Lo hậu COVID-19, nhiều gia đình sẵn sàng chi tiền triệu để chữa bệnh cho F0
Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 08:27, 14/03/2022
Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, điều này có thể bỏ lỡ thời gian vàng điều trị, nguy hiểm đến sức khỏe bởi mỗi người có một thể trạng khác nhau sẽ có cách dùng thuốc khác nhau, kể cả thuốc bổ.
Mới đây chị Lê Ngọc Nga, ngụ ở Quận 7, đã "mạnh tay" chi khoảng 45 triệu đồng để chữa bệnh COVID-19 cho ba mẹ con. Chị Ngọc Nga cho biết, khi phát hiện ba mẹ con dương tính với SARS-CoV-2, chị khá lo lắng, bối rối vì trong nhà còn có ông bà đã lớn tuổi. Để không ảnh hưởng đến ông bà và cũng phòng hậu COVID-19, chị Ngọc Nga đã đăng kí cho ba mẹ con vào một bệnh viện gần nhà để cách ly điều trị.
"Ba mẹ con không có triệu chứng nặng, chỉ sổ mũi và đau họng, sốt nhẹ… Sau hơn 1 tuần điều trị thì chúng tôi đã âm tính và được xuất viện, tổng chi phí cho cả ba mẹ con khi điều trị 1 tuần tại bệnh viện khoảng 45 triệu đồng. Dù biết là tốn tiền nhưng ở trong bệnh viện có bác sĩ tôi cũng thấy yên tâm hơn là sẽ không bị mắc hậu COVID-19. Để phòng hậu COVID-19, tôi còn mất khoảng 10 triệu đồng để mua thuốc phòng cho cả ba mẹ con", chị Nga cho biết.
Dù không bỏ tiền triệu cho việc điều trị COVID-19, chị Vũ Thúy An, ngụ ở TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) lại tập trung chi tiền triệu để mua các loại thuốc bổ để phòng hậu COVID-19.
Theo đó, chị Thúy An đã đặt mua 30 hộp thuốc đông y qua một người bạn giới thiệu trên mạng xã hội để bồi bổ cho cả nhà sau khi mắc COVID-19. Ngoài đặt thuốc đông y trên mạng, chị Thúy An còn mua nhiều loại thuốc đông y khác để bồi bổ cho cả gia đình. Tổng chi phí cho các loại thuốc bổ để chăm sóc 4 người gia đình sau khi mắc COVID-19 là khoảng 13 triệu đồng.
“Nghe bác sĩ tư vấn cần bồi bổ sức khỏe sau khi mắc COVID-19, tôi đã mua thuốc bổ phổi, mát gan, thông kinh mạch... qua những người bạn của tôi đã dùng trước đó. Toa thuốc chữa hậu COVID-19 gồm 40 thang thuốc bắc (dùng cho 4 người) được nhà thuốc nấu cô đặc theo từng bịch nhỏ. Mỗi ngày tôi chỉ cần uống một bịch, trong vòng một tháng là về sau sẽ không bị hậu COVID-19. Toa thuốc này do một nhà thuốc đông y ở khu Hải Thượng Lãn Ông (Quận 5) bán với giá 1 triệu đồng/10 thang. Ngoài dùng thuốc đông y, tôi còn đặt mua một hộp thuốc bổ phổi xuất xứ Hàn Quốc với giá gần 8 triệu đồng để cho cả gia đình dùng bồi bổ phổi sau khi mắc COVID-19”, chị Thúy An nói.
Theo chị Thúy An, các loại thuốc bổ chữa các triệu chứng hậu COVID-19 mà chị mua chủ yếu gồm các chất như: sâm Hàn Quốc, yến đảo, xuyên tâm liên, cát cánh, thiên ma… "Sau 1 tuần sử dụng tôi cũng thấy khá tốt khi mình và các con ăn ngon và ngủ sâu giấc. Còn các tác dụng khác về sau của thuốc như nào thì tôi cũng không chắc nhưng hiện giờ thấy mọi người trong nhà ai cũng khỏe mạnh thì dù có chi bao nhiều tiền tôi cũng chấp nhận, bởi không gì quan trọng bằng sức khỏe", chị Thúy An cho biết.
Theo Tiến sĩ Trương Thị Ngọc Lan, Phó Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP Hồ Chí Minh, đa số các triệu chứng hậu COVID-19 phần lớn là do suy nhược cơ thể, mỗi người một thể trạng nên sẽ có bài thuốc tương ứng khác nhau. Trong đông y hiện nay không có bài thuốc nào điều trị chung cho tất cả các hội chứng hậu COVID-19. Vì vậy, khi khỏi bệnh, người dân cần thận trọng đặt mua hay dùng thuốc dù là đông y hay tây y trên mạng hay không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
“Hiện nay, mạng xã hội xuất hiện nhiều bài thuốc đông y bán cho người bệnh với quảng cáo là chữa hậu COVID-19, điều này hết sức nguy hiểm. Bởi người bệnh không thể biết được nguồn gốc xuất xứ của thuốc ra sao, đã được Bộ Y tế cấp phép chưa... Vì vậy, bệnh nhân sau khi khỏi COVID-19 không thể dựa trên mạng xã hội hay dựa theo bạn bè, người thân giới thiệu để mua thuốc trên mạng về uống, tránh sau này phải "tiền mất tật mang". Nguyên tắc chữa bệnh của các bác sỹ là phải khám bệnh trực tiếp cho người bệnh, sau đó mới bốc thuốc bổ hay thuốc trị bệnh cho từng người khác nhau”, Tiến sĩ Trương Thị Ngọc Lan nói
Trong khi đó, theo TS. BS Huỳnh Tấn Tiến, khoa Y, Đại học quốc tế Hồng Bàng, hiện nhiều bệnh nhân sau khi mắc COVID-19 đã gặp các triệu chứng tồn tại dai dẳng, thậm chí phải quay trở lại bệnh viện để điều trị. Các kết quả nghiên cứu cho thấy, có 33 - 76% người bệnh có thể gặp triệu chứng hậu COVID-19 kéo dài ít nhất 6 tháng sau khi mắc bệnh, 20% người bệnh phải tái nhập viện; 80% người bệnh phải theo dõi tại cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu trong vòng 2 tháng sau xuất viện.
"Ngoài ra, hậu COVID-19 có thể từ bên ngoài như rụng tóc, nổi ban, tiêu chảy... cho đến phía bên trong như viêm phổi, đau khớp... điều trị sẽ tập trung vào từng cơ quan, bộ phận. Mặt khác, theo các nghiên cứu, có 200 triệu chứng khác nhau liên quan đến hậu COVID-19 nên không có thuốc nào có thể chữa bách bệnh. Các loại thực phẩm chức năng được rao bán trên mạng chỉ có tác dụng hỗ trợ, không thể thay thế thuốc chữa bệnh. Trong số các triệu chứng tổn thương cơ quan ở phía trong, nhiều trường hợp xét nghiệm lại thấy chỉ số xét nghiệm bình thường, nhưng không phải không có bệnh, bác sĩ vẫn ghi nhận có biện pháp can thiệp kịp thời từ hành vi, lời nói, tư vấn...", bác sĩ Huỳnh Tấn Tiến cho biết thêm.
Theo các chuyên gia y tế, dù khỏi COVID-19, người bệnh cần phải tiếp tục theo dõi và nâng cao sức khỏe toàn diện, phục hồi chức năng, vật lý trị liệu, dinh dưỡng và chăm sóc tinh thần, giấc ngủ như: có thể tập thở hàng ngày bằng cách hít vào, thở ra chậm, hít sâu dần dần và thở ra nhẹ nhàng không vội vã và nhịp độ tăng lên từng ngày. Hoặc có thể tập thể dục hàng ngày như đi bộ chậm, tập thể dục nhẹ, đạp xe đạp rất chậm, tập dưỡng sinh. Người bệnh sau khi khỏi cũng có thể ăn uống đúng cách bằng việc chia bữa ăn thành 3-5 bữa mỗi ngày, tùy theo sức ăn của người bệnh và kết hợp đa dạng thực phẩm trong khẩu phần ăn; nên ăn nhiều rau, trái cây, uống đủ nước, uống thêm nước ép trái cây, uống sữa, ăn chuối chín để bổ sung kali. Bổ sung các loại vi chất do tác hại của bệnh COVID-19 nên ăn các loại thực phẩm có nhiều vi chất như: cá, tôm, cua, hào, nghêu sò… Cuối cùng là người bệnh cần chăm sóc sức khỏe tinh thần bằng việc ngủ đủ giấc, nghe nhạc, thư giãn và trao đổi thông tin với mọi người xung quanh để cuộc sống trở lại bình thường.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thành Hòa, chuyên khoa Nội tổng quát cho biết, việc điều trị hậu COVID-19 không phải chỉ riêng việc dùng thuốc mà vẫn phải kết hợp với vật lý trị liệu, chế độ dinh dưỡng hợp lý. Cụ thể như việc tập thể dục có vai trò rất quan trọng trong điều trị hậu COVID-19, giúp cải thiện máu huyết lưu thông, tăng sức đề kháng. Người bệnh nên chọn những môn thể dục yêu thích, duy trì đều đặn tập cường độ càng ngày càng gia tăng theo sức chịu đựng... Bên cạnh đó, người dân không nên quá tập trung đầu tư mua nhiều loại thuốc bổ mà không rõ nguồn gốc xuất xứ, cách dùng, sử dụng... để sau này lại bị ảnh hưởng đến sức khỏe.
Theo báo Tin tức