Căng thẳng Nga-Ukraine bộc lộ rạn nứt trong nội bộ NATO

Tin tức - Ngày đăng : 16:09, 21/02/2022

Căng thẳng Nga-Ukraine đang làm bộc lộ những mâu thuẫn bên trong các nước thành viên NATO ở châu Âu liên quan đến các ưu tiên an ninh và kinh tế.

Trong khi các nhà bình luận địa chính trị đang tập trung sự chú ý đến biên giới của Nga với Ukraine, thì một diễn biến thú vị hơn đang dần nổi lên: căng thẳng Nga-Ukraine có thể dẫn đến việc định hình lại các mối quan hệ quốc tế - đặc biệt là đối với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Đó là nhận định của học giả Mỹ José Niño trên trang web của Viện Mises (Mises.org) thuộc trường kinh tế học của Áo, có trụ sở tại Mỹ, mới đây.

Chú thích ảnh

Một binh sĩ cầm cờ NATO tại Litva

Được thành lập vào năm 1949, NATO bắt đầu chỉ với 12 quốc gia thành viên. Hiện tại, NATO có 30 thành viên và lãnh đạo an ninh quốc gia Anh-Mỹ muốn Gruzia và Ukraine gia nhập. Trong cả hai trường hợp này, viễn cảnh trở thành thành viên NATO đang ở trong tình trạng mờ mịt.

Theo ông Niño, bất chấp những lời kêu gọi mở rộng NATO, liên minh quân sự này có thể xuất hiện một sự thay đổi bất ngờ. Kể từ khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố vào năm 2019 rằng NATO đang "chết não", một thực tế mới đã dần dần rõ nét ở lục địa châu Âu.

Căng thẳng Nga-Ukraine đang làm bộc lộ những mâu thuẫn bên trong các nước thành viên NATO ở châu Âu liên quan đến các ưu tiên an ninh và kinh tế. Các quốc gia như Italy đã có quan điểm cân bằng hơn đối với Nga, nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại trong khi duy trì quan hệ thương mại chặt chẽ.

Tổng thống Croatia Zoran Milanović mới đây tuyên bố rằng nước này sẽ rút toàn bộ lực lượng NATO khỏi Đông Âu nếu xung đột nóng giữa Ukraine và Nga nổ ra. Đức cũng đã từ chối gửi vũ khí sát thương cho Ukraine trong bối cảnh xuất hiện những cáo buộc về một cuộc xâm lược tiềm tàng của Nga. Các thành viên NATO khác như Hungary cho rằng những lo ngại về an ninh của Nga là hợp lý và đang hướng tới việc thúc đẩy thương mại khí đốt tự nhiên với Moskva.

Ở Pháp, các ứng cử viên tổng thống theo chủ nghĩa dân túy như Eric Zemmour đã kêu gọi thiết lập quan hệ giữa Nga và Pháp. Điều này bao gồm dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Nga và rời khỏi các tổ chức do Mỹ thống trị như NATO. 

Rõ ràng, Zemmour không phải là người ủng hộ quyền bá chủ của Mỹ. Trước đây, ông đã gợi ý rằng cuộc đổ bộ của Mỹ và Anh năm 1944 tại Normandy là bước đi khiến Pháp trở thành một quốc gia phụ thuộc vào Washington. Sự hoài nghi của ông Zemmour đối với ảnh hưởng của Mỹ ở Pháp tiếp tục diễn ra trong chiến dịch tranh cử tổng thống của mình, trong đó ông kêu gọi Pháp ngừng “trở thành công cụ của Mỹ”.

Ông Zemmour cho rằng Washington đang tìm cách lôi kéo các nước châu Âu chống lại Nga, nhấn mạnh "Mỹ đang nỗ lực chia rẽ Nga với Pháp và Đức, và mỗi khi họ xích lại gần nhau hơn, Washington lại tìm cách chia rẽ họ". Theo nhiều khía cạnh, Mỹ đang áp dụng chiến thuật chia để trị nhằm đảm bảo rằng mối quan hệ liên kết giữa Berlin-Paris-Moskva không bao giờ xảy ra trên lục địa châu Âu.

Tổng thống Pháp đương nhiệm Emanuel Macron cũng không phải là người ủng hộ nhiệt tình nhất cho một trật tự do mà Mỹ lãnh đạo. Ông Macron thừa nhận nhu cầu đối thoại giữa Nga và Pháp, một kiểu đối thoại mà các cường quốc phương Tây khác không muốn. Hầu hết các “nền dân chủ tự do” đều cho rằng bất kỳ quốc gia nào đi lệch khỏi các chuẩn mực chính trị của họ đều không đáng được đối thoại và phải bị quốc tế cô lập.

Những lo ngại của Pháp về ảnh hưởng của Mỹ phản ánh một di sản về chính sách đối ngoại của cựu Tổng thống Charles de Gaulle. Ông Gaulle đã đưa ra quan điểm là phải duy trì sự bình đẳng của Pháp với những “gã khổng lồ trong Chiến tranh Lạnh - gồm Liên Xô và Mỹ - để Pháp có thể vạch ra con đường của riêng mình”. Trong quá khứ, quyết định của ông Gaulle rút Pháp khỏi bộ chỉ huy quân sự  hỗn hợp của NATO là một trong những động thái táo bạo nhất mà ông đã thực hiện để tách nước này khỏi ảnh hưởng của Mỹ.

Ngoài ra, NATO còn phải đối mặt với những vấn đề nội bộ giữa các quốc gia thành viên. Ví dụ, Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp - đều là thành viên của NATO - vẫn tồn tại tranh chấp về các yêu sách năng lượng ở phía Đông Địa Trung Hải năm 2020. Pháp đã cân nhắc gửi tàu chiến và áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ nếu nước này tiếp tục leo thang với Hy Lạp vào thời điểm đó. 

Ngay cả đối với Trung Quốc, quốc gia mà Mỹ coi là thách thức chiến lược hàng đầu của mình, các thành viên NATO cũng không cùng quan điểm. Ví dụ, vào mùa Hè năm 2021, Hungary đã chặn tuyên bố của Liên minh châu Âu chỉ trích luật an ninh quốc gia của Trung Quốc ở Đặc khu hành chính Hong Kong và đã mở cửa cho đầu tư của Trung Quốc. Ba Lan, một đồng minh quan trọng của Mỹ chống Nga, đã không tham gia tẩy chay ngoại giao Olympic mùa Đông Bắc Kinh 2022 mà Mỹ phát động.

Một trong những hạn chế mang tính giáo điều trong chính sách đối ngoại phổ quát mà NATO tuân theo là không nhận ra các nước đều có lợi ích quốc gia riêng của họ. Các thành viên của Khối luôn ủng hộ chương trình nghị sự của Washington, hoàn toàn phớt lờ các ưu tiên đa dạng và chiến lược lớn của từng nước thành viên. 

Tuy nhiên, bối cảnh quốc tế và thực tế nội bộ NATO đang thay đổi có thể tạo ra một sự điều chỉnh đáng kể trong chính sách đối ngoại của những thành viên ở châu Âu trong tương lai. Các chính sách kinh tế và đối ngoại không bền vững của Mỹ sẽ dẫn đến bất ổn kinh tế xã hội, khiến nước này có thể trở thành một đối tác kém hấp dẫn hơn để liên kết. Với rất nhiều vấn đề nội bộ ở trong nước, Mỹ sẽ gặp khó khăn hơn trong việc dành nguồn lực cho các hoạt động quốc tế của mình.

Ông Niño lưu ý, việc làm sáng tỏ tiềm năng của NATO trong thời gian tới có thể đánh dấu sự khởi đầu cho việc chấm dứt sự bá quyền của Mỹ và mở ra một kỷ nguyên mới, với các quốc gia thành viên có tầm nhìn khác biệt về thương mại, chính sách đối ngoại. Điều này cũng sẽ khuyến khích các nước thành viên theo đuổi các chính sách đối ngoại độc lập hơn và bắt đầu tự quyết định vấn đề quốc phòng của mình, giống như tất cả các quốc gia có chủ quyền khác.

Theo Báo Tin tức