Quét sạch "biến thể virus" tiêu cực
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:19, 15/01/2022
“Thổi giá” sinh phẩm xét nghiệm COVID-19, “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” - vụ án Việt Á có lẽ đã không còn dừng lại ở lòng tham hay sự lừa lọc nữa, mà đó chính là những biểu hiện tha hóa quyền lực, sự xuống cấp nghiêm trọng về đạo đức cán bộ.
Chứng kiến những sự thật đang dần được phơi bày ra ánh sáng, nhiều người đã gọi đây là hành vi “táng tận lương tâm”. Quả thực như vậy. Trong vụ án này, một số kẻ đã không từ bất cứ thủ đoạn nào để trục lợi trên sức khỏe, thậm chí là trên xương máu của đồng bào. Sự vô cảm như đến tận cùng, trước biết bao nỗi đau của nhân dân!
Vụ án Việt Á có lẽ là một vết nhơ khó có thể gột rửa sạch trong công cuộc phòng, chống dịch COVID-19 của Việt Nam. Trong hơn 2 năm đương đầu với dịch bệnh, chúng ta cũng đã chứng kiến không ít chiêu trò trục lợi, từ việc nâng giá khẩu trang, nước sát khuẩn; đầu cơ găm hàng thiết yếu… cho tới nâng khống giá mua máy xét nghiệm vào những thời điểm “nước sôi lửa bỏng” nhất. Nhưng trục lợi một cách quy mô và mất nhân tính như Việt Á thì thật sự đáng lên án. Trong lúc nhiều người phải vật lộn với sự sống, khi rất nhiều doanh nghiệp kiệt sức, thậm chí bị phá sản, nhiều kẻ lại nhẫn tâm “hốt bạc” trên những lần xét nghiệm dày đặc của nhân dân, người lao động.
Theo điều tra của Bộ Công an, Phan Quốc Việt (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Việt Á) đã “bắt tay” với các đối tác nâng khống giá kit xét nghiệm lên khoảng 45%. Số tiền Việt Á thu về trong vụ này là trên 500 tỷ đồng; số tiền “hoa hồng” mà Việt Á chi cho các đối tác là gần 800 tỷ đồng. Đau lòng hơn, liên quan tới vụ án này, bước đầu đã xác định các “đối tác” của Việt Á là các lãnh đạo CDC Hải Dương, Nghệ An, Bình Dương và một số cán bộ Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ. Chính những cán bộ này đã thông đồng, câu kết, tiếp tay cho hành vi sai trái của Việt Á. Đồng tiền đã làm con người ta mù quáng, bất chấp tất cả để làm những việc sai trái dù ý thức được rằng như vậy là phạm pháp.
Trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, trên 3.200 đảng viên bị kỷ luật liên quan đến tham nhũng; trên 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có cả một số ủy viên Bộ Chính trị, nguyên ủy viên Bộ Chính trị đã bị xử lý kỷ luật… Bài học mới đó mà nhiều người vẫn “nhờn thuốc”. Trong những vụ việc như Việt Á, đáng tiếc rằng việc học và làm theo Bác; việc quán triệt những nghị quyết, chỉ thị, kết luận về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; hay thực hiện Quy định về những điều đảng viên không được làm, trên thực tế chỉ là hô hào suông, nói không đi đôi với làm.
Không phải ngẫu nhiên vụ án Việt Á được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực khẩn trương đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo. Những gì xảy ra đã thực sự gây bức xúc lớn trong dư luận, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân đối với công tác phòng, chống dịch COVID-19 và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước ta. Ngay tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV vừa qua, những bức xúc của cử tri về vụ việc này đã làm nóng nghị trường với rất nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt việc điều tra, truy tố, kết luận sớm và xử lý nghiêm vụ việc trên tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
Trong suốt giai đoạn vừa qua, toàn dân và cả hệ thống chính trị đều đồng lòng chống dịch. Các lực lượng tuyến đầu không quản ngại khó khăn, nguy hiểm dốc sức ngày đêm. Không ít chiến sĩ, bác sĩ, tình nguyện viên… đã hy sinh cả tính mạng của mình vì sự an toàn của nhân dân, của đất nước. Từ những đồng lương hưu ít ỏi của các cụ già, những đồng tiền tiết kiệm của các em nhỏ, cho đến sự đóng góp của công chức, người lao động…, tất cả đều hướng tới sự đùm bọc, sẻ chia giữa những con người “tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Có lẽ cũng chỉ ở Việt Nam mới có những cây “ATM gạo”, “ATM oxy”, “ATM khẩu trang”… hoàn toàn miễn phí và đong đầy tình nhân ái như vậy. Đó chính là điểm sáng, là sự khác biệt giữa Việt Nam với nhiều quốc gia khác trong cuộc chiến với COVID-19.
Nói như vậy để thấy Việt Á dù thế nào cũng chỉ là cá biệt, là một loại “biến thể virus” tham nhũng, tiêu cực, như một kiểu Omicron của SARS-CoV-2, mà dù tinh vi đến đâu cũng sẽ bị dư luận lên án và sớm muộn cũng sẽ bị xử lý thích đáng. Vụ án Việt Á vẫn chưa khép lại nhưng cũng đủ gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh đối với cán bộ, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ, chức trách của mình. Đứng trước những cám dỗ, người cán bộ, đảng viên cần phải kiên định lý tưởng cách mạng, phải thể hiện trách nhiệm và bổn phận trước Đảng, trước dân, luôn đặt lợi ích của nhân dân lên hàng đầu. Mà như Bác Hồ từng căn dặn đội ngũ cán bộ là cần “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”.
Trong bối cảnh Đại hội XIII của Đảng nêu kỳ vọng “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”, chúng ta rất cần có một đội ngũ cán bộ vừa có tâm, vừa có tài, vừa có tầm, trong đó đạo đức là nền tảng để đưa đất nước tới những mục tiêu quan trọng vào giữa thế kỷ này. Tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận và Quy định của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhắc đến cái tật của cán bộ, đảng viên, đó là “Kém một miếng không chịu được”, “Miếng ăn là miếng tồi tàn, mất ăn một miếng thì lộn gan lên đầu!”, ý muốn cảnh báo thói xem trọng vật chất, cái lợi trước mắt mà quên đi phẩm giá của con người. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó có khâu “then chốt của then chốt” là công tác cán bộ thường rất khó, rất phức tạp. Khó nhưng không thể không làm, vì nó liên quan đến sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ.
Suy cho cùng, đó chính là nhiệm vụ quét sạch chủ nghĩa cá nhân - nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Khi “kháng thể” trong mỗi cán bộ, đảng viên đủ mạnh, điều đó cũng đồng nghĩa với sự cáo chung cho những “biến thể virus” như Việt Á.
Theo Báo Tin tức