Tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine với Liên hợp quốc
Tin tức - Ngày đăng : 05:34, 14/03/2022
Theo bình luận của ông Richard Gowan, Giám đốc Nhóm Khủng hoảng Quốc tế thuộc LHQ, trên tờ Các vấn đề Đối ngoại (Foreign Affairs) ngày 10/3, trong bối cảnh Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đang đối mặt với hàng loạt thách thức, các thành viên chủ chốt sẽ cần phải xem họ có thể sử dụng những cơ chế nào trong hệ thống LHQ để hạn chế bất ổn quốc tế.
Bên cạnh đó, xung đột Ukraine cũng là phép thử nghiêm trọng nhất cho chủ nghĩa đa phương kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc với những tác động ngoại giao quốc tế sâu rộng. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể duy trì các cơ chế quan trọng của hệ thống LHQ để hạn chế các cuộc khủng hoảng trong tương lai.
Ông Gowan cho rằng cuộc xung đột ở Ukraine có tác động lâu dài đối với LHQ. Nếu cuộc xung đột kéo dài, Nga và Mỹ sẽ rất khó, thậm chí là không thể hợp tác trong các cuộc khủng hoảng khác thông qua HĐBA. Mỹ, Anh và Pháp - những đại diện cho ba trong số năm ghế ủy viên thường trực có quyền phủ quyết trong HĐBA LHQ - sẽ phải tìm hiểu xem liệu một số vấn đề, ví dụ chương trình hạt nhân của Iran và Triều Tiên, họ có thể tiếp tục phối hợp với Nga hay không.
Bất đồng và cạnh tranh
Hiện đã có cuộc thảo luận trong giới học thuật và LHQ về việc cải tổ Hiến chương liên quan tới quyền phủ quyết của các ủy viên thường trực HĐBA. Đây là quan điểm nhằm thỏa hiệp trên phương diện chính trị, song hầu như không thể thực hiện được vì Nga và các cường quốc khác có thể ngăn chặn việc cải tổ Hiến chương LHQ.
Trên thực tế, trong khi Mỹ có thể chỉ trích việc Nga sử dụng quyền phủ quyết của mình liên quan đến Ukraine, chính Washington cũng đã sử dụng quyền phủ quyết của mình để phản đối các sáng kiến hoặc các nghị quyết của HĐBA mà Mỹ không thích. Vì vậy, cuộc xung đột ở Ukraine nhiều khả năng một lần nữa khiến dư luận đặt câu hỏi về vai trò của LHQ trong việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.
Trước khi xung đột ở Ukraine nổ ra, căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc, Nga và Mỹ đã ảnh hưởng đến HĐBA. Căng thẳng giữa các nước có quyền phủ quyết của HĐBA đã phủ bóng đen lên LHQ trước khi căng thẳng leo thang ở Ukraine. Tổng thư ký LHQ António Guterres từng cảnh báo rằng mối quan hệ giữa ba nước “chưa bao giờ bất ổn như hiện nay”.
Với việc Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức, hy vọng về việc Washington cải thiện hợp tác với Moskva thông qua LHQ đã nổi lên. Năm ngoái, Mỹ đi đầu trong một nỗ lực ngoại giao thành công nhằm thuyết phục Moskva gia hạn ủy quyền của HĐBA cho phép LHQ hỗ trợ nhân đạo cho các khu vực không do chính phủ kiểm soát ở Syria.
Ông Biden đã trực tiếp nêu vấn đề này với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại hội nghị thượng đỉnh vào tháng 6/2021 ở Geneva và Moskva đã đồng ý. Bà Linda Thomas-Greenfield, Đại sứ Mỹ tại LHQ, tuyên bố rằng hai cường quốc có thể “làm việc cùng nhau để tìm ra các giải pháp và đưa ra các hành động đối với những thách thức cấp bách nhất của thế giới”.
Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, các nhà ngoại giao Mỹ và châu Âu sẽ khó hợp tác với Nga nếu xung đột kéo dài ở Ukraine. Quan điểm rằng Moskva và Washington có thể sử dụng LHQ như một kênh để giải quyết các vấn đề toàn cầu hiện nay có vẻ thiếu thực tế. Tại New York, các nhà ngoại giao Mỹ lo ngại rằng bất đồng về vấn đề Ukraine sẽ khiến các cuộc đàm phán về các vấn đề khác trở nên khó khăn hoặc không thể thực hiện được.
Trong quá khứ, sau sự kiện Nga sáp nhập Crimea năm 2014, Mỹ và Nga vẫn tìm được cách hợp tác trong các vấn đề khác, từ gìn giữ hòa bình ở châu Phi đến thỏa thuận hạt nhân Iran. Lần này, sau chiến dịch quân sự của Nga, các nhà ngoại giao tại HĐBA một lần nữa tìm cách duy trì hợp tác thường xuyên đối với các chương trình nghị sự khác. Nga và Mỹ đã ký vào một tuyên bố ủng hộ việc tiếp tục giúp đỡ nhân đạo cho Syria, mặc dù cuối cùng Pháp đã chặn việc này với lý do bây giờ không phải là thời điểm để thực hiện các lập trường chung với Moskva.
Vào cuối tháng 2/2022, HĐBA đã thông qua một nghị quyết mở rộng các biện pháp trừng phạt đối với Yemen. Hiện Mỹ và Nga đã cố gắng tiếp tục phối hợp trong các cuộc đàm phán ở Vienna về việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran, mặc dù Moskva yêu cầu Mỹ đảm bảo rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây sẽ không gây hại cho thương mại Nga-Iran trong tương lai.
Nhưng các thành viên trong HĐBA thừa nhận rằng sẽ rất khó khăn để duy trì hoạt động hợp tác như bình thường trong thời gian dài nữa. Các nhà ngoại giao Mỹ và châu Âu sẽ khó có thể thảo luận một cách xây dựng với những người đồng cấp Nga trong khi cuộc xung đột ở Ukraine vẫn tiếp diễn, đặc biệt là nếu phương Tây duy trì các biện pháp trừng phạt đối với Moskva. Ngay cả khi Nga rút khỏi Ukraine thì cũng phải mất nhiều thời gian để các bên lấy lại niềm tin lẫn nhau.
Ngoài vấn đề Ukraine, một số nội dung trong chương trình nghị sự của HĐBA có thể thất bại do căng thẳng giữa Nga và phương Tây. Tại Libya, bất đồng giữa Moskva và các cường quốc NATO có thể làm suy yếu nỗ lực của LHQ nhằm duy trì thỏa thuận hòa bình năm 2020 đi đúng hướng. Trong khi đó, Pháp và Nga đang tranh ảnh hưởng ở các nước châu Phi cận Sahara. Mối quan hệ giữa Paris và Moskva ngày càng xấu đi sẽ khiến việc thống nhất các nhiệm vụ của LHQ đối với các lệnh trừng phạt, gìn giữ hòa bình và hòa giải tại khu vực này càng trở nên khó khăn hơn.
Một thách thức tiềm năng khác là thông qua nghị quyết hàng năm của LHQ chấp thuận sự hiện diện của lực lượng gìn giữ hòa bình EU ở Bosnia và Herzegovina. Nga đã gần như phủ quyết điều này vào tháng 11 năm ngoái do bất đồng với các đại diện của Mỹ và châu Âu về vai trò của Văn phòng Đại diện Cấp cao, được thành lập vào năm 1995 để giám sát việc thực hiện Hiệp định hòa bình Dayton. Moskva cho rằng văn phòng này quá thân phương Tây và không còn cần thiết. Đối mặt với các lệnh trừng phạt nặng nề của EU liên quan đến vấn đề Ukraine, Moskva có thể quyết định phủ quyết trong năm nay.
Vai trò không thể thiếu
Mặc dù giới ngoại giao phương Tây và các đối tác Nga sẽ đối mặt với những trở ngại ngày càng tăng trong các lĩnh vực hợp tác, nhưng sẽ chẳng có lợi ích gì khi biến các cuộc đàm phán thành những "trận đấu có tính điểm". LHQ vẫn có ý nghĩa lớn như một khuôn khổ để đối phó với các cuộc khủng hoảng bên ngoài Ukraine, chẳng hạn như thảm họa nhân đạo đang gia tăng ở Afghanistan và các ưu tiên không phổ biến vũ khí hạt nhân, trong đó có khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran.
Ở Afghanistan, các cơ quan viện trợ của LHQ có một vai trò quan trọng. Trong tháng này, các thành viên HĐBA đang đàm phán về nhiệm vụ mới cho Phái bộ Hỗ trợ của LHQ tại Afghanistan, nhằm điều phối công việc viện trợ này.
Nga và Trung Quốc đã đặt câu hỏi liệu LHQ có nên tiếp tục ưu tiên nhân quyền ở Afghanistan hay không, điều mà các nhà ngoại giao phương Tây cho là cần thiết. Tuy nhiên, tất cả các bên có thể sẽ ủng hộ sự hiện diện liên tục của LHQ ở quốc gia Trung Nam Á này để giúp ngăn chặn nguy cơ sụp đổ nhà nước và một cuộc khủng hoảng khu vực tiếp theo.
Nếu cuộc đàm phán ở Vienna về chương trình hạt nhân Iran thành công, HĐBA và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc giám sát Tehran quay trở lại tuân thủ các cam kết hạt nhân của mình. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ và Nga ở New York sẽ phải gạt bỏ những khác biệt của họ để theo dõi quá trình này.
Theo Báo Tin tức