Thu gom, vận chuyển chất thải sinh hoạt nông thôn thu không đủ chi

Công nghiệp - Ngày đăng : 15:19, 18/03/2022

Hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn do mức hỗ trợ không đủ bù chi phí hoạt động, người lao động thường xuyên nghỉ việc.

Do đặc thù công việc vất vả nên nhiều lao động của Công ty CP Vệ sinh môi trường Cẩm Giàng HD đã nghỉ việc


Hỗ trợ chưa phù hợp

Hiện các địa phương thuộc đối tượng hỗ trợ theo đề án “Thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt ở khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020” đang thực hiện theo Quyết định số 32/2019/QĐ-UBND ngày 12.7.2019 của UBND tỉnh. Theo quyết định này, có 3 mức hỗ trợ vận chuyển rác thải rắn sinh hoạt phân theo cự ly. Cự ly vận chuyển đến 15 km được tỉnh hỗ trợ 165.000 đồng/tấn; từ trên 15 km đến 20 km được hỗ trợ 174.000 đồng/tấn và trên 20 km được hỗ trợ 193.000 đồng/tấn. 

Nhiều doanh nghiệp thực hiện thu gom, vận chuyển chất thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh cho rằng, hiện nay mức hỗ trợ này chưa phù hợp. Đặc biệt, mức hỗ trợ đối với cự ly hơn 20 km còn thấp, không sát thực tế di chuyển tại nhiều địa phương. 

Công ty CP Môi trường APT - Seraphin Hải Dương (ở xã Việt Hồng, Thanh Hà) đã ký hợp đồng đặt hàng cung ứng dịch vụ vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt cho 29 xã, thị trấn của các huyện Thanh Hà, Kim Thành, Tứ Kỳ. Theo tính toán sơ bộ, từ năm 2019 đến nay, công ty đã thu gom, xử lý trên 39.000 tấn rác thải sinh hoạt cho các xã, thị trấn nói trên. 2 năm nay, đơn vị gặp nhiều khó khăn.

Ông Bùi Quang Bồng, Phó Giám đốc Công ty CP Môi trường APT - Seraphin Hải Dương cho biết có địa phương cách nơi xử lý rác của công ty hơn 25 km, đặc biệt có nơi lên đến hơn 30 km như thị trấn Tứ Kỳ (Tứ Kỳ). Việc áp dụng cùng một mức hỗ trợ đối với cự ly vận chuyển trên 20 km như hiện nay chưa phù hợp thực tế, không bảo đảm chi phí để doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ thu gom, vận chuyển. 

Cùng tình cảnh này, hơn một năm nay, Công ty CP Vệ sinh môi trường Cẩm Giàng HD ở thị trấn Lai Cách (Cẩm Giàng) cũng thường xuyên phải bù lỗ trong quá trình hoạt động. Hằng ngày, doanh nghiệp này thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt tại 9 xã trên địa bàn các huyện Cẩm Giàng, Gia Lộc về nhà máy xử lý rác thải tại xã Việt Hồng. Trung bình mỗi ngày công ty thu gom từ 50 - 80 tấn rác. Lãnh đạo công ty này cho rằng, việc hỗ trợ cùng một mức đối với quãng đường hơn 20 km như hiện nay thấp, không phù hợp thực tế di chuyển trong quá trình thu gom rác của doanh nghiệp. 

Ông Nguyễn Khắc Nghĩa, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cẩm Giàng cho biết, thực tế việc thu gom chất thải sinh hoạt tại một số xã trên địa bàn gặp nhiều khó khăn. Phản ánh của doanh nghiệp là đúng. Huyện Cẩm Giàng có 7 xã được tỉnh hỗ trợ thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt theo đề án của tỉnh. Các địa phương thường bố trí điểm tập kết rác thải xa khu dân cư. Việc thu gom về nơi xử lý nhiều xã xa hơn 30 km, thậm chí có xã lên tới hơn 40 km do phải di chuyển ngược xuôi qua quốc lộ 5.

Doanh nghiệp phải bù lỗ

Hiện nay, các doanh nghiệp thu gom, vận chuyển xử lý rác thải còn gặp nhiều khó khăn khác khi phải gánh hàng loạt chi phí tăng thêm như chi phí phòng chống dịch Covid-19 cho người lao động. Ông Nguyễn Đức Quang, Giám đốc Công ty CP Vệ sinh môi trường Cẩm Giàng HD cho biết, 2 năm nay, mỗi năm công ty phải đầu tư thêm hàng trăm triệu đồng chi phí phòng chống dịch. Hiện nay, cứ 3 ngày một lần công ty thực hiện xét nghiệm Covid-19 cho toàn bộ người lao động.

“Doanh nghiệp đã nhiều lần tăng lương hoặc tăng tiền công lao động theo ngày cho người lao động. Cụ thể, mức lương trung bình hiện nay của người lao động khoảng 12 triệu đồng/người/tháng; mức thù lao theo ngày đối với lao động thời vụ từ 350.000 - 400.000 đồng/người/ngày. Dù vậy, người lao động vẫn thường xuyên nghỉ việc do công việc vất vả. Công ty liên tục phải tuyển lao động mới. Cùng với đó, giá xăng dầu tăng mạnh nên nhiều tháng nay, công ty phải bù lỗ từ 50 - 60 triệu đồng/tháng”, ông Quang nói.

Hoạt động thu gom, xử lý chất thải của Công ty CP Môi trường xanh Minh Phúc (ở huyện Bình Giang) cũng chung tình cảnh này.  Bà Vũ Thị Kim Liên, Trưởng Phòng Môi trường của công ty này cho biết: “Nhiều năm qua, công ty liên tục bù lỗ trong quá trình xử lý rác thải sinh hoạt cho các địa phương. Kinh phí bù lỗ được lấy từ phí xử lý các loại chất thải khác. Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh và giá nhiên liệu tăng cao khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn”.

Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong việc xử lý rác thải sinh hoạt, tháng 2.2021 UBND tỉnh đã nâng mức hỗ trợ kinh phí xử lý chất thải rắn sinh hoạt cho 3 doanh nghiệp xử lý chất thải sinh hoạt bằng công nghệ đốt trên địa bàn tỉnh. Nhưng việc thu gom, vận chuyển hiện nay vẫn đang áp dụng mức cũ. Doanh nghiệp mong muốn tỉnh xem xét, điểu chỉnh tăng mức hỗ trợ vận chuyển chất thải từ nơi tập kết đến nơi xử lý cho phù hợp tình hình thực tế. Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, nguyện vọng của doanh nghiệp là chính đáng bởi trên thực tế các khó khăn đã rõ.  

Tại một số tỉnh, thành phố lân cận như Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hưng Yên, TP Hải Phòng... UBND cấp tỉnh ban hành quy định mức giá tối đa cho dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt đến điểm tập kết, xử lý. Giá dịch vụ tính theo khối lượng rác thải sinh hoạt và áp dụng trong phạm vi vận chuyển bình quân dưới 30 km. Tỉnh Hưng Yên phân loại cự ly vận chuyển thành nhiều mức khác nhau với hệ số dao động mỗi mức chênh nhau 5 km.  

NGUYỄN HOA