Chậm giảm thuế là "móc túi" khách hàng
Góc nhìn - Ngày đăng : 07:17, 15/02/2022
Bắt đầu từ ngày 1.2 đến hết năm 2022, nhiều doanh nghiệp và người dân sẽ được hưởng lợi nhờ việc triển khai thực hiện Nghị định 15/2022/NĐ-CP của Chính phủ về giảm 2% thuế giá trị gia tăng (GTGT) với nhiều nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế GTGT 10%.
Có thể hiểu đơn giản là nếu trước đây khách hàng mua 1 đơn hàng trị giá 1 triệu đồng thì sẽ phải chịu thêm 100.000 đồng thuế GTGT, nhưng hiện nay mức thuế này giảm chỉ còn 80.000 đồng. Đây là một chính sách tác động sâu rộng đến đời sống và kinh doanh, có thể kích cầu tiêu dùng. Tuy nhiên, trên thực tế một phần do chính sách có hiệu lực đúng vào ngày mùng 1 Tết, một phần do một bộ phận người dân chưa thực sự quan tâm đến quyền lợi của mình, trong khi có những doanh nghiệp, hộ kinh doanh biết nhưng vẫn cố tình lờ đi, chậm trễ trong triển khai.
Đã qua gần nửa tháng chính sách này có hiệu lực nhưng mới chỉ có một bộ phận doanh nghiệp triển khai áp dụng mức thuế suất GTGT mới. Việc giảm giá sẽ được thực hiện khi khách hàng thanh toán. Trong hóa đơn bán hàng còn có nơi ghi chưa rõ ràng, nếu khách hàng không quan tâm thì cũng khó biết là mình đã được hưởng chính sách giảm thuế hay chưa. Hoặc cũng không biết mặt hàng nào mình được giảm 2% thuế GTGT, mặt hàng nào không thuộc diện được giảm. Ví dụ như trong hóa đơn của siêu thị Big C Hải Dương mà người nhà tôi mua hàng ngày 10.2 có 5 mặt hàng, tổng số tiền phải trả là hơn 147.000 đồng, trong đó tổng tiền thanh toán cho hàng chịu mức 8% thuế GTGT là hơn 82.000 đồng, số tiền thuế được giảm là hơn 6.600 đồng. Còn hơn 55.000 đồng là hàng chịu thuế 5%. Như vậy, nếu nhìn vào hóa đơn này, người mua không thể biết trong số hàng hóa kia loại nào chịu mức thuế GTGT 5%, loại nào chịu mức thuế 8%. Còn hóa đơn mua hàng tại một cửa hàng của Winmart thì chỉ ghi giá đã bao gồm thuế GTGT nên rất khó để khách hàng biết đã được giảm thuế hay chưa?
Trưa 12.2, chúng tôi ăn trưa tại một nhà hàng lớn ở TP Chí Linh, khi thanh toán, nhà hàng cũng viện lý do chưa có hóa đơn nên chỉ in ra một tờ danh sách món, giá mỗi món, tổng số tiền phải thanh toán nên khách hàng hoàn toàn không rõ đã được giảm 2% thuế GTGT chưa. Qua khảo sát sơ bộ còn một số siêu thị, khách sạn, nhà hàng ở Hải Dương chưa triển khai việc giảm thuế GTGT cho khách. Ở các cửa hàng bán lẻ của tư nhân thì điều này càng khó được thực hiện vì việc thanh toán không có hóa đơn. Nhiều khách hàng cũng chưa quan tâm đến chính sách mới bởi họ cho rằng số tiền được giảm thuế chẳng đáng là bao.
Việc nhiều doanh nghiệp, nhà hàng, hộ kinh doanh cố tình chậm trễ thực hiện chính sách giảm thuế GTGT đang ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của khách hàng.
Mới đây, Tổng cục Thuế đã có công điện gửi các đơn vị trong ngành yêu cầu đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến cho người dân, phối hợp với cơ quan chức năng trong kiểm tra, giám sát để chính sách hỗ trợ người tiêu dùng đi ngay vào cuộc sống. Để bảo vệ quyền lợi của chính mình, mỗi người tiêu dùng nên quan tâm tìm hiểu và đừng ngại nhắc nhở người bán hàng để bảo đảm quyền lợi chính đáng của chính mình.
HIẾU THUẬN