Thời điểm thích hợp để có nghị quyết mới về “tam nông”

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 16:59, 19/01/2022

Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết số 26 - NQ/TW tổ chức hội nghị trực tuyến xin ý kiến về Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 26 - NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.


Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Ngày 19.1, Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 26 - NQ/TW tổ chức hội nghị trực tuyến xin ý kiến về Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 26 - NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị: Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng và Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Anh Tuấn; đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đồng chủ trì hội nghị.

Đồng chí Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì tại điểm cầu Hải Dương.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Thường trực Ban Bí Thư Trung ương Đảng Võ Văn Thưởng khẳng định Nghị quyết 26 ra đời hợp lòng dân, sát thực tiễn, tính khả thi cao, sự tập trung tổ chức thực hiện rất bài bản đã tạo ra bước chuyển mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động, tạo nên những thành tựu lớn về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong thời gian qua.

Đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh trong bối cảnh đất nước đổi mới cần phải nâng cao chất lượng trong thực hiện nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Chủ trương hướng đến "xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh" mà Đại hội XIII đề ra đòi hỏi các ngành, các cấp và địa phương phải có giải pháp mới mạnh mẽ để thúc đẩy hơn nữa nông nghiệp, nông dân và nông thôn phát triển. Đồng chí nhấn mạnh đây là thời điểm thích hợp để tổng kết Nghị quyết số 26 - NQ/TW và ban hành một nghị quyết mới phù hợp hơn trong giai đoạn hiện nay. Nghị quyết mới phải tiếp tục khẳng định nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí và vai trò chiến lược với giai đoạn phát triển mới của đất nước; nâng cao nhận thức của các ban, bộ, ngành về vị trí, vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phải mạch lạc, rõ ràng, khả thi, phải xác định được những giải pháp đột phá cần tập trung thực hiện; ra nghị quyết mới phải tạo ra được những chuyển biến mạnh mẽ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn...


Đồng chí Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí Thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì tại điểm cầu Hải Dương

Những năm qua, tỉnh Hải Dương đã thực hiện tái cơ cấu, xây dựng nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại. Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp giai đoạn 2008 - 2020 tăng trưởng bình quân 2,4%/năm. Năm 2020, cơ cấu giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp đã chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi, thủy sản, giảm tỷ trọng ngành trồng trọt - lâm nghiệp. Giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha trồng trọt, thủy sản là 164 triệu đồng, tăng gần 2,44 lần so với năm 2008. Tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất đạt 100%, thu hoạch là trên 95%; gieo trồng đạt 15%; bảo quản, chế biến đạt khoảng 40% đã giúp nâng cao giá trị ngành nông nghiệp. Tất cả các xã trong tỉnh đều đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), 43 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 4 xã đạt NTM kiểu mẫu; 12 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn NTM hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao. Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người đạt 47,95 triệu đồng, tăng 36,95 triệu đồng so với năm 2008...

PV