Nhớ hương vị Tết quê nhà
Đời sống - Ngày đăng : 12:45, 31/01/2022
Trông nồi bánh chưng là ký ức Tết quê khó phai với nhiều người. Ảnh tư liệu
Lứa chúng tôi được sinh ra vào cuối cuộc kháng chiến chống Pháp, cảm nhận sự chăm lo cho hương vị Tết ta rõ nét nhất ở thời gian từ năm 1960 đến hết thời kỳ bao cấp (1985). Đó là thời kỳ đất nước chưa xây dựng được bao nhiêu thì đã phải lo việc đánh giặc, cứu nước, mọi nguồn lực tập trung cho tiền tuyến. Khi đó, hương vị Tết tập trung và nổi bật là ở các thứ dùng cho ẩm thực, trong mâm cỗ Tết và trên bàn thờ gia tiên, thổ công.
Hồi ấy nhà nông trong tỉnh Hải Dương hầu như không bao giờ mua bánh chưng Tết ở chợ mà tự làm lấy. Việc chuẩn bị gói bánh rất công phu. Gạo nếp để dành từ ngay sau khi gặt mùa tháng 10, có đói cũng không được xà xẻo! Đậu xanh thu hoạch từ giữa hạ, phơi khô kiệt, chọn một ít cho vào lọ sành rồi lấy lá chuối khô nút kín để đến Tết. Củi gộc ngâm kỹ dưới ao, heo may thì lôi lên, dùng búa bổ phá ra, cất kỹ sau nhà để đến Tết đun bánh…
Việc chuẩn bị lợn, gà để làm cỗ Tết là việc trọng. Bà con lưu tâm từ đầu tháng chạp. Vài ba nhà chọn một con lợn, ước tính đến Tết là vừa với số khẩu phần và luân phiên mang cám đến nhà chủ của lợn để nuôi. “Con lợn có béo thì lòng mới ngon”. Tháng ấy lợn được ăn tăng chất bột, được các gia đình chung đụng thăm nom chu đáo. Gà trống hoa, gà trống thiến cũng được chăm bẵm cẩn thận… Điều đó không hoàn toàn chỉ là để người có miếng ăn ngon, mà sâu xa hơn, để có miếng thịt ngon thờ cúng.
Tôi nhớ mãi ngày 27 Tết năm 1974. Tôi từ đơn vị vừa về tới nhà thì cô em gái mới 10 tuổi chạy tới reo lên: “Thế là Tết năm nay được ăn thịt ngan rồi!”. Tôi giật mình: “Anh có hẹn mua ngan đâu? Lính "5 đồng” mà em!”. “Chẳng cần anh mua! Bu nuôi 5 con ngan từ rằm tháng 7. Hôm trước ông hàng thịt đăng ký mua hết để đến Tết bán. Bu bảo, còn xem năm nay anh có được về ăn Tết không đã. Nếu anh về, bu sẽ bớt lại hai con để kho đông. Nếu anh không về thì chỉ mổ gà để lễ thành hoàng, cúng thổ công, gia tiên sáng mồng một; còn ngan, bu bán hết, lấy tiền mua thịt lợn, rán mỡ để xào rau dần”!... Tôi nhìn em, thương vô cùng!
Các gia vị cho Tết, có những thứ rất hiếm nhưng không thể bỏ qua. Mộc nhĩ được hái từ sau những tháng mưa ẩm ướt ở các gốc cây mục. Mỗi ngày một ít, đem xâu vào cái lạt, phơi kỹ “cong tai mèo” rồi treo lên gác bếp. Chai nước mắm, cân đường phên, gói mỳ chính, ít hạt tiêu... HTX mua bán phân phối cho từng gia đình từ trước tất niên tới già nửa tháng. Đường phên được gói kỹ, vùi sâu trong cót thóc, tránh ẩm và không bị trẻ con ăn vụng. Quả cam chín vàng, phải bôi vôi vào lỗ cuống để chống ủng.
Hương bài thơm ngào ngạt, có vị ngòn ngọt, gây cảm xúc ấm áp. Nó là thứ đặc sắc của Tết ta xứ Đông. “Tết mà không có hương bài/Ăn ngon đến mấy cũng hoài Tết đi”. Tôi lớn lên đã thấy các cụ làm loại hương này để dùng trong dịp Tết. Vào khoảng lập đông, bố tôi dỡ bụi cây hương bài được trồng đúng vào tiết ấy của năm trước, cắt lấy rễ để riêng. Phần gốc và thân cây đã ngắt bớt lá, được trồng ngay xuống luống đất cao có pha nhiều mùn rơm rạ để đến Tết sang năm. Phần rễ, bỏ thêm ít vỏ bưởi, bã mía, quế chi, đem phơi khô kiệt rồi tán thành bột cho vào lọ thủy tinh, nắp thật kín. Tối 28 - 29 Tết, lấy giấy bản lót bột ấy quấn bó chặt chẽ xung quanh thanh tre khô dễ cháy to bằng nén hương thường, dài 50 - 60 cm để sáng ngày tất niên bắt đầu thắp hương này đến hết 3 ngày Tết.
Chuyện chăm lo hương vị Tết ta thời bao cấp phong phú lắm. Kể mãi cũng khó hết. Nguyên nhân căn bản là điều kiện kinh tế - xã hội đi liền với thái độ ứng xử của người Việt nói chung, người Hải Dương nói riêng đối với Tết. Tết là vui, là đẹp, là hiền, là lành, là yêu thương… Chính vì thế mà bước vào thời kỳ đổi mới, khi đã no cơm ấm áo, thậm chí ăn ngon mặc đẹp, bà con ta theo lời kêu gọi của Chính phủ, không quên nghĩ đến hương vị Tết đối với người không may mắn, kể cả với đồng bào ở xa trước nguy cơ “trắng Tết”.
Giữa tháng 11.1999 có đoàn xe ô tô tải 3 chiếc trưng băng rôn “Vận chuyển cứu trợ nhân dân miền Trung bị lũ lụt tàn phá” đi từ phía TP Hải Dương theo đường 391. Khi đến ngã ba Quý Cao (Tứ Kỳ) thì thấy một ông lão mặc quần áo bộ đội đã bạc màu, đứng cạnh đường vẫy lấy vẫy để. Chiếc xe đi đầu dừng lại. Ông lão khẩn khoản: “Các chú đi cứu giúp miền Trung, cho lão gửi ít quà vào trong ấy!”. Anh tài ngần ngại: “Thưa bác, xe của cháu đi theo đoàn. Cháu không đến nhà dân được ạ!”. “Ồ không! Vào đó, chú đưa cho ai cũng được mà”. Ông lão nói thêm: “Tôi là Nguyễn Văn Giang, nhà ở đây. Hồi chống Mỹ, tôi là lính Tiểu đoàn 1, Trung đoàn Ba Gia, Sư đoàn 2, Quân khu 5 chiến đấu ở Quảng Ngãi. Tết đến, đồng bào không ngại hy sinh, đêm sâu còn bí mật mang giò lụa, bánh tét ra công sự cho bộ đội. Nay trong ấy lũ lụt thê thảm, tôi có 5 cân đỗ xanh và yến gạo nếp, mang ra đây đón xe cứu trợ. Gọi là chút hương vị Tết cho bà con trong ấy”… Anh lái xe lập tức nhảy xuống đưa bao gạo nếp và túi đỗ xanh lên xe, nói to: “Thưa bố! Vậy thì con xin chấp hành! Bố yên tâm ạ!”… Xong, chiếc xe rú ga sang đường 10 tiến về phía Nam…
Muôn hình vạn vẻ về lo hương vị Tết. Thật là thú vị và độc đáo Tết Việt Nam!
PHẠM XƯỞNG