Xung đột giữa nhà mạng và ngân hàng quanh phí SMS Banking

Kinh tế - Ngày đăng : 07:20, 27/02/2022

Ngân hàng than lỗ vì cước phí SMS Banking cao, nhà mạng cũng đau đầu vì bài toán bớt lợi nhuận hay giữ chân khách hàng.

Lâu nay, khách hàng đều quen thuộc với việc nhận thông báo thay đổi số dư và mã xác thực một lần OTP bằng tin nhắn. Tuy nhiên, các ngân hàng phải trả phí SMS này cho nhà mạng với mức giá đắt gấp ba so với thông thường.

Mobifone và Vinaphone thu của các ngân hàng 820 đồng một tin nhắn, Viettel thu 785 đồng một tin nhắn. Phí SMS cao cộng với lượng giao dịch online ngày một tăng khiến nhiều nhà băng gánh lỗ trăm tỷ vì dịch vụ này.

Một vài nhà băng lớn gần đây buộc phải tăng phí dịch vụ SMS Banking thu trên khách hàng, cao nhất lên tới 82.500 một tháng. Điều này gây ra làn sóng phản ứng từ nhiều người dùng dịch vụ ngân hàng.

Ngày 26.2, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) nói: "Trên thực tế, các ngân hàng thu phí SMS Banking để trả tiền cho nhà mạng và họ không có lời từ dịch vụ này".

Nhiều ngân hàng trước đây bù đắp phần lỗ từ dịch vụ SMS Banking nhờ thu phí giao dịch online của khách hàng. Tuy nhiên, kể từ khi phần lớn miễn phí giao dịch trực tuyến, các nhà băng đặc biệt là những bên có lượng khách hàng lớn - không có nguồn thu bù đắp, ông Hùng chia sẻ.

Các nhà băng hai năm nay nhiều lần kiến nghị nhà mạng giảm cước tin nhắn dịch vụ tài chính ngân hàng nhưng không nhận được bất kỳ phản hồi nào.

Tới ngày 25.2, tại cuộc họp do Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) tổ chức, các nhà mạng viễn thông đã lần đầu tiên đưa ra giải pháp "thu phí tin nhắn theo phương án trọn gói".

Các nhà mạng chưa nêu cách thu phí trọn gói cụ thể như thế nào vì cần bàn thêm, nhưng theo ông Nguyễn Quốc Hùng đây là tín hiệu tốt - bước đầu ghi nhận họ cũng đang tìm kiếm phương án hài hòa lợi ích hơn cho cả đôi bên.

"Lâu nay, SMS ngân hàng gửi tới khách hàng đang bị thu phí trên từng tin nhắn và tính luỹ tiến tương tự như thu phí tiền điện. Tuy nhiên, các nhà mạng dự kiến thu phí không giới hạn số lượng tin nhắn gửi. Cách tính này theo tôi sẽ hợp lý hơn", ông Hùng nói.

Chủ tài khoản ngân hàng thường xuyên nhận tin nhắn báo mã OTP qua tin nhắn. Ảnh: Quỳnh Trang

Trên thực tế, các nhà mạng cũng phải cân đối giữa bài toán về lợi nhuận và giữ chân khách hàng.

Do tin nhắn dịch vụ tài chính ngân hàng có độ bảo mật cao nên đơn vị viễn thông buộc phải tính phí cao hơn so với tin nhắn thông thường. Tuy nhiên, nếu nhà mạng thu phí quá cao - các ngân hàng sẽ tìm cách hạn chế khách hàng dùng tính năng SMS Banking, điển hình bằng cách tăng thu phí dịch vụ này.

Việc gửi thông báo bằng tin nhắn phát sinh chi phí lớn và rủi ro SMS Brand name (giả mạo ngân hàng) cũng khiến các nhà băng có xu hướng chuyển dịch khách sang kênh ứng dụng ngân hàng và dịch vụ xác thực Smart OTP. Trong kịch bản giữ nguyên mức phí hiện tại, nhà mạng cũng sẽ bất lợi khi mất đi lượng khách hàng lớn, phó giám đốc của một nhà băng nhận xét.

Nói về việc giả mạo tin nhắn thương hiệu ngân hàng (SMS brandname) - tình trạng này diễn ra ngày càng phổ biến, vừa gây rủi ro mất tiền cho khách hàng vừa ảnh hưởng uy tín của ngân hàng. Tuy nhiên, vấn đề này theo lãnh đạo doanh nghiệp viễn thông - không xuất phát từ hệ thống của nhà mạng mà do các đối tượng tội phạm sử dụng các trạm di động ảo để chèn sóng.

Các nhà mạng đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông truy tìm các đối tượng tội phạm. Tuy nhiên, để ngăn chặn triệt để tình trạng tin nhắn lừa đảo SMS brandname, nhà mạng viễn thông cho rằng "chỉ khi nào loại bỏ điện thoại sử dụng sóng 2G, tình trạng này mới có thể chấm dứt".

Để hạn chế, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đề nghị Tổng cục Hải quan và Tổng cục Quản lý thị trường có giải pháp kiểm soát chặt chẽ các thiết bị nhập khẩu vào Việt Nam.

Theo VnExpress