Linh thiêng chùa Linh Quang
Di tích - Ngày đăng : 09:36, 29/01/2022
Khuôn viên chùa Linh Quang
Theo triết tự chữ Hán, Linh Quang có nghĩa là ánh sáng linh thiêng.
Xây dựng từ thời Trần
Chùa Linh Quang thờ Phật theo giáo lý của thiền phái Đại thừa, khuyên răn con người làm nhiều điều thiện tâm, tránh xa điều ác, gần gũi, yêu thương giúp đỡ nhau để cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn. Ngoài ra, chùa còn thờ sư tổ Non Đông - một trong những cao tăng của Thiền phái Trúc Lâm nổi tiếng thời Trần (1225 - 1400).
Căn cứ vào bia ký và thư tịch cổ liên quan, sư Non Đông họ Vương, hiệu Quản Viên, tự Tuệ Nhẫn, quê xã Dưỡng Mông (Kim Thành). Ông mồ côi cha từ nhỏ, mẹ ở vậy nuôi con. Ông đã sớm chuyên cần học tập, rèn luyện. Năm 19 tuổi, ông yết kiến với Kiên Tuệ đại sư chùa Bái Ân để đi tu. Sau khi đã thụ giới cùng hai nhà sư Nghĩa Trụ và Chân Giám, sư Non Đông trở thành một đệ tử tích cực của Thiền phái Trúc Lâm.
Sinh thời, sư Non Đông đi khắp nơi giảng đạo và xây chùa. Ở đâu ông cũng được nhân dân kính trọng. Tương truyền, Linh Quang là 1 trong 27 ngôi chùa do sư tổ Non Đông xây dựng vào thời Trần. Sau khi sư viên tịch, đệ tử thiền phái cho tạc tượng thờ tại các chùa mà sư đã xây dựng, trụ trì. Chùa Linh Quang hiện thờ sư tổ Non Đông tại nhà tổ.
Chăm lo bảo tồn
Ông Phí Ngọc Bình, trưởng thôn Nhân Lư cho biết, chùa Linh Quang xưa nằm trong một quần thể di tích của làng gồm đình, chùa, văn chỉ. Thời hậu Lê, ngôi chùa được trùng tu với quy mô lớn. Văn bia hiện lưu giữ tại chùa ghi nhận vào các năm Dương Đức nguyên niên (1672), Chính Hòa 20 (1699), Vĩnh Thịnh 14 (1718) và Bảo Thái 8 (1727), chức dịch, quan viên, hương lão và nhân dân trong làng đã góp tiền, ruộng tu bổ tòa thượng điện nguy nga. Ngoài chùa chính, khuôn viên di tích còn có nhà thờ tổ, nhà thờ mẫu và cổng tam quan. Hương ước làng Nhân Lư năm Bính Tý (1936), cũng ghi rõ: làng đã cấp cho chùa Linh Quang 5 mẫu 8 sào 8 thước cày cấy để thờ cúng.
Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, chính quyền địa phương đã giải hạ đình và văn chỉ để tránh không cho thực dân Pháp đóng quân, chỉ còn lại ngôi chùa Linh Quang. Trải qua thăng trầm của lịch sử, ngôi chùa cũng dần bị xuống cấp. Trong hai năm 2012- 2013, bà con, nhân dân, các dòng họ, người Nhân Lư đã đóng góp trên 1,6 tỷ đồng để tôn tạo nhà tổ, chùa chính, nhà mẫu, lát sân, mua thêm đất để mở rộng khuôn viên, nâng cấp đường vào chùa…
Mặc dù tôn tạo, xây dựng lại nhưng về cơ bản ngôi chùa vẫn giữ được lối kiến trúc cổ, kiểu chữ Đinh (J) gồm 5 gian tiền đường và 3 gian thượng điện nối liền nhau tạo thành không gian thờ tự khép kín. Chính giữa bờ nóc tòa tiền đường có bức biển tự với ba chữ Hán “Linh Quang tự” (chùa Linh Quang). Kết cấu khung vì gồm 6 vì kèo kiến tạo kiểu chồng rường. Cột cái, cột quân, cầu đầu, trụ đấu, con rường... bằng bê tông sơn màu giả gỗ. Điều đặc biệt của toà nhà này là kết cấu hiên rộng được đỡ bởi 4 cột chất liệu bằng đá xanh, chạm khắc theo đề tài tứ quý khá đẹp.
Khám và tượng thờ sư tổ Non Đông tại nhà tổ chùa Linh Quang
Hiện nay, chùa còn lưu giữ hệ thống tượng Phật niên đại từ thời Nguyễn, đặc biệt là bộ tượng Tam Thế, Quan Thế Âm, A Di Đà, Nam Tào, Ngọc Hoàng, Bắc Đẩu,… Ngoài ra, còn 7 tấm bia đá có niên đại vào thời hậu Lê, là các văn bản quan trọng ghi lại cho hậu thế về chế độ ruộng đất, tổ chức xã hội, tên làng xã và tên những người công đức xây dựng, tu bổ ngôi chùa.
Ngôi chùa cũng là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng, là nơi giáo dục truyền thống cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Thời kỳ tiền khởi nghĩa, Tiên chỉ làng Nhân Lư tổ chức phong trào “nông thôn đổi mới”, lấy chùa Linh Quang làm trụ sở hoạt động tổ chức các phong trào văn hoá, thể thao thực thi việc của làng. Từ cuối tháng 3 năm 1945, ngôi chùa là nơi hội họp của Mặt trận Việt Minh huyện Thanh Hà. Các đồng chí Ngô Xuân Lựu, Nguyễn Duy Thứ, Trần Cung Thường thường đóng giả nhà sư về chùa mở các lớp huấn luyện, tuyên truyền hoạt động cách mạng. Trong kháng chiến chống Pháp, chùa là địa điểm quyên góp ủng hộ “Tuần lễ vàng”, các lớp bình dân học vụ, kho chứa lương thực của nhà nước.
Đặc biệt, vào năm 1950 và 1952, khu vực chùa và văn chỉ là nơi chứng kiến tội ác của thực dân Pháp. Tại đây chúng đã bắt giam, xét hỏi, tra tấn các đồng chí Nguyễn Văn Khuynh (trung đội du kích), Vũ Văn Sinh và Tiêu Văn Ả (cán bộ Việt Minh), trong đó đồng chí Vũ Văn Sinh đã bị quân giặc bắn chết. Thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ (1971, 1972), ngôi chùa là địa điểm mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho giáo viên trên địa bàn huyện.
Ngoài các ngày tuần tiết của nhà Phật, chùa Linh Quang còn tổ chức lễ giỗ sư tổ Non Đông vào ngày 27 tháng Giêng. Lễ giỗ sư tổ Non Đông cũng được coi là lễ hội của chùa. Lễ hội diễn ra trong hai ngày 26 và 27 tháng Giêng. Cùng với phần lễ, phần hội có các trò chơi dân gian. Đối với người dân nơi đây, ngôi chùa là nơi linh thiêng, mỗi khi đi xa về gần, ai cũng đều có thói quen ra chùa làm lễ.
Với ý nghĩa lịch sử và những giá trị văn hóa còn lưu giữ, năm 2014, chùa Linh Quang đã được UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử. Trong những năm tới, UBND xã Cẩm Chế, nhân dân thôn Nhân Lư, Ban Quản lý di tích tiếp tục xã hội hóa, từng bước cải tạo, mở rộng cảnh quan, hạng mục công trình theo quy hoạch, giữ gìn, bảo quản các cổ vật, hiện vật, bia ký, mua sắm đồ thờ tự…
NHẬT HỮU