Nhiều người trẻ đi trị liệu tình yêu
Gia đình - Ngày đăng : 14:38, 10/01/2022
Do thường xuyên bất hòa suốt hơn một năm trời, Irene Wu (28 tuổi) và Dillon Tang (24 tuổi), cặp tình nhân đến từ Los Angeles (Mỹ), quyết định tìm tới một chuyên gia tư vấn tình yêu.
"Mối quan hệ của chúng tôi căng thẳng tới mức suýt tan vỡ. Song một ngày nọ, khi tôi kể với Dillon về cuộc hẹn tư vấn tâm lý của mình, anh ấy gợi ý cả hai nên thử trị liệu cho các cặp tình nhân", Wu nói với Guardian.
Hơn 10 năm trước, ý tưởng của Dillon sẽ bị xem như một điều dị thường. Nhưng ở thời điểm hiện tại, việc nhờ tới chuyên gia tâm lý để cải thiện mối quan hệ tình cảm lại phổ biến với thế hệ Millennials và Gen Z.
Báo cáo từ Hiệp hội Tâm thần học Mỹ chỉ ra 37% Gen Z, 35% Millennials đã tìm sự hỗ trợ về tâm lý chuyên nghiệp tại các bệnh viện, phòng khám.
Simone Bose, cố vấn trị liệu từ tổ chức tư vấn dành cho cặp tình nhân và vợ chồng Relate (Anh), nói rằng thế hệ trẻ có xu hướng cởi mở hơn về vấn đề tâm lý, ít ngần ngại khi chia sẻ cảm xúc với chuyên gia trị liệu.
"Thông thường, một trong 2 người đã từng trị liệu cá nhân và đề nghị cùng nhau đi gặp bác sĩ để trò chuyện, tìm cách tháo gỡ vấn đề", cô chia sẻ.
Những bệnh nhân tìm tới sự giúp đỡ của Lisa Hochberger, chuyên gia tư vấn, có lý do khác nhau, song hầu hết đều dưới 35 tuổi.
"Người trẻ ngày nay không muốn tìm đến rượu, thức ăn, hoặc tiệc tùng để giữ bình tĩnh. Họ muốn ngăn bản thân mắc sai lầm, có lối sống như cha mẹ mình - người có thể ôm nỗi đau riêng trong vô thức nhưng không được tiếp cận với bất kỳ sự hỗ trợ nào", cô nhận xét.
Đầu tư cho việc trị liệu
Một khảo sát năm 2017 của ĐH MidAmerica Nazarene (Mỹ) trên nhóm người từ 23 đến 38 tuổi cho thấy 51% từng tham gia trị liệu cùng "nửa kia". Trong đó, nhóm 25-30 tuổi chiếm tỷ lệ đa số.
Vào năm 2018, tổ chức Relate tiết lộ lượng khách hàng dưới 40 tuổi ở Anh đã tăng 30% chỉ trong 4 năm.
Thông thường, các đôi vợ chồng thường mất ít nhất 6 năm trước khi quyết định tìm đến sự giúp đỡ chuyên nghiệp vì vấn đề tình cảm.
Tuy nhiên, đại dịch lại đẩy nhanh điều này vì các cặp phải sống và cách ly cùng với nhau suốt nhiều tháng.
Emily (28 tuổi) và Katie (31 tuổi) đến từ Missouri (Mỹ) đã hẹn hò được 2 năm trước khi tìm đến chuyên gia tư vấn.
Cả hai bất đồng quan điểm về việc dọn vào sống chung trong dịch. Trong khi Emily nghĩ việc này là điều tự nhiên của mối quan hệ và giúp giảm sinh hoạt phí, bạn gái cô lại không muốn như vậy.
Khi mọi thứ trở nên bế tắc, Emily đưa ra 3 lựa chọn cho Katie: sống cùng nhau, từ biệt mối quan hệ này hoặc tìm lời khuyên từ một chuyên gia.
Sau cùng, cả hai thống nhất đi trị liệu tâm lý.
"Hóa ra, vấn đề chúng tôi gặp phải còn liên quan tới một loạt vấn đề cá nhân. Cả 2 đều không nhận ra rằng đối phương gặp nhiều áp lực tới vậy. Tôi mong sự ổn định, còn Katie lại thích tự do", Emily nói.
Sau buổi trò chuyện đầu tiên, mối quan hệ của họ trở nên "nhẹ nhõm, gắn kết hơn" so với trước đây.
Trong 5 năm qua, phương pháp trị liệu tâm lý cho các cặp ngày càng phổ biến trên thực tế và truyền thông.
Điều này trái ngược với niềm tin về một mối tình lãng mạn, được lý tưởng hóa suốt nhiều thập kỷ.
Ngày nay, nhiều người dần nhận ra những niềm tin này không thực tế, bắt đầu dựa vào sự hỗ trợ, tư vấn khách quan để cải thiện mối quan hệ.
"Thế hệ trước quan niệm 'trị liệu' chỉ dành cho người có vấn đề tâm thần, song giờ đây mọi thứ đã khác. Các cặp tình nhân, vợ chồng có mâu thuẫn sẽ tìm được cách để trò chuyện, thấu hiểu lại từ đầu", Lia Holmgren, cố vấn trị liệu, nói.
Sau một năm điều trị, Wu thừa nhận cô và Dillion đã "rất khác" so với thuở mới hẹn hò.
Họ làm rõ mọi tranh cãi trong quá khứ, thấu hiểu nhu cầu cảm xúc từ hai phía. Sự thiếu giao tiếp giữa cô và bạn trai đã được cải thiện đáng kể.
"Chúng tôi chấp nhận và yêu thương nhau vì sự khác biệt. Tôi học được cách kiên nhẫn, còn anh ấy đang dần đồng cảm với những cảm xúc của tôi. Sau cùng, đó là tất cả những gì chúng tôi kiếm tìm ở 'nửa kia'. Đây là khoản đầu tư xứng đáng", Wu nói.
Theo Zing