Khu vườn của ông ngoại

Các em viết - Ngày đăng : 09:42, 20/02/2022

Mỗi khi mùa xuân về, lòng tôi lại nôn nao nhớ hương vị quen thuộc nơi mảnh vườn nhỏ của ông.



Mỗi khi mùa xuân về, lòng tôi lại nôn nao nhớ hương vị quen thuộc nơi mảnh vườn nhỏ của ông.

Khu vườn ấy được hình thành từ những thửa ruộng trước kia, ông chắp vá, cải tạo, bồi thêm đất trồng cây, đào ao nuôi cá, xây chuồng nuôi lợn lấy thịt chia cho gia đình nhà tôi, nhà chú Nam, chú Thắng,... vào mỗi dịp Tết. Ông còn thả thêm đàn vịt, đàn gà. Trẻ con chúng tôi ai cũng thích thú với đàn vịt của ông. Nếu muốn làm thủ lĩnh khu vườn thì chỉ cần một nắm cám trong tay mà thôi, tôi đã có một đội quân vịt với áo giáp trắng, mặt nạ dát vàng lạch bạch chạy theo. Nhưng đáng yêu nhất lại là đàn lợn đen lười nhác, lúc nào cũng kêu “ét ét ét” khi đói, hay rúc vào nhau ngủ khi đã no căng. Ông tôi còn xây một căn bếp riêng để nấu cám cho chúng nữa. Ông bảo ông không nuôi bằng cám tăng trọng vì sẽ khiến thịt lợn không còn thơm ngon nữa.

Cứ mỗi khi gió xuân thoảng qua, mùi hương hoa quả trong vườn lại lan tỏa khắp không gian, ngào ngạt cả căn phòng ông nghỉ trên cái chòi cao và khô ráo. Những cây ổi ông trồng sai trĩu quả, nặng cong cả cành lả ngang với mặt nước, soi những cái đầu trọc lốc ngộ nghĩnh khiến đàn rô phi thích thú lao lên đớp bóng lách chách. Điểm xuyết khắp khu vườn là những chùm hoa cam, hoa  bưởi trắng tinh khôi, lấp lánh dưới ánh nắng như một chùm pha lê với vẻ đẹp ngây ngất lòng người. Tôi yêu lắm mùi hương ngọt ngào, quyến rũ của hoa cam, hoa bưởi và đã từng cùng cậu bạn thân đi nhặt những bông hoa rụng về đun lên cất nước hoa. Bạn tôi yêu thơ Nguyễn Bính, nên thường ngân nga những câu thơ đẹp: Hai đứa thường nhân buổi vắng nhà/Người ta bắt chước chị người ta!/Ra vườn nhặt những hoa cam rụng/Về bỏ đầy nồi cất nước hoa…

Những thứ tưởng chừng giản dị nhưng khi ở trong khu vườn này, chúng tôi lại thấy nó đẹp đến nao lòng. Vài cây hồng xiêm ông chăm chút tỉ mỉ được trồng ở hai bên tường rào vun bằng những viên gạch cũ, trái nào trái nấy to tròn bằng nắm tay lủng lẳng trên cành, chễm chệ ở ngọn cây, được coi là kho báu màu đất của khu vườn. Nhưng có lẽ buồn nhất khi nhìn vào là cây vú sữa (là tôi cảm thấy vậy). Mỗi khi nhìn thấy lá cây mặt xanh, mặt hồng ấy, lòng tôi lại trĩu nặng về hình ảnh người mẹ với đôi mắt đỏ hoe vì mong chờ con trở về, hy vọng ngay cả khi tàn hơi… Câu chuyện đó ông kể cho chúng tôi nghe từ khi chúng tôi chỉ là những cô bé, cậu bé còn học tiểu học, nó đã khắc sâu trong tiềm thức tôi về tình mẫu tử, rằng tình cảm ấy thiêng liêng và cao quý đến nhường nào. Quả vú sữa tròn trĩnh, trắng trong, ngọt nhẹ và thơm mát như dòng sữa mẹ.

Mỗi lần “đột nhập” vào khu vườn của ông, tôi lại nghịch ngợm trèo lên cây xoài, cây khổng lồ nhất trong số các loại cây ở đây để hít căng lồng ngực mùi hương thơm hăng hắc, là lạ của thân, của lá cây. Quả xoài vàng ươm ẩn trong vòm lá sum suê, mang hương thơm nồng ấm và đặc trưng của mùa hè, quả to và bự nhất bằng cái bình giữ nhiệt mà ông tôi hay đựng nước chè, ngon, ngọt vô cùng… Nhiều lúc thấy ông vất vả, bố tôi thường càu nhàu, muốn ông nghỉ ngơi. Nhưng ông lại bảo khi lao động ông thấy khỏe và vui. Ông bảo đã chứng kiến nhiều những đứa trẻ thụ động với những thứ đồ chơi, trò chơi thông minh, hiện đại. Khi còn công tác trên thành phố, ông đã lo lắng rất nhiều cho những đứa cháu của mình. Ông mong ước rời phố về quê, có mảnh vườn nhỏ trồng trọt và chăn nuôi, tìm lại chốn bình yên giản dị cho tâm hồn và để các cháu ông có chỗ vui chơi.

Khu vườn này là tài sản của ông, là tuổi thơ vô giá của chúng tôi và là cả những trăn trở cho thế hệ sau này. Tôi yêu khu vườn của ông, yêu tiếng hát của ông. Giữa những tia nắng xuân còn vương chút se lạnh của mùa đông rớt lại, tiếng hát của ông trầm ấm khác với tiếng hát ru của mẹ, không say đắm như tiếng vỗ về của bà nhưng lại in sâu trong tâm hồn tôi, thấm đẫm vào quãng thời gian thơ ấu trong sáng và ngọt ngào nhất của tôi. Khu vườn của ông là chốn diệu kỳ, là nơi chứa đựng ký ức của tôi và là nơi ông đã cho tôi một tuổi thơ đầy ý nghĩa.         

 PHẠM NGÂN HÀ
(Nhóm bút Hương Hoàng Lan, thị trấn Cẩm Giang, Cẩm Giàng)