả cầu thủ tiềm năng trong độ tuổi cần được khai quật. Điều cần nhất, cầu thủ trẻ phải được thi đấu nhiều, cọ xát, tích lũy. Ông Park có đủ thời gian để khỏa lấp thiếu sót, nâng tầm cầu thủ. Hơn thế, để có tấm huy chương vàng SEA Games còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Chẳng hạn SEA Games lùi lại 1 năm, sẽ đá với đội U23 chứ không phải U22, thậm chí có thể đội U23 +3. Do đó, với những bổ sung của cầu thủ trên độ tuổi, đội U23 Việt Nam vẫn chất lượng. Tôi cho rằng đội U23 Việt Nam sẽ có mặt trong trận chung kết SEA Games 31.
-Một năm đáng nhớ của bóng đá nước nhà đã khép lại. Danh hiệu Quả bóng Vàng cũng sắp công bố chủ nhân. Ông sẽ dành lá phiếu của mình cho cá nhân xuất sắc nào?
-Trước hết, chúng ta ghi nhận nỗ lực để duy trì giải thưởng của những nhà tổ chức. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, việc có thể kêu gọi nguồn lực tài trợ để duy trì giải thưởng rất đáng trân trọng. Giải thưởng sẽ là nguồn cổ vũ, động viên to lớn cho cầu thủ sau một năm lao động, cống hiến miệt mài.
Theo tôi, các danh hiệu của giải thưởng Quả bóng Vàng Việt Nam 2021 sẽ chỉ xoay quanh ở nhóm các tuyển thủ đội tuyển quốc gia. Cụ thể hơn đó là những cầu thủ của các CLB Hà Nội, Viettel, Hoàng Anh Gia Lai và Nguyễn Tiến Linh. Đó sẽ là những ứng viên nặng ký nhất.
Với cá nhân mình, tôi sẽ chọn Nguyễn Quang Hải cho danh hiệu Quả bóng Vàng, Nguyễn Hoàng Đức vào vị trí Quả bóng Bạc và Quả bóng Đồng sẽ dành cho Nguyễn Tiến Linh.
Xin được cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Đã đến lúc, V-League phải được “đánh thức” để trở thành giải đấu thật sự chuyên nghiệp, làm nền tảng, tạo ra động lực phát triển. Muốn thế, ít nhất phải thực hiện được 2 tiêu chí sau đây:
Trước hết, VFF và VPF phải có những cải tổ triệt để nhằm nâng cao năng lực quản lý, điều hành của mình. VPF phải hoạt động chuyên nghiệp, thực chất và hiệu quả hơn nữa chứ không chỉ là “cánh tay nối dài” của VFF như lâu nay. Với mô hình Công ty cổ phần, VPF có thể tính đến chuyện thu hút người tài, mời chuyên gia nước ngoài ngồi vào vị trí Tổng Giám đốc hoặc ghế Trưởng giải.
Cùng với đó, cải tổ hệ thống thi đấu chuyên nghiệp trong nước phù hợp theo thông lệ quốc tế, thông lệ Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA). Điều này sẽ giúp bóng đá nước nhà thích ứng trong bối cảnh ngày càng tham gia nhiều các giải đấu quốc tế.
Mỗi CLB phải hoàn thiện đầy đủ các tiêu chí đúng nghĩa theo mô hình chuẩn chỉ của một CLB chuyên nghiệp. Phải đảm bảo được quyền và nghĩa vụ của mình khi tham gia vào mô hình Công ty cổ phần như hiện nay.
VFF, VPF phải kiểm tra, đánh giá, cấp phép nghiêm túc chứ không thể “du di”, xuề xòa như lâu nay. Nếu CLB nào không đáp ứng các tiêu chí theo quy chế bóng đá chuyên nghiệp có thể xuống chơi ở hạng dưới.
Hy vọng mùa giải 2022 phải làm sao để V-League cùng các giải đấu trong phải được tổ chức suôn sẻ. Những gì đã có suốt 2 năm qua đã như bài học đắt giá cho cơ quan quản lý, điều hành bóng đá nước nhà tham khảo. Dứt khoát, năm mới trong bối cảnh sống thích ứng với dịch bệnh, phải làm sao để V-League và các giải đấu được diễn ra.
V-League quá nhiều tiềm năng để phát triển cả chất lẫn lượng, mang lại lợi nhuận lớn. Tiếc rằng chúng ta chưa đánh thức được dù đã bước sang tuổi 22. Hy vọng bóng đá Việt Nam không đi chệch hướng khi 5 năm qua đã lập được nhiều kỳ tích".
Theo Báo Tin tức