Nhiều điểm mới trong Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị

Chính trị - Ngày đăng : 17:14, 02/03/2022

Ngày 1.3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có Quyết định số 357-QĐ/TU ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị tỉnh Hải Dương (sau đây gọi tắt là Quy chế số 357).


Quyết định ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị tỉnh Hải Dương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy

Quy chế số 357 quy định trách nhiệm, cơ chế, phương thức thực hiện công tác dân vận trong hệ thống chính trị tỉnh, gồm có 4 chương, 29 điều, giảm 1 chương, 4 điều so với Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị tỉnh Hải Dương ban hành kèm theo Quyết định số 139-QĐ/TU ngày 15.3.2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (sau đây gọi tắt là Quy chế số 139). Quy chế số 357 được xây dựng trên cơ sở kế thừa những điểm còn hợp lý của Quy chế số 139 (đồng thời thay thế Quy chế số 139) và loại bỏ, sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung mới để phù hợp với quy định hiện hành và tình hình thực tế.

Trong chương “Những quy định chung”, so với Quy chế số 139, Quy chế số 357 đã bổ sung nội dung mới là các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, người đứng đầu các địa phương, cơ quan, đơn vị trong tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đối với công tác dân vận gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, phân công lãnh đạo, cán bộ trực tiếp phụ trách công tác dân vận.

Điều 9 về trách nhiệm của các cơ quan tham mưu giúp việc Tỉnh ủy và Trường Chính trị tỉnh, Quy chế số 357 bổ sung quy định trách nhiệm Ban Nội chính Tỉnh ủy trong việc hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nghị quyết và văn bản của Đảng về công tác tiếp công dân, giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Điều 13 về trách nhiệm của các sở, ngành, Quy chế số 357 bổ sung yêu cầu các sở, ngành tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị gắn với công tác dân vận; tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, cá nhân đóng góp ý kiến, giám sát, phản biện trong tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật, nhất là những chính sách, pháp luật liên quan trực tiếp đến đời sống của nhân dân trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình.

Quy chế mới cũng bổ sung thêm trách nhiệm của MTTQ tỉnh (điều 17) trong việc tham gia và vận động nhân dân đóng góp ý kiến xây dựng chính sách, pháp luật và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật; tiếp công dân, tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Trách nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh (điều 18) được bổ sung nội dung giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến quyền, lợi ích, nghĩa vụ của đoàn viên, hội viên và nhân dân; quy chế dân chủ ở cơ sở; việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu; thực hiện phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng…

NINH TUÂN