Thiếu nước tưới, Cẩm Hưng chuyển sang trồng rau màu

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 08:59, 07/01/2022

Trước những khó khăn về nguồn nước, xã Cẩm Hưng (Cẩm Giàng) đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp cho hiệu quả cao.


Người dân xã Cẩm Hưng trồng bí ngô để hạn chế sử dụng nước tưới

Xác định không thể mãi khắc phục mà phải sống chung với tình trạng thiếu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp nên thời gian qua, xã Cẩm Hưng (Cẩm Giàng) đã linh hoạt chuyển đổi cây trồng phù hợp.

Hơn 360 ha đất nông nghiệp của xã Cẩm Hưng phụ thuộc vào nguồn nước của hệ thống Bắc Hưng Hải. Đây là đặc điểm chung của nhiều địa phương trong huyện nhưng xã Cẩm Hưng đặc thù hơn do bị ảnh hưởng lớn từ hoạt động sản xuất bên phía tỉnh Bắc Ninh. Trạm bơm tưới tiêu Nghĩa Đạo của tỉnh bạn sát vách nên mùa mưa diện tích đất nông nghiệp tại Cẩm Hưng ngập sâu hơn, còn mùa khô thì hạn nặng hơn những nơi khác. Vì thế, sản xuất nông nghiệp tại xã gặp nhiều khó khăn, nhất là thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ hạn hán. Trước thực trạng này, địa phương đã chủ động tìm biện pháp để sẵn sàng canh tác trên những diện tích khô cằn, nâng cao giá trị sản xuất.

Nằm trong nhóm các xã trọng điểm phòng chống hạn của huyện Cẩm Giàng, nhưng trong vụ đông, nếu như nhiều nơi để ruộng trơ gốc rạ thì một số khu đồng ở Cẩm Hưng vẫn tốt tươi. Bà Trần Thị Mỷ ở thôn Mậu Tân duy trì trồng 4 sào bí ngô gần 5 năm nay. Theo bà Mỷ, cấy lúa cần nhiều nước nên cứ tầm đổ ải là người dân lo thiếu nước. Chật vật lấy nước làm đất, gieo cấy rồi tưới dưỡng cho lúa song thu nhập chẳng được là bao. Từ ngày trồng bí ngô, bà Mỷ yên tâm hơn hẳn vì chỉ 10 ngày mới phải tưới một lần mà không phải giữ nước. Khi cây cho quả thì gần như không cần tưới. “Trồng bí ngô lãi gấp từ 2-3 lần so với cấy lúa mà bớt vất vả về nước tưới. Người dân không bỏ cây lúa mà chỉ luân canh phù hợp theo từng thời điểm nhằm bảo đảm nguồn nước. Nếu gieo cấy cũng chỉ chọn giống cực ngắn ngày để giảm thời gian sử dụng nước tưới”, bà Mỷ cho biết.

Ở thôn Mậu Tân có hơn 200 hộ tích cực trồng rau màu để ứng phó nguy cơ thiếu nước trong vụ đông xuân.

Tại thôn Hộ Vệ, người dân cũng nhận thức được việc trồng rau màu là phù hợp để thích ứng với thực trạng nước tưới ngày càng căng thẳng. Trong thôn có hơn 100 hộ trồng bí ngô, bí xanh, ngô… Theo ông Vũ Duy Linh, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Hộ Vệ, thôn có 200 mẫu ruộng thì chân ruộng nào cũng thiếu nước do cốt đất cao. Do đó, cấy lúa vụ đông xuân có phần cập rập vì nỗi lo nước tưới. Chuyển hướng trồng rau màu sẽ giúp người dân không còn thấp thỏm về nước tưới cho cây trồng. Mặc dù vậy, bà con vẫn đắn đo bởi nếu không có đầu ra ổn định thì lại rơi vào vòng luẩn quẩn. “Trồng lúa gặp khó về nguồn nước song có thể dự trữ, bảo quản, còn rau màu thì phải bán ngay khi đến lứa. Thực tế cho thấy trồng rau màu cho hiệu quả kinh tế cao hơn song nếu không có liên kết sản xuất, tiêu thụ thì người dân gặp nhiều rủi ro”, ông Linh cho biết.

Xã Cẩm Hưng đang có những chuyển đổi tích cực nhằm thích ứng với tình hình sản xuất. Địa phương xác định nguồn nước có thể phụ thuộc nhưng sản xuất không thể lệ thuộc mà phải thay đổi theo hướng biến khó khăn thành lợi thế. Theo ông Nguyễn Xuân Sảng, Chủ tịch UBND xã, ngoài biện pháp nâng cao năng lực tưới tiêu của hệ thống công trình thủy lợi thì địa phương cũng hướng tới giải pháp lâu bền. Trong đó khuyến khích, vận động người dân chọn lựa các loại cây trồng chịu hạn tốt, không vì thiếu nước mà bỏ ruộng hoang. Hiện toàn xã có 70 ha trồng rau màu cho hiệu quả tương đối cao.

Đánh giá về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại xã Cẩm Hưng, ông Nguyễn Văn Thiện, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cẩm Giàng cho biết trong điều kiện khó khăn về nguồn nước, Cẩm Hưng đã có hướng phát triển sản xuất nông nghiệp phù hợp, cần thiết, góp phần gia tăng giá trị trồng trọt. Không chỉ tại Cẩm Hưng, nhiều địa phương khác trong huyện cũng đang tích cực chuyển đổi cây trồng tại những khu vực gặp khó khăn về nguồn nước. Đây là giải pháp bền vững để các xã, thị trấn chủ động ứng phó với hạn hán lâu dài.

DŨNG CƯỜNG