5 triển lãm để hiểu hơn về Tết

Du lịch - Ngày đăng : 07:50, 29/01/2022

Năm mới sẽ ý nghĩa hơn khi tới các triển lãm để hiểu hơn về Tết cổ truyền.

Dịp Tết, nếu không đi chơi xa, người dân có thể ghé thăm những triển lãm quanh Hà Nội để thưởng ngoạn không khí xuân cũng như chiêm ngưỡng các tác phẩm nghệ thuật. Những triển lãm này đều liên quan đến Tết, giúp người tham quan có cái nhìn sâu hơn về dịp lễ quan trọng nhất trong năm của người Việt.

Hổ trong mỹ thuật cổ Việt Nam

Triển lãm "Hổ trong mỹ thuật cổ Việt Nam" được Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp với khu di tích lịch sử đền Hùng và một số sưu tập tư nhân tổ chức trưng bày tại số 1 Tràng Tiền, Hà Nội, mở cửa từ ngày 18.1 tới 31.8. Ghé thăm triển lãm dịp đầu năm, du khách sẽ hiểu thêm về hổ, linh vật của năm Nhâm Dần.

Tượng hổ đá ở lăng mộ Trần Thủ Độ, có niên đại khoảng năm 1264. Ảnh: Giang Huy

Triển lãm có hơn 30 hiện vật và tài liệu về hình tượng hổ trong các giai đoạn khác nhau của 2.000 năm mỹ thuật Việt Nam. Các trưng bày hình ảnh hổ biến hóa trong lịch sử đã thể hiện sự thân thiết sâu sắc giữa người Việt Nam với thiên nhiên và muôn loài, đặc biệt ngay cả với loài hổ vốn được coi là một linh thú dữ dằn trong truyền thuyết.

Vẫn Tết chứ

Các tác phẩm được trưng bày tại triển lãm "Vẫn Tết chứ" đều được sáng tác trong năm 2021, một năm biến động. Triển lãm đã bị hoãn nhiều lần trong năm qua, nhưng rồi đã được tổ chức, với các tác phẩm vẫn thể hiện tinh thần lạc quan và niềm vui sống, mang sắc xuân tưng bừng chào đón năm Nhâm Dần.

Triển lãm Vẫn Tết chứ mở cửa tự do và sẽ kéo dài tới 15/2 tại The Muse Artspace số 47 Tràng Tiền. Ảnh: Khánh Ly

Triển lãm "Vẫn Tết chứ" mở cửa tự do và sẽ kéo dài tới 15.2 tại The Muse Artspace số 47 Tràng Tiền. Ảnh: Khánh Ly

Các họa sĩ tham gia gồm có: Vũ Văn Tịch, Khổng Đỗ Duy, Chu Quốc Bình, Trịnh Lữ, Nguyễn Văn Trinh, Chu Tiến Thăng, Nguyễn Thành Chung, Lô Thưởng và Nguyễn Tiến Quang. Mỗi họa sĩ sẽ đem đến một dòng tranh với các chất liệu đa dạng, từ sơn mài, sơn dầu, phấn màu, màu nước trên giấy và lụa.

Sắc xuân

Khách tham quan triển lãm Sắc xuân. Ảnh: Khánh Ly

Khách tham quan triển lãm "Sắc xuân". Ảnh: Khánh Ly

Triển lãm "Sắc xuân" gồm 20 bộ tranh, bao gồm các chủ đề: Tứ quý, Tố nữ, Tứ dân, Bát tiên, tranh truyện và tranh lịch sử được lựa chọn từ bộ sưu tập tranh dân gian đang được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Đây đều là những bộ tranh thường được treo trong nhà dịp đầu năm mới, phù hợp để tìm hiểu về Tết, giống một lời chúc mùa xuân an lành dành cho những công chúng ghé thăm.

Triển lãm mở cửa đến hết tháng 2 tại phòng triển lãm chuyên đề, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học.

Tết xưa

Công chúng tham gia triển lãm "Tết xưa" sẽ được trải nghiệm những ngày Tết cổ truyền được tái hiện sống động qua hơn 100 phiên bản tài liệu, hình ảnh độc đáo, hiếm có về ngày Tết. Triển lãm cũng tổ chức các hoạt động tương tác cho người đến tham quan như phiên chợ ngày Tết, xin chữ ông đồ... làm cho không khí ngày xuân thêm phần tươi mới.

Triển lãm mở cửa tự do từ ngày 14.1 đến ngày 15.3 tại khu trưng bày Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1, số 5 Vũ Phạm Hàm, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội.

Những ngày Tết cổ truyền xưa cũ được tái hiện lại, giúp người tham quan có cái nhìn sâu sắc hơn về lịch sử của ngày lễ quan trọng nhất trong năm của người Việt. Ảnh: Hương Chi

Những ngày Tết cổ truyền xưa cũ được tái hiện lại, giúp người tham quan có cái nhìn sâu sắc hơn về lịch sử của ngày lễ quan trọng nhất trong năm của người Việt. Ảnh: Hương Chi

Ngẩn ngơ - Lơ mơ - Ngơ ngác - Đỏ

Triển lãm tương tác "Ngẩn ngơ - Lơ mơ - Ngơ ngác - Đỏ" là nơi những bản sắc truyền thống hiện diện, cuốn người xem vào cuộc hành trình đi tìm lại cảm xúc với những nét đẹp của ngày Tết xưa. Đến triển lãm, du khách sẽ trả lời câu hỏi "Liệu những mảnh ký ức về ngày Tết năm nào có còn vẹn nguyên trong mỗi chúng ta?"

Triển lãm mở cửa tự do từ ngày 1 tới 10.2 tại Ngã Art Space - Tách Spaces, 20 Hai Bà Trưng.

Theo VnExpress