Giữ mãi hồn quê

Văn hóa - Giải trí - Ngày đăng : 16:04, 03/02/2022

Nhiều nông cụ, vật dụng gắn bó với nhà nông một thời nay không còn được dùng nữa.


Bà Nguyễn Thị Mận ở khu An Nhân Tây (thị  trấn Tứ Kỳ) vẫn theo nghề làm thúng

Bây giờ bắt gặp lại những vật dụng ấy, người lớn tuổi được ôn lại những kỷ niệm thời thơ ấu, còn lớp trẻ hôm nay biết được cha ông ta xưa làm nông nghiệp thế nào.

Tìm lại ký ức xưa

"Xa quê bấy lâu nay, cái nhớ, cái thương gốc rạ, bờ tre luôn khiến tôi thao thức. Lần này về thăm quê sau bao năm xa cách, khi cùng các cháu đến thăm Bảo tàng tỉnh, thật ngạc nhiên tôi thấy những cái giần sàng, bừa, cày, cuốc… bao kỷ niệm tuổi thơ lại ùa về, lòng chợt thấy rưng rưng". Những lời bộc bạch của bà Nguyễn Thị Lý ở phố Quang Trung, Việt kiều Mỹ về quê ăn Tết sớm với tôi bị ngắt quãng khi các cháu của bà ùa đến hỏi: "Không răng mà cắn nát nhừ/ Miệng to, họng nhỏ từ từ nuốt vô/ Bụng không có chỗ chứa đồ/ Cho nên em phải đổ ra liên hồi là cái gì hả bà? Các cô ở Bảo tàng đố chúng cháu đấy! Các cô bảo bạn nào đoán đúng sẽ được quà bà ơi" - các cháu của bà Lý líu lo.

Đưa các cháu đến gần chiếc cối xay được Bảo tàng tỉnh phục dựng, bà giảng giải: đó là chiếc cối xay thóc đấy các cháu ạ! Cối xay thóc là một dụng cụ quen thuộc của nhà nông dùng để tách trấu ra khỏi hạt gạo, thường được đặt trên chiếc giá có bốn chân. Nhà nông đổ thóc vào cối rồi cầm giằng xay quay ngược chiều kim đồng hồ. Người xay thóc quay đều, quay đều, nhịp nhàng. Hạt thóc bị tuột lớp áo trấu rào rào rơi xuống nia dưới chân cối. Sau khi xay xong, các bà các mẹ sẽ sàng để lấy gạo đựng vào thúng, còn trấu thì bỏ vào bồ dành để nhóm bếp. Thóc xay xong còn phải đem đi giã mới được gạo trắng mà chúng ta ăn hằng ngày.

Ngày xưa, ở làng nhà nào cũng có vài cái cuốc, liềm, cào, chang, cối xay thóc, cối giã gạo rồi cả nong, nia, giần sàng… Cuộc sống đổi mới, những vật dụng quen thuộc ấy của nhà nông giờ không còn nhiều. Nghề làm những nông cụ ấy cũng mai một dần. "Mỗi nông cụ xưa chứa chất những câu chuyện vui buồn của nhà nông. Nó đánh thức trong tôi những kỷ niệm ấu thơ. Không biết ở đâu trên mảnh đất Hải Dương còn làm những nông cụ này?", bà Lý hỏi.

Trả lời câu hỏi của bà Lý, chúng tôi tìm về làng Yên (nay là khu dân cư An Nhân Tây, thị trấn Tứ Kỳ), nơi vẫn giữ nghề làm thúng, mủng, giần sàng hàng trăm năm qua. Làng Yên bây giờ chỉ còn vài chục hộ bền bỉ gắn bó với những sản phẩm được làm từ cây tre. Bà Nguyễn Thị Mận năm nay đã ngoài thất thập, một trong những thợ đan giỏi của làng bảo, dù nay nong, nia, giần sàng chẳng còn được nhà nông trọng dụng nhưng đó là ký ức, kỷ niệm về một thời làm nông vất vả, nghèo khó. “Sau khi cấy lúa chiêm xong, bố mẹ tôi mang những chiếc cuốc, cày, bừa và nhiều nông cụ khác ra ao làng để rửa. Bố tôi bảo nông cụ cũng cần được nghỉ ngơi ăn Tết nên phải cho chúng tắm rửa sạch sẽ, đặt gọn gàng thì năm mới nhà ta mới thóc đầy hòm, khoai đầy bồ”, bà Mận nói.


Chiếc cối xay lúa, vật dụng quen thuộc của nhà nông được nhiều khách tham quan thích thú trải nghiệm tại Bảo tàng tỉnh

Ở làng Yên, các vật dụng quen thuộc trên bây giờ được người dân nhiều nơi mua về để trang trí. Những chiếc thúng, mủng, mẹt, giần sàng, nơm từ đồng ruộng đã được đưa vào nhà hàng, khách sạn. 

Cất công sưu tầm, gìn giữ

Với sư thầy Thích Thanh Thắng, trụ trì chùa Đồng Ngọ, xã Tiền Tiến (TP Hải Dương), chủ nhân của bảo tàng nông cụ bằng đá độc đáo có một không hai ở Việt Nam thì mỗi nông cụ xưa đều có một câu chuyện riêng. Quý trọng nghề nông của ông cha, suốt 25 năm qua, sư thầy đã sưu tầm được một kho báu nông cụ với hơn 2.000 hiện vật. Phần lớn trong bộ sưu tập này là nông cụ bằng đá như trục, cối, con lăn lúa…

Thời gian qua, Bảo tàng tỉnh đã xây dựng chuyên đề sưu tầm “Nông cụ của nhà nông” để trưng bày và phục vụ cho hoạt động trải nghiệm của khách tham quan. Theo chị Hoàng Thị Hương, Trưởng Phòng Sưu tầm (Bảo tàng tỉnh), nông cụ cũng là một trong những hiện vật quan trọng được bảo tàng tổ chức sưu tầm từ lâu và đã từng có một chuyên đề trưng bày riêng những vật dụng này. Hiện nay, Bảo tàng tỉnh đã phục dựng không gian bếp Việt, tái hiện cuộc sống của nhà nông xưa. Trong không gian này có trưng bày rất nhiều nông cụ. Trong những chuyến đi tìm nông cụ cổ, chị Hương nhớ nhất là lần sưu tầm chiếc hòm đựng thóc. Chị phải mất 5 năm kiên trì thuyết phục mới được gia đình cụ Vương Văn Chính ở thôn An Dật, xã Thái Tân (Nam Sách) bàn giao lại chiếc hòm đựng thóc cho bảo tàng gìn giữ. “Tưởng như hòm đựng thóc chỉ là một vật dụng thô sơ, ngày nay không còn nhiều giá trị sử dụng nhưng với nhiều gia đình đó là nơi chứa đựng những kỷ niệm về một thời gian khó, nhất là những người cao tuổi nên việc sưu tầm không dễ dàng gì”, chị Hương chia sẻ.

Một số nông cụ, vật dụng quen thuộc của nhà nông xưa có thể ngày nay đã không còn được trọng dụng nhưng nó đã hoàn thành sứ mệnh hỗ trợ ông cha ta làm ra hạt thóc, củ khoai, cây rau, nuôi lớn bao thế hệ. 

HẢI MINH